3 trường ở Mỹ bị cáo buộc bán 7.600 tấm bằng giả cho sinh viên, thu hơn 2.600 tỷ đồng

Sự kiện: Giáo dục

Hơn 7.600 tấm bằng giả của 3 trường tại Mỹ đã được bán cho "sinh viên" để được tham gia dự thi và làm công việc điều dưỡng, trong vụ việc được gọi là “một âm mưu gây hậu quả nghiêm trọng”. Các nhà chức trách cảnh báo về khả năng có hàng ngàn nhân viên y tế đang làm việc với bằng cấp giả. Sự việc đã diễn ra thế nào?

Công chúng ở Mỹ đang rất sốc về vụ việc được đăng tải trên khắp các mặt báo: Từ năm 2016 đến 2021, trường ĐH Siena, Trường Điều dưỡng Palm Beach và Học viện Quốc tế Sacred Heart ở Florida bị cho là đã bán hơn 7.600 bằng cấp giả. Những tấm bằng giả này cho phép "sinh viên" tham dự các kỳ thi tuyển điều dưỡng và vào làm việc tại các bệnh viện, các trung tâm y tế trên khắp nước Mỹ cũng như ở các nước khác có chấp nhận/ đánh giá cao bằng cấp của Mỹ.

Các “sinh viên” trong vụ việc đã được đưa cho các giấy tờ giả, trong đó ghi rằng họ đã tham gia học ở một trường đào tạo điều dưỡng có giấy phép, và đã hoàn thành các khóa học. Tất nhiên, thực tế là không hề có chuyện như vậy.

Hàng ngàn "sinh viên" đã trả tiền để mua bằng giả. Ảnh: WPBF.

Hàng ngàn "sinh viên" đã trả tiền để mua bằng giả. Ảnh: WPBF.

Theo điều tra của liên bang thì mỗi “sinh viên” đã nộp khoảng 15.000 đôla (hơn 352 triệu đồng) để có được giấy tờ, bằng cấp giả đó. Vậy tổng cộng là 3 trường đã thu về hơn 114 triệu đôla (hơn 2.600 tỷ đồng) từ việc bán bằng giả.

Tạm thời, các trường có liên quan bị hủy giấy phép và khoảng 25 người đã bị bắt vì tội lừa đảo. Nếu bị xác nhận là có tội, mỗi người có thể sẽ bị phạt tù lên đến 20 năm. Trong số bị bắt, có những người làm công tác tuyển sinh và các nhà quản lý ở 3 trường nói trên.

Những "sinh viên" có bằng giả thực ra không tham gia học nhưng rồi đi làm điều dưỡng ở các bệnh viện và cơ sở y tế. Ảnh: WPBF.

Những "sinh viên" có bằng giả thực ra không tham gia học nhưng rồi đi làm điều dưỡng ở các bệnh viện và cơ sở y tế. Ảnh: WPBF.

Một luật sư ở Mỹ chỉ trích rằng việc làm của 3 trường nói trên đã “làm xói mòn niềm tin của công chúng” vào hệ thống y tế và giáo dục của Mỹ, ảnh hưởng đến danh tiếng của những y tá, điều dưỡng có bằng cấp thật.

Còn đặc vụ Chad Yarbrough của FBI Miami thì nói thêm: “Điều nguy hiểm nhất là hơn 7.600 người với bằng cấp giả đang làm công việc quan trọng là điều trị cho bệnh nhân ở khắp nơi”.

Nguồn: [Link nguồn]

Tức giận vì bị mẹ bắt học, cậu bé 11 tuổi gọi điện báo cảnh sát

Đây cũng là bài học cho các bậc phụ huynh nên chú trọng tới lời nói của mình trong cơn tức giận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thục Hân ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN