Điểm thi chênh lệch xa điểm học bạ, do đâu?

Sự kiện: Giáo dục

Một lần nữa, hiện tượng chênh lệch điểm học bạ và điểm thi lại nổi lên khi các trường đại học thuộc khối công an vừa rà soát danh sách 58 thí sinh xét tuyển vào các trường khối công an đạt 29,5 điểm trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng 1

Qua kiểm tra dữ liệu tuyển sinh của Bộ Công an, có 55 thí sinh không đủ điều kiện để xét tuyển đại học (ĐH) do không bảo đảm tiêu chuẩn về học lực (có môn thuộc tổ hợp xét tuyển dưới 6,5 điểm, kết quả học 3 năm THPT chưa cao) mặc dù điểm thi tốt nghiệp THPT rất cao.

Có thể phát hiện bất thường

Sau khi kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 được công bố, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng đã đối sánh giữa điểm trung bình (ĐTB) của các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT với ĐTB của môn đó trong học bạ lớp 12 của học sinh ở từng địa phương trên cả nước.

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (Ảnh: YẾN ANH)

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (Ảnh: YẾN ANH)

Ngoại trừ môn giáo dục công dân có ĐTB môn thi tốt nghiệp cao hơn ĐTB môn học ở lớp 12, tất cả các môn khác đều có ĐTB môn thi thấp hơn ĐTB môn học ở lớp 12. Nhiều môn có chênh lệch lên đến hơn 3 điểm ở một vài địa phương. Tất nhiên, chênh lệch ĐTB của từng môn như vậy sẽ dẫn đến ĐTB 4 bài thi tốt nghiệp chắc chắn sẽ thấp hơn ĐTB năm học lớp 12 và chính điều này đã khẳng định ĐTB lớp 12 chính là phao cứu sinh để xét tốt nghiệp cho học sinh THPT, dù trong công thức tính điểm xét tốt nghiệp, trọng số của ĐTB lớp 12 đã giảm từ 50% chỉ còn 30% từ năm 2019.

Hiện tượng ĐTB các môn thi tốt nghiệp luôn thấp hơn ĐTB lớp 12 là "chuyện bình thường" từ nhiều năm qua, ngay từ khi bắt đầu kỳ thi THPT quốc gia 2015. Theo tính toán từ dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT 2021, nếu không dùng ĐTB lớp 12, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước chỉ vào khoảng 92% nhưng thực tế năm 2021 có tỉ lệ tốt nghiệp đạt đến 98,6%, cao nhất trong 3 năm gần đây (năm 2020: 98,34%; năm 2019: 94,06%).

Gạt qua yếu tố làm bài thi tốt bất ngờ, rất tiếc những hiện tượng điểm thi cao hơn điểm học bạ có thể dẫn đến những phát hiện bất thường. Ở mức độ nhẹ có thể đưa đến hiện tượng đậu thành rớt như trường hợp 55 thí sinh của Học viện Công an Nhân dân và 67 thí sinh ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2021. Những thí sinh này nằm trong diện các thí sinh có điểm thi đạt điểm chuẩn trúng tuyển nhưng lại không đạt các "tiêu chí phụ" về học bạ hoặc các chứng chỉ mà trường yêu cầu.

Trường hợp này lỗi chủ yếu thuộc về thí sinh vì lẽ ra khi biết mình không đạt các "tiêu chí phụ" thì thí sinh phải tự thay đổi, bổ sung trong thời gian điều chỉnh các nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo quy định. (Một phần lỗi cũng thuộc trường ĐH vì trong khâu xét tuyển của trường phải cập nhật các "tiêu chí phụ" trước khi xét tuyển chung hoặc lọc ảo).

Thanh - kiểm tra nơi tập trung nhiều thí sinh điểm cao

Ở mức độ nặng hơn, chênh lệch ĐTB môn thi và ĐTB môn học còn giúp phát hiện gian lận tiêu cực trong thi cử. Những gian lận về điểm thi tại một số địa phương như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La năm 2018 được phát hiện là do các thí sinh gian lận có điểm thi cao bất thường, cao hơn rất nhiều so với ĐTB môn của các thí sinh ở cùng địa phương. Hoặc nếu tại một điểm thi nào đó tập trung nhiều thí sinh có điểm thi rất cao thì cũng cần thanh - kiểm tra khâu coi thi, chấm thi tại điểm thi đó, địa phương đó.

Chỉ khi nào không còn kỳ thi tốt nghiệp thì sẽ không còn chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ, vì khi đó chỉ còn duy nhất điểm học bạ, điểm học bạ trở nên vô đối. Ngay cả nếu khi kỳ thi chỉ dùng để xét tốt nghiệp, điểm chênh lệch này vẫn tồn tại song hành để giúp các địa phương yếu kém về tổ chức GD-ĐT giữ được thành tích tỉ lệ tốt nghiệp không quá thấp, huống chi điểm thi hiện nay còn là cơ sở để nhiều trường ĐH xét tuyển sinh. Đây cũng chính là lý do mà nhiều trường ĐH không đặt cược hết chỉ tiêu vào xét tuyển theo học bạ THPT.

Nếu đề thi ổn định và được chuẩn hóa, nếu công tác coi thi nghiêm túc, nếu chấm thi đúng theo quy định thì kết quả thi tốt nghiệp là những cơ sở quý giá nhất để đạt mục tiêu đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh việc dạy học trong nhà trường phổ thông mà Bộ GD-ĐT đang hướng đến cho các kỳ thi tốt nghiệp giai đoạn 2022 - 2025.

Đề thi cần chuẩn hóa

GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội) - cho rằng đề thi tốt nghiệp nhẹ nhàng, phù hợp với mục đích của kỳ thi tốt nghiệp, không quá khó cũng không quá dễ, học sinh trung bình phải đạt được mức điểm trung bình, như vậy kỳ thi mới đạt yêu cầu. Thi tốt nghiệp là một biện pháp để giám sát quá trình học tập của học sinh. Điểm tốt nghiệp của thí sinh hiện cũng đang được sử dụng để đối sánh với điểm học bạ, từ đó phát hiện có tiêu cực hay không trong quá trình cho điểm học bạ. Nếu đề thi được chuẩn hóa, điểm thi phản ánh đúng năng lực của học sinh thì sẽ nhìn thấy những bất cập trong việc cho điểm thường xuyên tại các trường. GS Thi cho rằng tương lai cần xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm xây dựng các bộ đề thi chuẩn hóa, giao cho các trung tâm sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH. Các trung tâm khảo thí có thể do các trường ĐH hoặc chính Hiệp hội Các trường ĐH thành lập, hoạt động độc lập. Các trường ĐH sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh, như vậy vừa gọn nhẹ vừa bảo đảm tuyển chọn được thí sinh chất lượng nhất, phù hợp nhất.

Nguồn: [Link nguồn]

Tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo phương án mới

Ngày 27/9, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022. Trong đó, yêu cầu các địa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN