Lý do giới nhà giàu ồ ạt cho con đi du học Anh
Kể từ sau sự kiện Brexit, đồng bảng Anh liên tục lao dốc. Đây chính là cơ hội tốt cho các gia đình giàu có nhanh chóng nắm lấy để con cái họ có suất du học tại một trong những nền giáo dục đắt đỏ trên thế giới.
Các trường học tại Anh đang chứng kiến sự xuất hiện của rất nhiều “con nhà giàu” trên thế giới.
Các trường cao đẳng, đại học hàng đầu của Vương quốc Anh đang chứng kiến sự xuất hiện của rất nhiều “con nhà giàu” (những người có tài sản ròng từ 30 triệu USD Mỹ trở lên) đến từ khắp nơi trên thế giới, kể từ khi người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hồi năm ngoái.
Dù trước đó, Mỹ vẫn là sự lựa chọn số 1 nhưng với sự sụt giảm của đồng bảng Anh, nền giáo dục ở đất nước này bỗng nhiên được cân nhắc nhiều hơn. Theo ông Ed Richardson, Giám đốc Công ty Giáo dục Keystone Tutors, bên cạnh những “thỏi nam châm” vẫn thu hút sinh viên nước ngoài như Mỹ, Thụy Sĩ, Úc, các trường nội trú ở Anh giờ đây cũng được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong việc lựa chọn du học.
“Chi phí, chất lượng sống và cơ hội tiếp cận với các trường đại học tốt là những lý do thúc đẩy nhu cầu học tập tại Anh”, Ed Richardson nói thêm. “Ban đầu, các gia đình giàu có ở Singapore cũng như nhiều nước khác muốn đưa con em họ đến các trường học ở Mỹ nhưng vì chi phí, sự sụt giảm giá trị của đồng bảng Anh làm cho nơi đây được đưa ra cân nhắc”.
Khi bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 31 năm qua cũng là lúc giáo dục Anh chứng kiến “làn sóng” du học ồ ạt này, trái ngược với các nhận định trước đó rằng, Brexit sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới số lượng sinh viên nước ngoài muốn học tập tại đây. Trong đó, sinh viên Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số du học sinh tại Anh, tăng hơn 190% trong 10 năm qua.
“Không chỉ là về chất lượng giáo dục mà còn về chất lượng cuộc sống và mức độ hoạt động ngoại khóa. Theo tâm lý người dân Trung Quốc, họ cho rằng, nếu bạn định chi tiền cho những thứ xa xỉ phương Tây thì tốt hơn là nên mua chúng ở phương Tây”, ông Richardson nói.
Để thu hút sinh viên nước ngoài, nhiều trường học tại Mỹ hay Anh đã nhanh chân chạy chiến dịch tuyển dụng tại các quốc gia có nhiều gia đình trung lưu, giàu có như Trung Quốc và Hồng Kông.
William Petty, Giám đốc Bonas MacFarlane - một trong những nhà cung cấp dịch vụ tư vấn và giáo dục hàng đầu ở Anh, cho biết một trong những câu hỏi đầu tiên mà các bậc phụ huynh quan tâm là số lượng người dân đất nước họ lựa chọn học tập ở quốc gia đó. “Trong một thế giới đang hướng tới toàn cầu hóa, việc để con cái tiếp cận và làm bạn với công dân của nhiều nền văn hóa khác nhau được xem là một trong những lý do để giới nhà giàu chi tiền”.