5 mẹo đơn giản để trẻ luôn nghe lời
Chúng ta thường nghe các bậc cha mẹ “ca thán” rằng con họ thường luôn bỏ ngoài tai lời dặn của mình, theo các nhà tâm lý học để tiếp cận trẻ cần có một số phương pháp thích hợp. Dưới đây là 5 mẹo giúp trẻ thực sự lắng nghe những gì bạn đang nói.
1. Nói với con bạn đúng những gì bạn mong muốn chúng làm
Tránh khiến trẻ bị lẫn lộn bằng cách nói những yêu cầu đơn giản và cụ thể. Thay vì liệt kê 3 hoặc 4 điều cần làm, hãy đưa ra một yêu cầu ngắn. Khi con đã làm tốt việc đó, bạn có thể chuyển đến mục tiếp theo trong danh sách việc cần làm.
Khi bạn hoặc con đã mệt mỏi, căng thẳng nên dừng lại và làm tiếp vào ngày hôm sau. Hãy nhớ: Nếu muốn bé làm đúng yêu cầu, đừng đưa ra câu hỏi vì chúng sẽ bị nhầm lẫn và không làm điều bạn muốn. Ví dụ: Khi muốn con đi tắm, chỉ cần nói rõ ràng "Đã đến lúc đi tắm" thay vì "Con có muốn tắm không?" Hoặc “Đã đến lúc cất đồ chơi và đi ngủ” thay vì “ Con đã muốn cất đồ chơi và đi ngủ chưa?”
2. Giao tiếp bằng mắt
Khi nói với con, hãy nhìn thẳng vào mắt trẻ. Nếu bạn nói với bé mà mắt không nhìn vào chúng, trẻ sẽ coi như không phải bạn đang nói với chúng, hoặc cũng sẽ từ tai nọ lăn sang tai kia và quên luôn bạn đang nói gì. Nếu bạn không nhìn thấy con (nói qua điện thoại), có thể dùng dùng âm lượng để tác động trực tiếp đến trẻ. Không phải là to tiếng, mà là nói rõ ràng, ngắn gọn và nhấn mạnh yêu cầu của bạn.
3. Nói nhỏ nhẹ
Khi bố mẹ cao giọng, lũ trẻ sẽ "đóng tai" lại. Còn khi nói nhẹ nhàng, tai của chúng sẽ "mở ra" (ngay cả khi không muốn nghe). Theo khoa học, nếu trong một môi trường có âm thanh ồn ào, mọi người (bao gồm cả trẻ em) sẽ tự động không tập trung nghe để bảo vệ tai của họ. Phản ứng này thậm chí còn mạnh hơn nếu như tiếng ồn lớn được coi là khó chịu (chẳng hạn như cha mẹ quát tháo, la hét, mắng mỏ…). Nhưng khi một thông điệp được trình bày một cách nhẹ nhàng, mọi người (kể cả trẻ em) sẽ tập trung để lắng nghe. Không chỉ vậy, đôi mắt của bé cũng mở rộng và chúng bắt đầu dành nhiều nỗ lực và năng lượng để nghe những gì đang được nói.
4. Sử dụng ngôn từ lịch sự
Hãy nhớ rằng, luôn sử dụng những lời nói nhẹ nhàng, lịch sự khi yêu cầu, hoặc nhờ bé một việc gì đó. Ví dụ như "Con vui lòng giúp mẹ quét nhà nhé” hoặc “Cảm ơn con đã nói khẽ khi em bé đang ngủ”… Lời nói có thiện chí sẽ giúp trẻ hân hoan với nhiệm vụ hoặc yêu cầu được giao. Thêm vào đó, bạn đang xây dựng cách cư xử tốt mà bạn muốn con mình sử dụng.
5. Sự tin tưởng
Hãy cho con biết rằng bạn tin bé sẽ luôn nghe lời bạn. Trẻ biết mọi thứ sẽ tốt hơn khi cha mẹ vui vẻ (trái ngược với thất vọng). Các phụ huynh có thể biến thực tế cuộc sống thành một công cụ nuôi dạy con đơn giản chỉ bằng cách nói rằng bạn tin tưởng con sẽ làm những gì bạn yêu cầu.
Điều này tạo ra động lực lớn bởi vì nó không còn chỉ là "đi đổ rác", "làm bài tập ở nhà", "đánh răng", hoặc "dọn phòng" ...mà đó chính là bố, mẹ tin tưởng con làm tốt những vấn đề đó. Nếu bố mẹ nói "Nhớ làm bài tập về nhà đấy", thì nếu con không làm, họ đơn giản chỉ là không thực hiện một công việc bình thường nào đó. Nhưng nếu bố mẹ nói “Nhớ làm bài tập về nhà, bố mẹ tin rằng con không quên và sẽ làm tốt bài tập”, thì khi trẻ không hoàn thành tức là đã phá vỡ lòng tin của bố mẹ.
Vài lần như vậy, con sẽ biết phải đầu tư nhiều hơn để duy trì sự tin tưởng của bố mẹ. Vì vậy, hãy truyền đạt rằng bạn tin tưởng con để bé biết lựa chọn một cách khôn ngoan và biết làm gì để tiếp tục được tin tưởng.
Để tạo không khí hạnh phúc trong gia đình, điều quan trọng cần tạo nên môi trường để mọi người giao tiếp lẫn nhau...