Chuyên gia tuyển sinh bày cách xếp nguyện vọng: Đừng đăng ký theo ‘phong trào’
Với đề thi có tính phân loại cao, các chuyên gia tuyển sinh khuyên thí sinh nên mạnh dạn đặt các ngành top đầu lên đầu danh sách, nếu bạn có nền tảng tốt.
Theo các chuyên gia, điểm chuẩn xét tuyển vào các trường đại học năm 2025 sẽ thiết lập một mặt bằng mới và rất khó dự đoán do có nhiều yếu tố chi phối.
Bộ GD&ĐT dự kiến công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vào 8h sáng ngày 16/7. Thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng trực tuyến trên Hệ thống của Bộ GD&ĐT từ ngày 16/7 đến 17h ngày 28/7.
Đặt nguyện vọng thế nào để tăng khả năng trúng tuyển ngành mình yêu thích là nỗi băn khoăn của các thí sinh thời điểm này.
Chia các nguyện vọng thành nhóm
Thạc sĩ Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc tối ưu hóa xếp nguyện vọng xét tuyển Đại học năm 2025 là rất quan trọng vì chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể khiến bạn mất cơ hội vào ngành yêu thích, dù đủ điểm.
Thầy Công đưa ra hướng dẫn chi tiết – dễ hiểu – dễ áp dụng, phù hợp với kỳ thi 2025.
Thí sinh cần hiểu nguyên tắc căn bản của xét tuyển năm nay là không giới hạn số lượng nguyện vọng.
Xét từ trên xuống dưới: Thí sinh chỉ được trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất (nếu trúng ở nguyện vọng trên, các nguyện vọng sau sẽ không được xét nữa)
Có thể dùng điểm thi tốt nghiệp, điểm các kỳ thi riêng (HSA, ĐGNL, AP, SAT...), hoặc phương thức xét tuyển kết hợp
Không phân biệt nguyện vọng 1, 2… khi xét điểm → Các trường chỉ xét khi NV đó được đưa lên đầu.
Vì thế, thầy Công đưa ra phương pháp xếp nguyện vọng tối ưu.
Bước 1: Chia nhóm nguyện vọng hợp lý
Hãy chia các nguyện vọng thành 3 nhóm chiến lược:
Nhóm nguyện vọng mơ ước: Nguyện vọng cao (mơ ước) – có thể hơi vượt tầm 20–30%
Nhóm nguyện vọng vừa sức – phù hợp với năng lực, điểm thi 40–60%
Nhóm nguyện vọng an toàn – thấp hơn năng lực, dễ đỗ 10–20%
Nguyên tắc then chốt: Xếp theo thứ tự yêu thích – không phải khả năng đỗ. Nếu bạn thích A hơn B, dù B dễ đỗ hơn, hãy đặt A trước.
Bước 2: Tìm hiểu điểm chuẩn các năm gần nhất từ các trường hoặc các trang thống kê.
Bước 3: Chiến thuật xếp nguyện vọng thông minh
Theo thầy Công, nếu bạn trúng NV3, thì các nguyện vọng từ 4 trở đi sẽ không được xét, dù bạn đủ điểm.
Thầy Công cũng đưa ra lưu ý quan trọng với thí sinh.
Luôn đặt ngành mình thực sự yêu thích lên trên, dù điểm cao – vì nếu đỗ nguyện vọng dưới sẽ không được xét tiếp.
Không nên đăng ký quá nhiều trường top cao mà bỏ qua các nguyện vọng vừa – dễ bị trượt toàn bộ.
Nếu sử dụng các phương thức khác nhau (xét điểm thi, học bạ, kỳ thi riêng), hãy ghi rõ mã phương thức và tổ hợp.
“Mỗi năm, điểm chuẩn có thể dao động ±0.5–1 điểm nên thí sinh cần đối chiếu thêm với các chỉ tiêu và ưu tiên khu vực/đối tượng (nếu có)”- thầy Công nhấn mạnh.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia giáo dục tại Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định, năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT mới. Do đó, điểm chuẩn xét tuyển vào các trường đại học sẽ thiết lập một mặt bằng mới và rất khó dự đoán, bởi có rất nhiều yếu tố chi phối.
Với thí sinh, thầy Ngọc khuyên các em không nên quá lo lắng, bởi nguyên tắc xét tuyển hiện nay của Bộ GD&ĐT là thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng và không có sự phân biệt về thứ tự nguyện vọng. Như vậy, các em nếu có chiến thuật sắp xếp nguyện vọng hợp lý có thể an tâm về cơ hội trúng tuyển các trường đại học yêu thích.
Thí sinh có thể chia các nguyện vọng thành 3 nhóm. Nhóm nguyện vọng thứ nhất là những ngành, trường mình yêu thích, nhưng điểm đầu vào các năm trước cao hơn điểm thi của mình. Nhóm nguyện vọng thứ hai là ngành, trường mình yêu thích và có điểm chuẩn năm trước bằng điểm thi của mình. Nhóm nguyện vọng thứ ba là những ngành, trường yêu thích và có điểm trúng tuyển năm trước thấp hơn điểm thi của mình.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho hay, năm nay, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng, nhưng cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.
Hệ thống phần mềm chỉ xét trúng tuyển từ nguyện vọng 1 đến khi trúng tuyển thì dừng, không xét tiếp các nguyện vọng sau, dù điểm cao hơn.
Có thể đăng ký vào cùng một ngành nhưng theo các phương thức khác nhau, ví dụ như xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực, …
Ông Sơn cho rằng, thí sinh cần ưu tiên nguyện vọng từ 1–2 vì đây có thể coi là nguyện vọng "mơ ước". Chọn những ngành/trường bạn yêu thích nhất, nhưng điểm chuẩn dự kiến cao hơn khả năng của bạn một chút. Mục tiêu để thử sức, nếu trúng tuyển thì rất tốt.
Tiếp đến nguyện vọng thứ 3 –6- nguyện vọng "phù hợp". Những ngành/trường có điểm chuẩn gần với năng lực thực tế của bạn, khả năng đậu là khá cao. Đây là vùng an toàn, nên chọn kỹ để đảm bảo có suất vào đại học.
Ưu tiên 7 trở đi là nguyện vọng "dự phòng". Những ngành/trường có điểm chuẩn thấp hơn năng lực một chút. Đề phòng trường hợp năm nay điểm chuẩn biến động bất ngờ.
Đặc biệt, ông Sơn lưu ý, thí sinh không nên đăng ký nguyện vọng "theo phong trào" hoặc chỉ vì "trường đó nổi tiếng", nếu bạn không thực sự quan tâm đến ngành. Tìm hiểu kỹ học phí, vị trí địa lý, chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm của từng ngành học/trường trước khi đăng ký. Xem lại điểm chuẩn các năm trước (3–5 năm gần nhất) để ước lượng khả năng trúng tuyển. Tận dụng tối đa các phương thức xét tuyển sớm (nếu có thể): học bạ, chứng chỉ quốc tế, đánh giá năng lực, ... Và không nên chỉ đăng ký 1–2 nguyện vọng, vì rủi ro không đậu là rất cao.
Thầy Nguyễn Thành Công cũng đưa ra "mẹo riêng" cho kỳ tuyển sinh 2025. Với đề thi có tính phân loại cao, nên mạnh dạn đặt các ngành top đầu lên đầu danh sách, nếu bạn có nền tảng tốt.
Thí sinh cần cẩn thận khi đăng ký trên cổng tuyển sinh của Bộ vì sau khi xác nhận là không thể thay đổi. Hãy cân nhắc phương thức xét tuyển kết hợp có bài thi đánh giá năng lực (HSA/TSA) nếu trường có áp dụng – giảm áp lực thi tốt nghiệp.
15h chiều 6/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đáp án tất cả môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Nguồn: [Link nguồn]
-12/07/2025 11:47 AM (GMT+7)