Ngoài dùng roi vọt, giáo viên còn "võ" gì đối phó với học trò?

Phải chăng các giáo viên trẻ hiện nay đang áp dụng triệt để phương châm "thương cho roi cho vọt"?

Vụ nữ sinh lớp 6 Trường THCS Phan Bội Châu (TPHCM) vừa tử vong sau khi bị cô giáo phạt vì không thuộc bài đã một lần nữa cảnh báo về kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử sư phạm của giáo viên, đặc biệt là các giáo viên trẻ.

Vì không thuộc bài, em L.T.P.H (lớp 6/7 Trường THCS Phan Bội Châu, quận Tân Phú) đã bị cô giáo môn công nghệ phạt bằng cách bắt em nằm lên bàn và lấy thước đánh vào mông. Vì có tiền sử bệnh động kinh, em H. đã ngất xỉu và sau đó tử vong.

Ngoài dùng roi vọt, giáo viên còn "võ" gì đối phó với học trò? - 1

Ảnh minh họa bài viết

Trước đó, có rất nhiều vụ việc xô xát giữa giáo viên và học sinh đã xảy ra. Cuối tháng 9/2014, nữ sinh B. (lớp 7/4 Trường THCS Hưng Long, huyện Bình Chánh) vì quên buộc dây giày trong giờ thể dục đã bị giáo viên thể dục dùng thước có đinh đánh vào mông và chân, gây bầm tím đau đớn.

Em V.T.D (lớp 3 Trường Tiểu học Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, Long An) vì không thuộc bảng cửu chương đã bị thầy giáo dùng thước kẻ đánh bầm tím phần hông và mông, gia đình phải cho em nhập viện vì chấn thương phần mềm.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Phải chăng các giáo viên đang áp dụng triệt để phương châm “thương cho roi cho vọt” với những học trò của mình?  

Một giáo viên đề nghị giấu tên của TPHCM nêu quan điểm: “Cô giáo bây giờ chịu áp lực rất lớn từ ban giám hiệu, từ phụ huynh học sinh: Tại sao con tôi học dốt, quậy phá... Và hơn thế nữa, không phải học sinh nào ở lứa tuổi này cũng dễ dàng nghe lời khuyên.

Tôi bắt chép phạt, học sinh vênh mặt lên: Em không chép cô làm gì em. Đến khi mời phụ huynh học sinh đến để thông báo em học hành quậy phá, liệu các ông bố bà mẹ có nhẹ nhàng khuyên bảo em hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay?

Cô giáo không có quyền đánh học sinh, đấy là điều đương nhiên. Tuy nhiên nếu các em không học bài, ồn ào nói chuyện riêng trong lớp học, thậm chí đánh nhau nữa mặc dù đã được nhắc nhiều lần thì giáo viên có thể có phương pháp sư phạm gì khác không?”.

Không ít giáo viên nhận định: Về nguyên tắc, việc đánh học trò dù vì bất cứ lý do gì cũng đều là sai nhưng tùy từng trường hợp, đánh nhẹ nhàng một vài roi để các em cảm nhận thầy cô như ba mẹ trong gia đình đang muốn các em tốt hơn thì các em sẽ không tổn thương dù có thể khóc nhưng không oán trách thầy cô.

Trong khi đó, số đông vẫn lên án việc “thương cho roi cho vọt” của giáo viên. Cô Trần Thu Thủy, một giáo viên tiểu học cho biết: “Tôi cũng là một giáo viên trẻ, tuy nhiên chưa bao giờ tôi phạt học trò của mình bằng nhục hình như vậy. Ngoài dạy học ra tôi còn dạy các em làm người, phát triển toàn diện nhân cách của các em. Có thể nguyên nhân cô giáo đánh vào mông không phải là nguyên nhân chính khiến học sinh tử vong, tuy nhiên cô giáo cũng sẽ rất hối hận về việc làm của mình.

Tôi chỉ hy vọng các thầy cô giáo hãy đặt mình vào hoàn cảnh của học sinh mà cư xử. Lời nói cử chỉ của cô giáo biết tâm lý thì cũng đủ để em học hành tiến bộ hơn, chứ không phải là roi vọt”.

Nhận định về vấn đề này, TS Vũ Lan Hương (Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM) cho biết, các giáo viên hiện nay đang rất yếu về kỹ năng sống. Cấu trúc chương trình đào tạo ở các trường sư phạm chưa coi trọng việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, các môn học nghiệp vụ thiên về lý thuyết, tách rời thực tế. Những trường hợp giáo viên bắt học sinh ăn ớt khi mất trật tự; thầy giáo tát học sinh… xảy ra trong thời gian qua là hồi chuông cảnh báo về thực trạng kỹ năng sống của giáo viên hiện nay.

Theo ThS Đặng Hoàng Oanh - Giảng viên khoa Ngữ văn (Trường ĐH Vinh), đang có sự khập khiễng rất lớn giữa lý thuyết với thực hành. Cho nên, không có gì khó hiểu khi phần lớn sinh viên sư phạm bộc lộ nhiều non yếu về kỹ năng nghề nghiệp, khả năng sử dụng ngôn ngữ nói của sinh viên còn nhiều hạn chế nên không biết linh hoạt ứng biến trước các tình huống giao tiếp với học sinh.

Đồng ý với quan điểm này, PGS.TS Ngô Minh Oanh (Viện Nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM) cho rằng, việc tuyển sinh đầu vào của khối ngành sư phạm đang có vấn đề, hầu như các cơ sở đào tạo chỉ chú trọng đến điểm thi văn hóa mà không kiểm tra những phẩm chất cần có của một người thầy như tính cách, hạnh kiểm…

Việc các trường phổ thông hiện nay chỉ lo dạy chữ mà ít quan tâm đến “dạy người” một phần cũng do việc tuyển sinh vào các trường sư phạm chưa thật sự toàn diện. Sinh viên cần phải được tiếp xúc với trường phổ thông ngay từ năm đầu tiên giống như ngành y, là rất quan trọng. Hậu quả của việc thiếu trình độ, chuyên môn của người thầy cũng để lại hậu quả xấu không thua gì bác sĩ yếu kém chuyên môn gây ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Dương (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN