Cha mẹ làm gì khi con bị hành hung ở trường?

Từ một số vụ bạo lực học đường vừa qua cho thấy bản thân các em học sinh còn quá thụ động, chưa có kỹ năng xử lý khi bị các “đại ca” chốn học đường đe dọa.

Dư luận vẫn chưa hết xôn xao về clip nhóm bốn nữ sinh đánh hội đồng một bạn gái tại Trường THCS Trần Phú (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Trong clip, bốn học sinh (HS) nữ đã thay phiên nhau đánh một nữ sinh khác tới tấp và liên tục chửi thề vì nạn nhân đã dám… chat với bạn trai của một nữ sinh trong nhóm. Dù nạn nhân đã ngã quỵ xuống đất nhưng nhóm này vẫn dùng chân giẫm, đạp lên người nhiều lần.

Chấp nhận bị bạn hành hung?

Điều đáng nói là nạn nhân bị đánh chỉ biết im  lặng chịu trận. Trong khi không gian diễn ra vụ đánh hội đồng là trước cửa lớp nên em có thể chạy thoát dễ dàng để cầu cứu.

Trước đó, clip một nhóm HS dùng ghế đánh một bạn gái trong lớp tại một trường THCS ở tỉnh Trà Vinh cũng khiến bao người sợ hãi vì những cú ra đòn tàn bạo.

Điểm chung của rất nhiều vụ nữ sinh bị đánh hội đồng là các nạn nhân hoàn toàn mất khả năng chống cự. Tại sao vậy?

ThS Nguyễn Thành Nhân (cố vấn cao cấp về kỹ năng thực hành xã hội của Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ Thái Bình Dương) cho biết hàng loạt vụ bạo lực tương tự trước đây đã xảy ra tại nhiều địa phương như Hậu Giang, Hà Nội, Hải Phòng,… với những lý do lãng xẹt như thế thì cách chống cự lại của các em HS đều rất yếu ớt. Đó chưa kể tình trạng này cũng đang diễn ra âm ỉ trong môi trường học đường, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu để lại những hậu quả khôn lường về thể xác cũng như tâm lý các em mà dư luận chưa biết đến.

Theo TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên tâm lý của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, các em HS khi bị chèn ép, bắt nạt thì thường nghĩ cả xã hội này ai cũng sợ băng nhóm đó nên hay cam chịu. Các em đã quên rằng còn có cha mẹ, thầy cô và quy định của nhà trường nên các em không dám phản ứng để các em được bảo vệ hoặc các em chưa được giáo dục như thế.

Cha mẹ làm gì khi con bị hành hung ở trường? - 1

Các nạn nhân là HS trong những vụ đánh hội đồng thường chỉ biết đứng im chịu trận (ảnh cắt từ clip). Ảnh: HTD

Phải chống trả hoặc bỏ chạy

Để đối phó với những tình huống này, theo ông Nhân, khi trẻ bị chèn ép, hành hung, một là trẻ phải chống lại một cách mạnh mẽ, hai là bỏ chạy thật nhanh và kêu gọi người khác giúp đỡ như cha mẹ, thầy cô…

Tuy nhiên, chọn giải pháp nào thì đứa trẻ phải tự xác định khả năng của mình, phải quan sát xem có chống lại được không. Như thế trẻ sẽ không bao giờ bị bắt nạt nữa. Nếu chịu đựng thì lần sau và mãi mãi trẻ tiếp tục bị như thế. Có hai kiểu tính cách đáng lo ngại, một là việc gì cũng nhờ đến cha mẹ, hai là cái gì trẻ cũng tự giải quyết, tất cả đều không tốt.

Bản thân cha mẹ phải để ý những thay đổi của con, biểu hiện, cảm xúc của con khi ở nhà và ở trường, biết được mối quan hệ bạn bè của con, thái độ của con khi gặp bạn bè hoặc qua những người trung gian trong lớp… Tuy nhiên, cha mẹ phải cố gắng không can thiệp quá mức những vấn đề học tập và sinh hoạt của con...

“Cha mẹ không ứng xử thái quá trước mặt con như chửi bới hoặc đánh người bạn bắt nạt con mình, vì như vậy con sẽ càng sợ hãi hơn. Cha mẹ nên khéo léo nói chuyện, hướng dẫn con cách giải quyết như “con báo với giáo viên hoặc thẳng thắn nói với bạn, mẹ sẽ ở sau ủng hộ con”… như thế sẽ động viên con và con cảm thấy tin tưởng cha mẹ và bản thân hơn. Nếu cần thiết thì phải chuyển môi trường mới cho trẻ nhưng nếu vẫn tái diễn thì phải giải quyết ở chính đứa con của mình để tìm ra nguyên nhân và hướng rèn luyện cho trẻ” - ông Nhân chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Nhân cũng lưu ý lối thoát tốt nhất để tránh những trường hợp này là chính các em phải mạnh mẽ kể cho ai đó nghe. Để làm được điều đó, nền tảng tình cảm tốt trong gia đình là quan trọng nhất vì những đứa trẻ có vấn đề luôn xuất phát từ một gia đình có vấn đề. Vì vậy cha mẹ phải biết cách quan tâm và dạy con để hình thành cho trẻ những lối sống tốt và giải quyết được vấn đề khi cần thiết.

Cha mẹ làm gì khi con bị hành hung ở trường? - 2

Tôi từng tiếp xúc với một phụ huynh ở Vĩnh Long có con trai đang học lớp 6 khá ốm yếu. Khi đi học thì em bị một băng nhóm ở trong trường bắt vô nhà vệ sinh chụp ảnh khỏa thân. Mỗi ngày chúng yêu cầu em này nộp 20.000 đồng, nếu không sẽ tung ảnh lên mạng và dán ảnh khắp mọi nơi. Vì thế em hay xin tiền cha mẹ, khi thì đóng tiền quỹ lớp, khi thì đi dã ngoại, mua đồ này đồ kia… Sau một học kỳ, em này có biểu hiện tâm thần nhẹ, lúc nào cũng sợ hãi, hoảng loạn, hay gặp ác mộng, mất khả năng tập trung trong học tập. Lúc đó gia đình mới biết nên đưa em đi trị liệu. Một thời gian dài trị liệu xong, quay lại trường thì em mất hết niềm tin vào bạn bè, thậm chí cả người thân, em sống rụt rè và dè chừng hơn.

Để hạn chế tình trạng này, trong trường, từng lớp phải cử HS giám sát, theo dõi nếu thấy bạn nào đầu gấu hoặc hay bắt nạt các bạn khác thì phải báo ngay với giáo viên chủ nhiệm để ứng phó ngay. Cha mẹ phải dạy các em rằng đầu gấu trong trường thì cũng chỉ là một HS thôi và không thể mạnh hơn cả xã hội. Nếu con bị bắt nạt một lần thì chắc chắn sẽ còn các lần sau, vì thế con phải đi cùng với các bạn khác, đi nơi đông người hoặc nhờ người lớn như cha mẹ, thầy cô... can thiệp để có biện pháp răn đe cảnh cáo.

TS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU

Bạo lực học đường không chỉ có bạo lực thân thể mà còn bạo lực ngôn từ, cái này còn ghê gớm và để lại hậu quả nguy hiểm hơn. Ví dụ như bạn bè dọa tung ảnh xấu nào đó của trẻ lên Facebook hoặc là hù gặp nhau ở nhà vệ sinh thì sẽ biết tay… Như thế đứa trẻ sẽ luôn sống trong lo sợ, trẻ rất dễ bị suy sụp, dẫn đến phản kháng.

Nếu không giải quyết được vấn nạn, từ bạo lực bằng hành động sẽ kéo theo bạo lực về tinh thần, nhiều đứa trẻ có thể bị trầm cảm, không dám đi học. Rồi dễ khiến trẻ đi học đối phó, luôn trong trạng thái đề phòng như phải cầm dao theo trong cặp sách và như thế khi gặp vấn đề rất dễ dẫn đến giết người. Khi trẻ không tìm được cách thoát ra khỏi vấn đề gì đó thì nó sẽ tự tìm đến cách giải quyết tiêu cực nhất.

ThS NGUYỄN THÀNH NHÂN

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN