Làm gì để “cứu” ngành sư phạm khỏi bị “hắt hủi"?

Sự kiện: Giáo dục

Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì tuyển sinh kiểu “vơ bèo”, cần siết chặt chỉ tiêu đào tạo sư phạm, tăng ưu đãi cho các nhà giáo.

Chưa khi nào ngành sư phạm lại “rớt giá” đến mức chỉ cần 9 - 10 điểm là có suất học vào trường CĐ, hay 15,5 điểm là đỗ trường ĐH đào tạo sư phạm như năm nay.

Câu chuyện “hạ giá” này dù không mới mẻ, nhưng khiến nhiều người phải giật mình lo lắng đến thế hệ học sinh sau này.

Cảm thấy lo lắng về chất lượng của các giáo viên với điểm trúng tuyển sư phạm "chạm đáy" hiện nay, PGS Văn Như Cương (Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) người nhiều năm công tác trong ngành giáo dục cũng phải thừa nhận đây là một thực tế đáng báo động. Bởi theo ông, với “đầu vào” thấp như thế sẽ kéo theo chất lượng giáo viên cũng thấp theo.

PGS Cương cho rằng, các trường không nên chỉ vì tuyển đủ chỉ tiêu, đủ kinh phí mà lấy điểm thấp như thế. Với những người như vậy qua mấy năm đào tạo nảy sinh ra các thầy kém, mà thầy kém thì làm sao mà dạy được trò giỏi lên được. Theo PGS Văn Như Cương, Bộ GD&ĐT cần rà soát lại về vấn đề tuyển sinh vào trường sư phạm.

Làm gì để “cứu” ngành sư phạm khỏi bị “hắt hủi"? - 1

Để ngành sư phạm có sức hút trở lại cần rất nhiều yếu tố về đãi ngộ giáo viên. (Ảnh minh họa: Q.Anh)

“Biện pháp cần phải làm ngay là các trường sư phạm phải đổi mới. Hiện tại, giáo viên đang dư thừa rất nhiều, không nên đào tạo tràn lan nữa. Các trường sư phạm chỉ nên tuyển từ 18 - 20 điểm, còn lại đào tạo lại giáo viên cũ. Nên tính đến phương án thi riêng của khối trường sư phạm. Ngoài ra, cần quan tâm đến đời sống giáo viên, tăng lương, trao học bổng để thu hút học sinh giỏi dự thi vào” - PGS Văn Như Cương nêu giải pháp.

Chỉ ra thực tế ngành sư phạm không còn sức hấp dẫn, dù các trường đã có chế độ miễn phí, học bổng… TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Hà Nội cho biết, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các trường Sư phạm phải tuyển sinh để đào tạo chứ không thể buông xuôi. Các trường phải thay đổi cách thức cũng như phương thức đào tạo, để thích ứng với sự phát triển của xã hội, ngành Sư phạm cần đào tạo đa năng hơn.

Chia sẻ thêm về giải pháp, TS Lâm cho hay: "Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng thay đổi những chính sách với nhà giáo nhằm thu hút người tài. Vấn đề lâu dài và sâu xa hơn là thu nhập của giáo viên thấp, ngoài phần trăm thâm niên thì họ không có thêm khoản thu nhập nào khác. Nhà nước phải suy nghĩ đề ra chiến lược để ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, lúc đó mới có thể thu hút được người giỏi".

Để các trường sư phạm có sức hút đối với người học, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, trước tiên phải giải quyết được tình trạng dư thừa giáo viên, hiện nay các trường học mỗi lớp 50 - 60 em dẫn đến quá tải, thừa giáo viên. Vì thế cần mở rộng cơ sở vật chất, trường lớp để đội ngũ giáo viên có cơ hội giảng dạy học sinh theo đúng quy định về sỹ số học sinh trên lớp.

Cũng theo PGS.TS Phạm Tất Dong, so với các trường đại học khác, khối các trường sư phạm hiện nay chưa được trang bị hiện đại, ngay cả các trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM còn thiếu thốn nhiều thứ, chưa tương xứng với nơi đào tạo hàng đầu về giáo viên. Không được trang bị hiện đại thì ra trường khó có thể so sánh với chất lượng với các trường khác được.

Ngoài ra, chúng ta cứ hô hào là tăng lương cho giáo viên, nhưng thực tế chưa tăng là bao, giáo viên lương thấp chưa yên tâm tới cuộc sống nên phải đi dạy thêm, làm thêm dẫn đến mất hình ảnh đẹp người giáo viên trong mắt phụ huynh, học sinh.

“Cần có những chính sách cụ thể đối với các trường sư phạm và với người học sư phạm, công bố để toàn dân được biết: ví dụ, sinh viên được hỗ trợ học phí, được vay vốn ưu đãi học tập, có việc làm sau khi ra trường, có chính sách đối với giáo viên dạy ở miền núi… Nhà nước cần chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng phát triển hệ thống trường lớp” - PGS. TS Phạm Tất Dong chia sẻ.

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay: Top trên 'cấu véo', top dưới còn gì để tuyển?

Dữ liệu tuyển sinh cho thấy, năm nay nhiều trường có số thí sinh đến xác nhận nhập học lên đến 137%. Ngoài việc những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã Hội)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN