Làm thầy ngày nay không dễ
Sau bài “Thầy không giữ lễ, khó dạy trò phải tôn sư” (Pháp Luật TP.HCM ngày 21/2), thêm một lần nữa, TS Thạch Ngọc Yến nhấn mạnh vai trò quan trọng của người thầy trong việc giữ gìn đạo thầy trò.
Ngày xưa, học trò phải nghe thầy, không được cãi dù thầy đúng hay sai. Khi trò làm trái ý, sai lời dạy của thầy thì thầy sẽ dùng hình phạt bằng đánh roi mây hoặc bắt quỳ trên xơ mít. Lúc đó, có đau đớn thì trò cũng phải chịu, không được tranh cãi vì thầy là trên hết. Như câu “Quân, sư, phụ”, có nghĩa trên là vua, kế tới là thầy, rồi mới đến vị trí của cha.
Tuy nhiên, ngày nay, những giá trị đó không còn phù hợp trong hoạt động nhà trường nữa. Không ai được bạo lực, hành hạ, sỉ nhục người khác dù là nhằm mục đích giáo dục, dạy cho học sinh.
Người nhận và truyền đạt kiến thức
Ai cũng cần đến trường để học vì nhà trường là nơi chuyển tải cho con người mọi kiến thức khoa học tự nhiên, xã hội, lịch sử, tiếp cận xã hội ngắn nhất. Hiện nay, có nhiều quan niệm cho rằng: Thầy là người cung cấp kiến thức cho người học (học sinh). Hay nói rõ hơn, thầy là người mà Nhà nước sẽ trả chi phí để nhận kiến thức nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết của cá nhân, xã hội. Do vậy, người học tiếp nhận kiến thức mới này tùy theo khả năng và nhu cầu. Ngoài ra, việc tiếp nhận của người học còn bị chi phối bởi yếu tố sinh lý, tâm lý theo hoàn cảnh cụ thể của từng cá nhân.
Thầy cô cần gần gũi, hiểu hoàn cảnh của từng học sinh để các em sống tốt trong nhà trường và ngoài xã hội. Ảnh minh họa: HTD
Nhà tâm lý Rudolf Dreikurs (1971) đã chỉ ra bốn mục tiêu của học sinh khi có hành vi chống đối tạo ra sự sai trái như: Muốn nhận được sự chú ý/ Muốn phản ứng để trả thù/ Cần có quyền lực/ Cần biểu hiện sự xứng đáng, có giá trị. Thầy cô cần hiểu mục tiêu của một số học sinh có thể đặt ra, do nhu cầu mong muốn thể hiện, được chú ý, cần có quyền gì đó… Do vậy, để giúp đỡ các học sinh này hiệu quả trong học tập, điều chỉnh cảm xúc một cách phù hợp thì thầy cô cần tìm hiểu, gần gũi và đặc biệt là không chấp những lỗi lầm của học sinh, dù có hơi quá đáng… Từ đó, thầy cô và học sinh cần có chuyên gia xã hội, tâm lý để hỗ trợ, giúp giảm áp lực cho người dạy và cả người học.
Thầy cần thông hiểu học sinh
Các học sinh nằm trong nhóm thanh thiếu niên đang trong độ tuổi dậy thì tức là đang rơi vào tình huống với nhiều khó khăn về tâm lý, sinh lý và hoàn cảnh sống. Khi giao tiếp với các em này, thầy cô càng cần phải cố gắng thông hiểu, thận trọng khi cần muốn thay đổi một hành vi không tốt từ các em. Tình huống thầy cô đánh học sinh hiện là điều cần tránh. Nếu vì quá bức xúc, thầy cô có thể đi ra ngoài, rời khỏi lớp học ngay. Không để tình huống căng thẳng dâng cao sẽ gây nên cảnh: “Ai cũng muốn thắng”.
Nhiều năm trước, khi giáo viên chỉ nói câu xúc phạm, có em đã quyết định tự tử. Hoặc có em khi cha mẹ chê trách, so sánh vì em học thua anh chị, thế là em đã quyết định viết thư cho tư vấn để chết cho xong: “Vì em quá tệ!”. Điều đó cho thấy việc giáo dục học sinh trong nhà trường hiện nay có nhiều khó khăn. Xã hội lại đòi hỏi ở người thầy rất cao, họ phải giảng dạy, giao tiếp với học sinh khi mà phần lớn cha mẹ có ít thời gian chăm sóc, dạy, yêu thương.
Thầy cô thời nay cần điềm tĩnh, thông hiểu cá nhân, hoàn cảnh của từng học sinh. Khi học sinh có biểu hiện không ngoan, thay vì nói nặng lời, phê phán, đánh giá, phạt học sinh thì có thể nhẹ nhàng, thuyết phục. Đặc biệt là thầy cô không được đánh học sinh. Chính hành vi nóng giận không kiểm soát sẽ gây nên áp lực nặng nề hơn. Người lớn, trong đó có cha mẹ và thầy cô… nếu không thể kiểm soát được lời nói, thái độ, hành vi thì khó có thể làm gương cho người nhỏ được.
Học sinh ngày nay không chỉ học ở giảng đường mà còn có điều kiện trao đổi học hỏi, tham khảo nhiều kênh thông tin khác nhau cả tốt lẫn xấu. Do đó, học sinh thường muốn khẳng định cái tôi, tỏ ra biết tự lo, tự quyết định vươn lên, tự thích nghi… và dám hành động, ngay cả bạo động. |
TS Thạch Ngọc Yến,
Chuyên viên tư vấn tâm lý giáo dục, gia đình và thanh thiếu niên