Gợi ý giải đề thi môn Văn khối C, D

Các thí sinh vừa kết thúc môn thi đầu tiên đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 sáng 9-7. Mời phụ huynh, thí sinh xem gợi ý giải đề môn văn.

ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2012
Môn: NGỮ VĂN; Khối: C
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

I. Phần chung:

Câu 1: Trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ở phần nói về thượng nguồn dòng sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ví vẻ đẹp của dòng sông này với hình ảnh hai người phụ nữ, đó là những hình ảnh nào? Ý nghĩa của những hình ảnh ấy?

Câu 2:

“Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu.”

Viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên

II. Phần riêng:

Câu 3.a:

Cảm nhận vẻ đẹp sử thi của hình tượng nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Câu 3.b:


Cảm nhận hai đoạn thơ sau:

“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)

“Nhà em có một giàn giàu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào”

(Tương Tư – Nguyễn Bính)

BÀI GIẢI GỢI Ý

Câu 1: Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn chuyên về bút kí với lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm vào tài hoa. “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là bài bút kí xuất sắc của ông, viết năm 1981. Văn bản trong sách giáo khoa trích phần thứ nhất của bài bút kí này. Trong văn bản, khi viết về sông Hương ờ thượng nguồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ví vẻ đẹp của dòng sông với hình ảnh hai người phụ nữ.

- Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Với so sánh này tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên đầy sức sống và đa dạng của dòng sông. Có lúc nó mãnh liệt qua những “ghềnh thác cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn”; có lúc nó trở nên “dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài và chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Dòng sông được nhân hóa thành con người có bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do và trong sáng.

- Dòng sông còn được ví như người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Phù sa của sông cung cấp chất màu mỡ cho đất đai. Ví sông Hương là “người mẹ phù sa” nhà văn muốn nói sông Hương là ngọn nguồn cho cảm hứng nghệ thuật, văn hóa của người Huế nói riêng, người Việt Nam nói chung.

Câu 2:

1. Giới thiệu được luận đề cần giải quyết

2. Giải quyết vấn đề

a. Giải thích:

+ Giải thích từ ngữ:

- Kẻ cơ hội là người nhanh chóng nắm bắt hoàn cảnh hoặc điều kiện thuận lợi để thực hiện một mục tiêu nào đó.

- Nôn nóng: thái độ vội vàng, muốn nhanh chóng đạt được kết quả

- Người chân chính: người có những suy nghĩ và việc làm nghiêm túc, có đạo đức, có mục tiêu tốt đẹp theo đúng chuẩn mực của xã hội; đạt đến thành công bằng chính năng lực của mình.

- Kiên nhẫn: quyết tâm, bền chí để đạt được mục tiêu đã xác định.

- Thành tích, thành tựu: kết quả tốt đẹp cuối cùng của một quá trình suy nghĩ và làm việc.

+ Giải thích ý nghĩa cả câu:

Ý kiến trên cho thấy kẻ cơ hội và người chân chính đều muốn có những kết quả tốt đẹp cho việc làm của mình nhưng kẻ cơ hội thì vội vàng, còn người chân chính thì kiên nhẫn. Câu nói có phần phê phán thái độ nôn nóng, vội vàng, mặt khác khẳng định sự kiên nhẫn của người chân chính.

b. Bàn luận:

- Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích:

+ Có ý kiến cho rằng “Đời người có ba thứ qua đi không lấy lại được là tuổi trẻ, thời gian và cơ hội”. Cơ hội chỉ xuất hiện trong một thời điểm nhất định, nếu không biết nắm bắt, nó sẽ vuột mất. Vì vậy, kẻ cơ hội rất nôn nóng trong việc vận dụng điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu của mình.

+ Đời người có thể có nhiều cơ hội nhưng các cơ hội ấy không giống nhau, vì vậy một khi cơ hội qua đi sẽ không đạt được kết quả như ý.

+ Kẻ cơ hội hiểu rất rõ sự bất ổn này nên có thể dùng mọi mánh khóe, thủ đoạn để đạt được kết quả (dẫn chứng).

- Người chân chính thì kiên nhẫn để đạt được thành tựu:

+ Người chân chính cũng biết nắm bắt cơ hội nhưng không đạt được mục tiêu bằng bất cứ giá nào như kẻ cơ hội. Nếu thất bại, người chân chính sẽ đứng lên từ chính chỗ thất bại ấy để làm lại từ đầu.

+ Người chân chính thường làm việc với một lý tưởng phù hợp với những chuẩn mực của xã hội nên có sự bền chí, quyết tâm trong việc thực hiện mục tiêu.

+ Người chân chính xem cơ hội là phương tiện chứ không phải là cứu cánh trong việc thực hiện mục tiêu. Do vậy, họ có lòng kiên trì, theo đuổi mục tiêu cho đến cùng, chứ không dựa dẫm, không dùng thủ đoạn (dẫn chứng).

c. Mở rộng:

Ý kiến này giúp ta phân biệt rõ thế nào là kẻ cơ hội và người chân chính. Mặt khác, nó cho thấy cách thực hiện mục tiêu của kẻ cơ hội và người chân chính rất khác nhau. Từ đó, ý kiến này có vai trò định hướng cho học sinh và thanh niên trong việc thực hiện ước mơ, theo đuổi mục tiêu của mình. Ta phải biết nắm bắt cơ hội nhưng cũng phải có lòng kiên nhẫn thì mới đạt được những thành tựu tốt đẹp, có ý nghĩa.

3. Kết luận:

Rút ra bài học về nhận thức và hành động cho bản thân.

Câu 3a.


 Yêu cầu kỹ năng:

- Biết cách làm nghị luận văn học. Để cảm nhận tác phẩm về nội dung và nghệ thuật .

- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp, dùng từ.

 Yêu cầu về kiến thức:

Trên cơ sở hiểu biết, thí sinh trình bày theo nhiều cách nhưng cần nêu các ý chính sau:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật.

+ Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó với Tây Nguyên trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ.

+ Tác phẩm “Rừng xà nu”.

 Hoàn cảnh sáng tác: Viết năm 1965, khi đế quốc Mĩ ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Truyện đăng lần đầu trên tạp chí văn nghệ Quân Giải Phóng Trung Trung Bộ, sau đưa vào tập truyện “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”

 Nhân vật Tnú là nhân vật chính, mang đậm tính sử thi.

- Khai thác đặc điểm nhân vật

 Về nội dung, ý nghĩa

+ Là đứa trẻ mồ côi được làng Xôman nuôi dưỡng, nhận vai trò làm chú bé liên lạc mang ánh sáng của Đảng về với buôn làng.

+ Trưởng thành, anh trở thành cán bộ Đảng, đấu tranh theo Đảng, làm kẻ thù khiếp sợ.

+ Kẻ thù dùng thủ đoạn thâm độc đánh vào gia đình anh.

 Trước cảnh vợ con bị tra tấn (phân tích một đoạn văn miêu tả tình huống bi kịch của người chiến sĩ xoay quanh các vấn đề : gia đình – đất nước).

 Cách giải quyết : anh xông ra cứu vợ con bằng tay không, giặc bắt và đốt hai bàn tay của anh (phân tích hình ảnh bàn tay Tnú và tâm trạng của anh lúc đó).

 Cụ Mết cùng thanh niên vào rừng lấy vũ khí, trở lại tiến hành nổi dậy và chiến thắng (phân tích lời nói cụ Mết và hành động của cụ).

 Về nghệ thuật:

+ Nhân vật đậm chất sử thi.

+ Nghệ thuật tạo tình huống bi kịch giữa riêng – chung .

+ Chi tiết “đắt” (như đôi mắt, bàn tay Tnú …)

Câu 3b.

 Giới thiệu hai nhà thơ – hai đoạn thơ:

- Là hai nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới (30 – 45), Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bính thể hiện tâm trạng nhân vật trữ tình – tác giả qua thơ bằng những nét không nhầm lẫn.

- Đưa hai đoạn thơ vào…

 Khai thác hai đoạn thơ :

- Tìm hiểu những nét chung của hai đoạn thơ

+ Nếu Hàn Mặc Tử tả cảnh thôn Vĩ qua một địa danh cụ thể để gửi tình yêu quê hương.

+ Còn Nguyễn Bính tạo ra một không gian của thôn xóm, làng quê ngụ tâm tình chân chất, giản dị.

- Khai thác cụ thể hai đoạn

+ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử qua bốn dòng thơ đầu “Trích dẫn …..”

 Một dòng đầu : Sự trách móc bằng câu hỏi chỉ để hỏi (phân tích các chi tiết: địa danh “thôn Vĩ”, hành trình “về chơi”)

 Ba dòng sau :

• Hình ảnh thôn Vĩ và con người xuất hiện rất tự nhiên (phân tích hình ảnh hàng cau đặt trong nắng và nắng mới lên mang nhiều tầng ý nghĩa thể hiện cách cảm nhận của cái tôi - nhà thơ - hình ảnh “hàng cau”, “vườn ai”, “mặt chữ điền”).

 Cảm nhận : cái tôi không lầm lẫn của Hàn Mặc Tử viết trong và bằng đau thương của một người mắc bệnh khắc nghiệt nhưng vẫn tạo ra những vần thơ trong sáng, giản dị.

+ Bài “Tương tư” của Nguyễn Bính qua bốn dòng cuối (Trích dẫn :…)

 Hai dòng đầu :

 Tạo hình ảnh làng quê Việt Nam với những nét đơn giản, mộc mạc (phân tích : hai nhân vật “em – anh“ của tình yêu đôi lứa - Hình ảnh “một giàn giầu – một hàng cau” của làng quê tạo thành một tình cảm độc đáo của tình yêu quê hương bằng sự đan cài riêng – chung).

 Hai dòng sau:

 Thể hiện tâm tình của nhân vật trữ tình – tác giả (phân tích hình ảnh : “thôn Đoài – thôn Đông” cùng “cau nhớ giầu không” phản ánh trạng thái xúc cảm phức tạp : nhung nhớ, trông mong, trách móc … hơn hết là khao khát hạnh phúc lứa đôi.

 Cảm nhận : Tâm tình của Nguyễn Bính về tình yêu đôi lứa gắn liền với hồn quê man mác, nhẹ nhàng . Và hình ảnh thơ giản dị dễ hiểu xuất phát từ cái tôi – Nguyễn Bính gắn bó sâu nặng với những nét đẹp văn hóa Việt Nam.

+ Nhận xét chung về hai bài thơ của hai tác giả:

 Cả hai đoạn thơ đều thể hiện tâm trạng nhân vật trữ tình - tác giả đối với quê hương nhưng được khai thác bằng nét khác nhau đúng với yêu cầu “khoa học là ta, văn học là tôi”.

 Đều vận dụng bút pháp “tả cảnh, ngụ tình” bằng cách khai thác không lầm lẫn.

Phan Kỳ Thuận
THPT Vĩnh Viễn - TPHCM

Môn Văn khối D


ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2012
Môn: NGỮ VĂN; Khối: D
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011), việc Mị nhìn thấy “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ diễn ra trong hoàn cảnh nào? Sự việc ấy có ý nghĩa gì đối với tâm lí của nhân vật Mị?

Câu 2. (3,0 điểm)

Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa.

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.

II. PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu của phần riêng (câu 3.a hoặc 3.b)

Câu 3.a. Theo Chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao kết thúc bằng hình ảnh:

Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua…

(Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.155)

Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân kết thúc bằng hình ảnh:

Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…

(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.32)

Cảm nhận của anh/ chị về ý nghĩa của những kết thúc trên.

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm) Cảm nhận của anh /chị về hình ảnh tạo vật thiên nhiên và tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ sau:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
(Tràng giang – Huy Cận, Ngữ văn 11 Nâng cao,
Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011, tr.49)

BÀI GIẢI GỢI Ý

Câu 1: Thí sinh cần làm rõ hai ý :

* Hoàn cảnh Mị nhìn thấy :

- Hằng đêm Mị thức thật khuya và trở dậy thật sớm để hơ lửa, kể cả sau những lần bị A Sử đánh.

- A Phủ để hổ ăn mất bò nên bị thống lí Pá Tra trói vào cột. Mị nhìn thấy nhưng cô vẫn thản nhiên.

- Đến đêm thứ ba thì Mị nhìn thấy một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ và Mị đã xúc động.

* Ý nghĩa của sự việc nói trên đối với tâm trạng của Mị :

- Hình ảnh một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ là một hình ảnh thương tâm có nhiều ý nghĩa – giọt nước mắt lặng lẽ của một người đàn ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn, cứng cỏi đang trở nên tiều tụy trong một xã hội mà đàn ông là người có vai trò tuyệt đối quan trọng. Chính vì vậy, nó đã làm Mị xúc động.

- Sự việc nói trên đã khơi mở nguồn mạch nhân ái vốn tiềm ẩn trong tâm hồn Mị. Nó đã làm sống lại trong tâm hồn Mị nhiều cảm xúc và suy nghĩ : nó làm Mị nhớ lại thảm cảnh của bản thân; thương thân nên Mị thương cho hoàn cảnh của A Phủ; căm giận sự độc ác của cha con thống lí Pá Tra; thấy việc A Phủ phải chịu, sẽ phải chết là một điều bất công phi lý.

- Sự việc này đã dẫn Mị đi tới một hành động tự phát nhưng rất táo bạo, hợp lý: cởi trói cho A Phủ và chạy trốn theo A Phủ để giải phóng cuộc đời mình khỏi những bất công đau khổ.

Câu 2: Thí sinh cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản của câu hỏi: Viết một bài văn ngắn (khoảng 660 từ) với nội dung trình bày suy nghĩ của bản thân về ý kiến được nêu trong đề bài.

Thí sinh có thể triển khai bài làm theo những cách thức cụ thể khác nhau. Sau đây chỉ là một số gợi ý:

+ Giới thiệu chung : cuộc sống có những người, những điều cao đẹp được nhiều người biết tới. Nó trở thành những thần tượng đối với con người. Nhưng người ta phải có thái độ như thế nào đối với thần tượng cho phải, bởi lẽ : ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa.

+ Giải thích :

- Thần tượng là những người, những điều được mọi người tôn sùng, chiêm ngưỡng. Nhưng thái độ của mọi người đối với thần tượng có thể dẫn tới những kết quả khác nhau: Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa.

- Tại sao Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa?

- Ngưỡng mộ khác với mê muội : người ngưỡng mộ vẫn giữ được sự tỉnh táo, sáng suốt, khách quan của tinh thần, do đó có thái độ đúng mực đối với thần tượng, trong khi người mê muội thì thường chủ quan, thiếu sự sáng suốt, tỉnh táo trong mối quan hệ với thần tượng, do đó dễ có những thái độ không đúng mực, không phù hợp.

- Trong việc ngưỡng mộ thần tượng, người ta dễ hiểu rõ cái đẹp của thần tượng và có sự ngưỡng mộ; người ta cũng hiểu rõ bản thân; do đó người ta có thể hoặc có sự thán phục, hoặc có nỗ lực để phấn đấu và để theo gương theo cách hiểu mình hiểu người, không có những hành vi thái độ quá đáng ảnh hưởng đến nhân cách của bản thân. Vì thế, đó là một nét đẹp văn hóa: cư xử văn minh, lịch sự đúng mực, phù hợp.

- Trong khi đó, mê muội thần tượng thì dễ khiến người ta chỉ nhìn thấy thần tượng một cách phiến diện (hào quang của những thần tượng ca nhạc) thường lại có những thái độ hành vi quá đáng và do đó nó ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, có khi dẫn tới những tai họa lớn (ví dụ : tốn thời gian, tiền của và thậm chí cả sinh mạng).

+ Bình luận :

- Không nên sống trên đời mà không có thần tượng bởi vì ai cũng cần phải có một mục đích rõ ràng để sống, phải có những điều, những người tốt đẹp mà mình ngưỡng mộ, yêu mến, khâm phục để noi gương và phấn đấu. Có như vậy cuộc sống mới có thể dễ có ý nghĩa, có động lực thúc đẩy để phấn đấu. Không có thần tượng người ta dễ sống theo kiểu bèo dạt hoa trôi.

- Cũng cần thấy rõ ý nghĩa khái quát của thần tượng và sự hiện diện của thần tượng ở mọi lĩnh vực của đời sống (văn học, lịch sử, khoa học...) chứ không phải chỉ có thần tượng trong lĩnh vực âm nhạc, thể thao.

- Cần phải có thái độ đúng đắn đối với thần tượng đó là ngưỡng mộ thần tượng chứ không mê muội thần tượng.

+ Ý kiến của đề :

- Có ý nghĩa của một lời nhắc nhở, một lời khuyên rất thực tế, thời sự đối với mọi người, nhất là với giới trẻ hiện nay.

II. PHẦN RIÊNG

Câu 3a.

I. GIỚI THIỆU: tác giả, tác phẩm

- Nam Cao và Kim Lân là hai trong những cây bút hiện thực xuất sắc trong đời sống văn học hiện đại Việt Nam, đều viết thành công về đề tài người nông dân.

- Chí Phèo và Vợ nhặt là hai thiên truyện khắc họa tình trạng thê thảm của người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Tuy nhiên kết quả cuối cùng có những bước ngoặc khác nhau: Một bên là những ám ảnh đen tối; một bên là hình ảnh gợi nhiều hy vọng.

II. NỘI DUNG (Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo các ý sau đây).

1. Nêu khái niệm nhân đạo trong văn học.

2. Cảm nhận hình ảnh “cái lò gạch bỏ không” qua sự ám ảnh của thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo.

a. Khái quát nội dung tác phẩm Chí Phèo.

b. Tóm tắt cuộc đời đầy bi kịch của người nông dân Chí Phèo

c. Ý nghĩa hình ảnh “cái lò gạch cũ” không người qua lại.

- Nỗi ám ảnh về sự đen tối và bế tắc của người nông dân trong xã hội bất công khi chưa có ánh sáng cách mạng. Ở đó tình trạng người nông dân bị bọn cường hào ác bá đẩy vào “bước đường cùng”. Người nông dân lương thiện bị bỏ rơi như đứa bé từng bị bỏ rơi trong cái lò gạch cũ.

- Nông thôn Việt Nam ngày ấy tan hoang chẳng khác gì cái lò gạch bị bỏ hoang.

- Hiện thực đó có ý nghĩa tố cáo sâu sắc xã hội thực dân nửa phong kiến trước đã tiếp tay cho bọn ác bá giày xéo nông dân.

- Thể hiện cái nhìn xót xa của nhà văn đối với tương lai đen tối của người nông dân.

3. Cảm nhận hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới” thoáng hiện qua tâm trí nhân vật Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt”

a. Khái quát nội dung tác phẩm “Vợ nhặt”

b. Tóm tắt về cuộc đời nhân vật Tràng.

c. Ý nghĩa “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”

+ “đám người đói” vẫn đang là hiện thực.

+ “lá cờ đỏ bay phấp phới” gợi ra một thứ ánh sáng cao đẹp là cách mạng sẽ xua tan bóng tối của hiện thực đói khát ấy.

+ Vượt qua hiện thực đen tối của nạn đói, nhân vật có cái nhìn tin tưởng về phía tương lai.

+ Thông điệp ngợi ca cách mạng, bởi chỉ có cách mạng mới có thể mang đưa nhân dân đến bến bờ tươi sáng.

4. Nhận định chung

a. Điểm tương đồng

- Truyện ngắn “Chí phèo” của Nam Cao và “Vợ nhặt” của Kim Lân đều thể hiện ánh nhìn nhân đạo của hai nhà văn đối với đời sống, những mảnh đời bất hạnh trong xã hội cũ.

- Cả hai thiên truyện đều mang ý nghĩa tố cáo sâu sắc xã hội thực dân, phong kiến, phát xít.

- Cả hai nhà văn đều thể hiện tài năng trong sáng tạo nghệ thuật.

b. Điểm khác biệt:

Hai chi tiết, hai tác phẩm đã ra đời trong hai giai đoạn khác nhau của văn học: trước và sau Cách mạng tháng Tám. Hai hình ảnh mang hai ý nghĩa khác nhau:

+ Người nông dân trong truyện ngắn Chí Phèo hoàn toàn bế tắc vì không được cách mạng soi sáng.

+ Người nông dân trong truyện ngắn “Vợ nhặt” dạt dào niềm tin vào tương lai vì có hình ảnh cách mạng xuất hiện.

+ Bút pháp: Nam Cao viết theo khuynh hướng hiện thực phê phán; Kim Lân viết theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa.

III. Kết luận

+ Khắc họa chân thực, sinh động đời sống đáng thương của nhân dân ta.

+ Tố cáo xã hội sâu sắc

+ Tấm lòng của nhà văn

+ Tài năng trong sáng tạo qua những hình ảnh giàu ý nghĩa góp phần nổi bật tư tưởng chủ đề nhân đạo của tác phẩm.

Câu 3b.

I. Giới thiệu :

- Vài nét về tác giả Huy Cận và bài thơ Tràng Giang.

- Hai khổ thơ mở đầu thể hiện cảnh vật thiên nhiên và tâm trạng của nhân vật trữ tình.

II. Phân tích :

- Giới thiệu vị trí của hai khổ thơ : hai khổ đầu tiên của bài thơ.

- Giới thiệu nội dung hai khổ thơ : cảnh vật sông dài trời rộng trong buổi hoàng hôn và tâm trạng của nhân vật trữ tình trong buổi hoàng hôn đó.

- Phân tích khổ 1 : Cảnh mặt sông dài trong buổi hoàng hôn.

+ Cảnh vật thiên nhiên : mặt sông dài được miêu tả qua các chi tiết theo bút pháp tả cảnh ngụ tình.

+ Cảnh vật mênh mông, vắng lặng, u buồn gắn với tâm trạng lẽ loi, cô đơn của nhà thơ trước không gian rộng lớn. Điều này được thể hiện rõ qua các chi tiết nghệ thuật: buồn điệp điệp; xuôi mái nước song song; thuyền về nước lại, sầu trăm ngả; củi một cành khô lạc mấy dòng.

- Phân tích khổ 2 : Bức tranh thiên nhiên mênh mông của sông dài, trời rộng.

+ Tầm nhìn của nhân vật trữ tình kéo dài theo chiều dài của dòng sông và mở rộng với bầu trời cao bên trên khiến cho cảnh vật trở nên mênh mông và càng làm rõ tâm trạng lẻ loi, cô đơn của nhân vật trữ tình trước cảnh vật.

+ Cảnh vật và tâm trạng đã được bộc lộ rõ qua các chi tiết nghệ thuật : lơ thơ; gió đìu hiu; đâu; nắng xuống trời lên; sâu chót vót; sông dài trời rộng, bến cô liêu.

- Nhận xét đánh giá :

+ Bức tranh cảnh sông dài trời rộng mênh mông, đượm buồn.

+ Tâm trạng nhân vật trữ tình: u buồn, lẻ loi, cô đơn và nhuốm nỗi sầu nhân thế.

+ Tiêu biểu cho giá trị chung về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

+ Kín đáo thể hiện tình yêu của nhà thơ đối với đất nước quê hương.

Phan Kỳ Thuận
Trung tâm luyện thi Đại học Vĩnh Viễn – TPHCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Đáp án, đề thi đại học cao đẳng 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN