Bao nhiêu điểm mới trúng tuyển vào ngành Công nghệ thông tin?
Công nghệ Thông tin đang là ngành "hot" với nhu cầu nguồn lao động lớn. Mấy năm gần đây, ngành Công nghệ thông tin điểm chuẩn luôn ở mức khá cao.
- Bạn Nguyễn Văn Dũng hỏi: Ngành Công nghệ Thông tin là gì? Cơ hội việc làm của ngành công nghệ thông tin có nhiều không?
- Trả lời: Ngành Công nghệ thông tin (IT) là ngành sử dụng hệ thống thiết bị và máy tính trên nền các thuật toán,...để cung cấp giải pháp xử lý thông tin trên nền công nghệ cho các cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
Có thể được chia ra các lĩnh vực: Khoa học- kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin, Mạng máy tính, Phần mềm, Hệ thống nhúng.
Học Công nghệ thông tin, bạn có thể làm việc trong các công ty chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin, hoặc trong bất cứ doanh nghiệp, công ty nào. Thậm chí, bạn có thể là một chuyên gia IT tự do – dạng công việc đang được nhiều bạn trẻ ưa chuộng hiện nay.
Nhìn chung, tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin bạn có thể tìm việc tại: Các công ty phần mềm: Hiện nay, phát triển phần mềm là lĩnh vực Công nghệ thông tin mạnh nhất ở Việt Nam và thu hút lực lượng nhân lực tham gia đông đảo nhất.
Các công ty sản xuất, lắp ráp, sửa chữa trang thiết bị phần cứng: Những người làm trong lĩnh vực này có khả năng chế tạo, sửa chữa hay lắp ráp, lắp đặt các thiết bị, linh kiện của máy tính như ổ cứng, bo mạch, bộ vi xử lý. Các công ty sản xuất, lắp ráp và sửa chữa thiết bị phần cứng đang ngày càng nhiều.
Các công ty cung cấp giải pháp về mạng và an ninh mạng: Với sự phát triển “thần tốc” của Internet tại Việt Nam và cả những vấn đề về an ninh mạng như virus, hacker…, lĩnh vực này đang mở ra những cơ hội lớn cho sự nghiệp của bạn. Người làm công tác quản trị hệ thống và an ninh mạng có nhiệm vụ bảo đảm cho hệ thống vận hành suôn sẻ, giải quyết trục trặc khi hệ thống gặp sự cố, đảm bảo an toàn và bảo mật cho dữ liệu.
Bạn Nguyễn Hoàng Mạnh hỏi: Học ngành công nghệ thông tin ra trường làm gì?
- Trả lời: Cơ hội việc làm của Công nghệ thông tin cho bạn rất nhiều lựa chọn hấp dẫn như lập trình viên: người trực tiếp tạo ra các sản phẩm công nghệ như phần mềm, hệ thống thông tin.
Kiểm duyệt chất lượng phần mềm: trực tiếp kiểm tra chất lượng các sản phẩm công nghệ do lập trình viên tạo ra;
Chuyên viên phân tích thiết kế hệ thống, quản lý dữ liệu, quản trị mạng, kỹ thuật phần cứng máy tính; Chuyên gia quản lý, kinh doanh, điều phối các dự án công nghệ thông tin; Giảng dạy và nghiên cứu về công nghệ thông tin tại các cơ sở đào tạo.
- Bạn Nguyễn Thị Định hỏi: Các trường nào đào tạo ngành Công nghệ thông tin và điểm chuẩn ra sao?
- Trả lời: Để theo đuổi ngành Công nghệ thông tin, bạn có thể chọn học ngành này ở các trường điển hình như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH bách khoa Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên, Đại học Bách Khoa TP.HCM, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM - UEF,...
Điểm chuẩn các năm dao động không nhiều. Với các trường top trên, điểm chuẩn ngành này thường trên 22 điểm, nhưng các trường top dưới chỉ khoảng 15 điểm.
Dưới đây là điểm chuẩn năm 2016 để thí sinh tham khảo:
ĐH Bách khoa HN: có mức điểm trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin là 8,32
ĐH Bách Khoa Đà Nẵng: có mức điểm trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin 23,75
ĐH Thái Nguyên: có mức điểm trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin là 15
Đại học Bách khoa – ĐHQG TP.HCM: có mức điểm trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin từ 23 – 26 điểm cho tất cả các tổ hợp môn.
Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM: mức điểm chuẩn trúng tuyển dao động từ 22 -24 điểm đối với các tổ hợp môn xét tuyển.
Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH): điểm trúng tuyển ngành này với mức điểm từ 15 điểm, áp dụng cho tất cả các tổ hợp môn.
Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF): điểm trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin 15 điểm đối với tất cả các tổ hợp môn xét tuyển.
Đại học Công nghệ thông tin TP.HCM: lấy từ 21 – 23 điểm cho toàn bộ các tổ hợp môn xét tuyển.