Cái tát và nỗi đau người thầy

Đánh, chửi học sinh là điều đáng lên án, song với nhiều giáo viên, áp lực từ những lớp học nhốn nháo, học sinh hỗn hào… cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến hành vi lệch chuẩn trên bục giảng.

Ai thương nhà giáo?

Những ngày gần đây, sự việc thầy giáo Trần Anh Tuấn (Trường THPT Nguyễn Huệ, Bình Định) đánh học sinh ngay trên bục giảng khiến dư luận không khỏi sốc. Vụ việc đã qua và các cơ quan chức năng đã có quyết định chính thức về vụ việc, nhưng điều đọng lại sau cái tát học sinh của thầy Trần Anh Tuấn khiến nhiều người đau điếng vì đã làm mất hình ảnh đẹp của người thầy.

Đằng sau cái tát ấy là sự bất lực, dồn nén của giáo viên trước cảnh trò không học, hỗn hào… vẫn “âm thầm” diễn ra hàng ngày ở một số trường học.

Cái tát và nỗi đau người thầy - 1

Giáo viên đánh học sinh cần bị lên án, nhưng đằng sau đó là những trăn trở, kìm nén của giáo viên trước thái độ của học trò (ảnh cắt từ clip vụ hỗn chiến giữa thầy và trò tại Trường THPT Nguyễn Huệ, Bình Định)

Đã 15 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Hoàng Công Cường, giáo viên Trung tâm GDTX quận Ba Đình (Hà Nội) đã không biết bao lần chứng kiến cảnh quậy phá, hỗn hào của học sinh.

Thầy Cường chia sẻ: “Trong quá trình dạy học, đôi khi giáo viên chúng tôi cảm thấy rất mệt mỏi, căng thẳng bởi học sinh hiện nay rất được phụ huynh chiều chuộng, mải chơi, không chịu học... Ngoài ra, còn nhiều em là học sinh hư nữa. Người thầy luôn áp lực trước mỗi lần đứng lớp, đánh học sinh là sai, nhưng hành động bất lực của thầy Tuấn cho thấy thầy còn trăn trở với dạy học”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng (email: phuongnguyenthitulinh@...) chia sẻ: “Cũng là giáo viên nên tôi rất thông cảm với thầy Tuấn, dù rằng hành dộng của thầy Tuấn là sai. Hãy tưởng tượng trong lớp học, học sinh không chịu học mà lúc nào cũng điện thoại kè kè, tán tỉnh cười cợt trêu ngươi thầy giáo. Phụ huynh có con không dạy được, còn “thất điên bát đảo” (với con) nữa là giáo viên phải chịu trách nhiệm tới mấy chục học sinh”.

“Tôi là giáo viên nên tôi biết sẽ chẳng có trường nào nhận thầy Tuấn nữa sau vết thương này. Vết thương lớn nhất của một người thầy là thà không làm thầy, chứ làm thầy mà bị học sinh và phụ huynh khinh thường thì không bao giờ dạy nổi. Làm thầy, nhìn thấy học sinh mình không học bài mà không nhắc thì lại thấy buồn, nhắc rồi nổi nóng... Còn không nhắc thì người thầy lại cảm thấy có lỗi. Làm thầy mà vô cảm thì sẽ chẳng bao giờ đánh học trò”, thầy giáo Nguyễn Tấn Tài (email: nguyentantai4823@...) chia sẻ.

Cương - nhu với học trò

Thầy giáo Hoàng Công Cường cho biết: “Trong quá trình dạy học, tôi đã trải qua rất nhiều tình huống ức chế từ chính học sinh của mình.

Tuy nhiên trước những tình huống này, giáo viên không được nổi nóng, đánh học sinh. Phải giữ thái độ bình tĩnh, nhưng cũng thể hiện cái uy của người thầy để học sinh kính nể. Với từng trường hợp cụ thể, phải đưa ra các cách xử lý khác nhau. Nhưng xét cho cùng, người thầy phải làm sao để học sinh nhận thức được hành vi của mình để sửa chữa ”.

Là lãnh đạo của ngôi trường “đặc biệt” khi có đến 60% học sinh sức học yếu kém, 20% học sinh bị các trường khác xếp loại yếu kém đạo đức khi “đầu quân” vào trường, nên theo thầy Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), yếu tố quan trọng nhất vẫn thuộc về người thầy.

Thầy Lâm cho biết: “Giáo viên cần học tính kiên nhẫn, quan tâm hơn đến học sinh. Cần giáo dục hướng nghiệp, giáo dục pháp luật và giáo dục kỉ luật tích cực cho học sinh. Nếu người thầy chỉ có tình yêu thương và niềm say mê thôi chưa đủ. Mỗi người thầy cần phải là một “nghệ sĩ” tài năng và sáng tạo. Giáo dục không chỉ là khuôn sáo, mà phải cần tính mềm dẻo, linh hoạt”.

Hành động giáo dục “thương cho roi cho vọt” đã không còn phù hợp trong một xã hội văn minh, hiện đại. Nhưng điều mà ít ai nhận thấy, đằng sau đó là cả nỗi đau, sự trăn trở ẩn sâu trong tâm hồn của người thầy giáo.

Ngày 25/2, Sở GD&ĐT Bình Định cho biết, Sở đã có quyết định sa thải giáo viên Trần Anh Tuấn sau vụ thầy trò hỗn chiến tại Trường THPT Nguyễn Huệ.

Trước đó, thầy Trần Anh Tuấn đã kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật sa thải. Đối với 2 học sinh Nguyễn Phúc Nghĩa (người đầu tiên bị thầy giáo tát) nhận hình thức kỷ luật khiển trách, Nguyễn Thanh Long (người bị đánh sau và đánh trả lại thầy giáo) nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Huy (Gia đình xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN