Chuyên gia Mỹ: Học sinh ở vùng nghèo nhất Việt Nam vẫn giỏi hơn Mỹ

Sự kiện: Thời sự

Theo các chuyên gia, học sinh Việt Nam ở những khu vực nghèo nhất cũng có kết quả tốt hơn trung bình học sinh trung học tại Mỹ.

Chuyên gia Mỹ: Học sinh ở vùng nghèo nhất Việt Nam vẫn giỏi hơn Mỹ - 1

Học sinh Việt Nam dù học tập trong điều kiện khó khăn vẫn có kết quả khảo sát tốt hơn học sinh Mỹ. Nguồn: BI

Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OCED) mới đây đã công bố kết quả đánh giá khảo sát học sinh toàn cầu năm 2015 trong ba lĩnh vực toán, đọc hiểu và khoa học (PISA). 

Theo tờ Business Insider, một lần nữa học sinh trong độ tuổi 15 ở Hoa Kỳ có kết quả khảo sát kém hơn so với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác, khi đứng thứ 38 ở toán học, 24 ở khoa học và 22 ở phần đọc hiểu.

Andreas Schleicher, giám đốc giáo dục và kỹ năng của OECD cho biết: “Kết quả này còn đặc biệt đáng báo động nếu nhìn vào kết quả của học sinh Mỹ khi so với các quốc gia có kinh tế kém phát triển hơn”.

“Có thể lấy ví dụ như 10% trẻ em ở những vùng có điều kiện sống thiếu thốn nhất tại Việt Nam, sinh ra trong các gia đình cực kỳ nghèo, lại có kết quả khảo sát tốt hơn mức trung bình của những học sinh tại Mỹ”, ông Schleicher tỏ ra rất thất vọng trong bài trả lời phỏng vấn của mình trên kênh truyền hình CNN hôm 12/12.

Việt Nam giành thứ hạng cao hơn Mỹ ở cả toán và khoa học. Thu nhập bình quân của một công dân Việt Nam là 5.070 USD/ năm, so với 53.470 USD/ năm của một người Mỹ.

Kết quả khảo sát này cũng chính là điều Tổng thống đắc cử Donald Trump thường xuyên đề cập đến trong suốt chiến dịch tranh cử của mình. Ông Trump nói trong một video phát trên mạng xã hội Facebook hồi đầu năm rằng: “Chúng ta đứng thứ 28 trên thế giới. Hãy nghĩ thử xem, Hoa Kỳ đứng thứ 28, như vậy có nghĩa là 1/3 thế giới vẫn đứng trước chúng ta”.

Ông Schleicher giải thích rằng vấn đề không phải hoàn toàn là do nguồn tiền sẵn có cho chi phí giáo dục mà quan trọng hơn là đầu tư như thế nào để sinh lợi. 

“Điều cần chú ý nhiều đó là làm thế nào để đầu tư vào những nguồn lực này. Khi các quốc gia nghèo hơn buộc phải đưa ra sự lựa chọn giữa một giáo viên tốt hơn và một lớp học nhỏ hơn thì họ sẽ đầu tư vào năng lực tiếp thu, đầu tư vào nội dung của giáo trình dạy học”, ông Schleicher phân tích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuệ Minh (Infonet)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN