Học sinh phổ thông chịu nhiều áp lực thi cử: Vì đâu?

Sự kiện: Giáo dục

Trong thời gian ngắn, học sinh Hà Nội, có em thậm chí dự tới 5 kỳ thi để vào trường chuyên, trường chất lượng cao. Áp lực vì thế cũng dồn nén lên học sinh tiểu học vốn là tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Khoảng 2.700 học sinh tiểu học Hà Nội vừa thực hiện các bài kiểm tra đánh giá năng lực tuyển sinh vào lớp 6, Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội).

Sau khi Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam dừng tuyển sinh lớp 6 thì THCS Cầu Giấy là một trong những trường được học sinh, phụ huynh đặt mục tiêu số 1.

Năm nay, trường này tuyển 440 chỉ tiêu, tỉ lệ chọi khoảng 1/6,1. Trong mùa tuyển sinh đầu cấp trường chất lượng cao, trường “hot” năm nay, trường có tỉ lệ chọi dẫn đầu là THCS - THPT Nguyễn Tất Thành 1/20,5 vì có tới 5.555 thí sinh đăng ký dự thi nhưng chỉ tuyển 270 em; tiếp đến là Trường THCS Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội) tỉ lệ chọi 1/18.

Nhiều phụ huynh cho con dự 4-5 kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 trường chất lượng cao Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Anh

Nhiều phụ huynh cho con dự 4-5 kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 trường chất lượng cao Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Anh

Ngoài các trường tuyển sinh theo tuyến, Hà Nội hiện có nhiều trường áp dụng phương thức xét tuyển hồ sơ học bạ kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh để tuyển vào lớp 6 như: THCS Thanh Xuân, THCS Nam Từ Liêm, THCS Cầu Giấy, THCS Lê Lợi, THCS Ngoại Ngữ, THCS - THPT Nguyễn Tất Thành…

Nhiều phụ huynh cho biết, trong một thời gian ngắn, con dự tới 3, thậm chí 5 kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 để giành được suất học trường top đầu.

“Không phải phụ huynh nào cũng hiểu chất lượng các trường mà chỉ chạy đua vì “nghe người ta nói”. Thay vì chỉ chăm chăm cho trẻ luyện Toán, Tiếng Việt, cha mẹ cần giáo dục kỹ năng sống và các kỹ năng khác”.

TS Tùng Lâm

Chị Lê Thị Huế, có con vừa hoàn thành chương trình tiểu học tại Trường Lý Thái Tổ cho biết, sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, thay vì nghỉ hè như các bạn con tiếp tục luyện thi để tham gia kiểm tra đánh giá năng lực của 3 trường THCS và tiếp tục dự tuyển vào trường THCS Cầu Giấy.

“Buổi sáng ngày đi dự thi, con thức dậy từ 6 giờ và rất lo lắng, hồi hộp vì đây là ngôi trường con đặt mục tiêu cao nhất. Trước đó, con đã thi đỗ Nguyễn Tất Thành và Archimedes. Để thi trường chất lượng cao, trường có tiếng gia đình đã có kế hoạch cho đi học thêm từ lớp 4.

Ngoài giờ học ở trường tiểu học, mỗi tuần con học thêm 2 buổi Toán, 1 buổi Tiếng Anh. Đã xác định thi chất lượng cao cả bố mẹ và con đều phải sẵn sàng tinh thần học vất vả hơn”, chị Huế nói.

Trong khi đó, chị Lê Thị Ái, ở quận Hà Đông cho biết, THCS Cầu Giấy là ngôi trường thứ 5 con chinh phục trong mùa thi năm nay. “Trong số 4 trường đã tổ chức thi tuyển, kết qủa con đỗ 2 trường và gia đình đã đặt cọc một trường để con chắc suất, tự tin đi thử sức các trường tiếp theo”, chị Ái nói.

Cũng theo chị Ái, khi đã đặt mục tiêu sẽ thử sức vào các trường chất lượng cao, trường “nóng” tuyển sinh đầu cấp là xác định bước vào cuộc đua. Từ năm con học lớp 4, mẹ đã tìm các trung tâm đăng ký cho học thêm tuần 3 buổi và duy trì suốt cả năm học. Ngoài ra, ở nhà con luyện thêm đề. Yếu chỗ nào mẹ hỗ trợ, kèm cặp để bổ sung kiến thức ngay chỗ đó.

“Trẻ ở bậc tiểu học còn ham chơi. Ban đầu, con không có mục tiêu sẽ thi đỗ trường này, trường khác nhưng được mẹ động viên nên cũng hợp tác. Khi các bạn nghỉ hè, mình vẫn phải đi học, đi thi con có thắc mắc nhưng mẹ lại động viên con tiếp tục cố gắng”, chị Ái cho biết.

Không riêng bậc tiểu học, học sinh lớp 9 Hà Nội, ngoài kỳ thi chung tuyển sinh vào lớp 10 THPT đại trà được cho là áp lực, cam go vì chỉ tiêu tuyển sinh thấp, nhiều em còn bước vào cuộc đua thi trường chuyên. Có em cùng lúc học chính, học thêm ở trường, học thêm ở ngoài kín lịch để thi cùng lúc 3 đến 5 trường chuyên.

Trường học cần có chất lượng đồng đều

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hội tâm lý học Hà Nội cho rằng ở bậc tiểu học, hầu hết mục tiêu, kế hoạch học tập của học sinh đều do cha mẹ định hướng. Có những em giỏi thật sự nhưng cũng có những em mới chỉ dừng ở mức khá tuy nhiên, cha mẹ vẫn đặt mục tiêu cho con đua và ép học thêm rất nhiều để dự thi trường chất lượng cao, trường “có tiếng” vừa tốn kém tiền bạc vừa gây áp lực, mệt mỏi cho con.

Cũng theo ông Lâm, thành phố Hà Nội hiện vẫn thiếu trường lớp ở các cấp học dẫn đến tiểu học, THCS sĩ số vượt quy định. THPT mới chỉ đảm bảo được khoảng 60% em vào trường công lập.

Do đó, thành phố cần có giải pháp đột phá nêu cao vị trí vai trò trường học, đảm bảo các điều kiện để mỗi trường học đều có điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đồng đều, thỏa mãn nhu cầu gửi con đến trường của người dân Thủ đô. Khi chất lượng các trường học đồng đều, phụ huynh, học sinh yên tâm lựa chọn trường học gần nhà, thuận lợi đưa đón, đảm bảo sức khoẻ của học sinh.

Nguồn: [Link nguồn]

Học sinh căng thẳng học 12 tiếng mỗi ngày hay phụ huynh chi cả chục triệu mỗi tháng cho con học ôn, luyện thi vào lớp 10 là thực tế đang diễn ra tại Hà Nội. Các chuyên gia, nhà giáo cho rằng, Thủ đô cần nhanh chóng xây thêm trường, đảm bảo chỗ học cho học sinh, tránh chuyện tư vấn, phân luồng vi phạm quyền học tập của học sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN