16 phong tục tập quán ngày Tết cổ truyền không thể thiếu của người Việt Nam

Sự kiện: Tết Giáp Thìn 2024

Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam với đa dạng các phong tục tập quán. Phong tục tập quán Việt Nam là một nét đẹp văn hóa, cần được bảo tồn và phát huy.

Phong tục tập quán là gì?

Trong cuốn Văn hóa du lịch của Giáo sư Nguyễn Phạm Hùng có viết: "Phong tục tập quán là những thói quen văn hóa có tính dân tộc và tính lịch sử được hình thành trong đời sống của con người, trở thành những chuẩn mực văn hóa được mọi người thừa nhận và tuân theo.

Những chuẩn mực văn hóa đó có thể là những quy phạm xã hội mang tính bắt buộc, hay cũng có thể là những quy ước văn hóa mang tính tự nguyện đối với các thành viên trong một cộng đồng xã hội. Đó là những ứng xử văn hóa của con người đối với tự nhiên, đối với xã hội và đối với chính bản thân mình đã trở thành quen thuộc có tính chuẩn mực được lưu truyền lâu dài trong một cộng đồng xã hội".

Phong tục là những thói quen, nền nếp đã xuất hiện từ lâu đời trong mọi hoạt động sinh hoạt, đời sống thường nhật của người dân, lặp đi lặp lại để rồi trở thành một thói quen tốt được lan truyền rộng rãi, phổ biến sâu rộng từ thời xa xưa cho đến nay.

Phong tục không mang tính cố định, bắt buộc như nghi thức, nghi lễ nhưng cũng không tùy tiện như hoạt động sống thường ngày. Nó trở thành một tập quán xã hội tương đối bền vững và tương đối thống nhất.

Phong tục có thể ở một dân tộc, địa phương, tầng lớp xã hội hay thậm chí một dòng họ, gia tộc. Phong tục là một bộ phận của văn hóa và có thể chia thành nhiều loại.

Tập quán là những tập tục sinh ra từ những phương thức ứng xử giữa con người với con người, được ấn định và tạo dấu ấn. Nó được coi như một điểm nhấn và lâu dần cũng trở thành một nề nếp, một lối sống của cá nhân trong cộng đồng dân cư. Khác với phong tục thì tập quán lại có sự bất biến và bền vững hơn nhiều, rất khó để thay đổi.

Phong tục khi đã được coi là một chuẩn mực ổn định trong cách ứng xử, sinh hoạt thì nó lại trở thành một tập quán xã hội mang tính bền vững. Vì vậy có thể hiểu phong tục tập quán khó mà tách rời nhau. Chúng đều là toàn bộ thói quen về đời sống của con người và được hình thành từ rất lâu đời, được sự công nhận và hưởng ứng của một cộng đồng.

Gói bánh chưng ngày Tết là phong tục không thể thiếu của người dân Việt Nam. Ảnh minh họa: TL

Gói bánh chưng ngày Tết là phong tục không thể thiếu của người dân Việt Nam. Ảnh minh họa: TL

Phong tục tập quán có ý nghĩa gì?

Phong tục tập quán Việt Nam vô cùng đa dạng và phong phú với hơn 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Việt Nam phát triển dựa trên nền công nghiệp lúa nước. Đây là nguyên nhân ảnh hưởng đến đời sống của người Việt. Đa phần là gắn bó với quê hương, xóm giềng nên những phong tục tập quán từ xưa đến nay của người Việt vẫn luôn đề cao sự gắn bó đoàn kết giữa những gia đình hay hàng xóm với nhau.

Phong tục tập quán Việt Nam là một nét đẹp văn hóa. Các phong tục tập quán đều cần được bảo tồn và phát huy. Điều đó không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn những giá trị truyền thống mà việc bảo tồn các phong tục tập quán của người Việt còn là cách để chúng ta có thể ghi nhớ cội nguồn của dân tộc.

Phong tục tập quán Việt Nam trong ngày Tết Nguyên đán

Phong tục tập quán đoàn tụ bên gia đình

Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên. Mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho cả xã hội. Tết cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước Giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu (cúng gia tiên).

Cúng ông Công, ông Táo

Ngày cúng ông Công, ông Táo là ngày 23 tháng Chạp Âm lịch. Vào ngày này mọi gia đình sẽ dọn dẹp sạch sẽ bếp, mua cá vàng, quần áo, tiền vàng về cúng để ông Công, ông Táo về trời. Báo cáo mọi việc với của gia chủ trong suốt 1 năm qua với Ngọc Hoàng. Cá vàng sau khi cúng xong thì sẽ được phóng sinh đem thả ra sông, ra suối.

Gói bánh chưng, bánh tét

Bánh chưng, bánh tét là những món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán của người Việt. Đây là món quà ý nghĩa dành cho người thân, bạn bè. Những ngày trước Tết, nhiều gia đình, dòng họ, thôn xóm thường tụ tập cùng nhau trò chuyện, gói bánh, luộc bánh thâu đêm.

Miền Bắc thường gói bánh chưng còn miền Nam thì gói bánh tét. Nhờ gói bánh chưng, bánh tét mà Tết cổ truyền Việt Nam trở nên ấm cúng và ý nghĩa hơn.

Chơi hoa dịp Tết

Ở miền Bắc loài hoa Tết đặc trưng là hoa đào, còn miền Nam là hoa mai. Ngoài ra, các gia đình còn chơi cây quất cảnh một trong những cây tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng trong ngày Tết cổ truyền. Ngoài ra, các gia đình cũng mua hoa cúc, hoa lan, hoa đồng tiền… để trang trí nhà cửa thêm vui tươi, rước lộc vào nhà.

Bày mâm ngũ quả ngày Tết

Mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Mỗi vùng miền sẽ có những cách bày mâm ngũ quả khác nhau, sử dụng những loại hoa trái khác nhau. Mâm ngũ quả thể hiện lòng thành kính đối với trời đất, ông bà tổ tiên và để cầu mong một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý.

Dọn dẹp nhà cửa đón năm mới

Vào dịp giáp Tết, gia đình Việt đều có thói quen dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ nhằm dọn bỏ hết đi những điều không may của năm cũ và chuẩn bị đón năm mới với những điều may mắn, tài lộc nhiều hơn.

Viếng thăm mộ tổ tiên

Trước Tết, để thể hiện lòng kính trọng, trọn đạo hiếu đối với ông bà, tổ tiên thì con cháu trong gia đình thường ra mộ thăm viếng, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của của người đã khuất. Đây là một phong tục phổ biến của người Việt trước khi đón Tết Nguyên đán.

Trong ngày 30 Tết, các gia đình thường cúng tất niên để tiễn năm cũ, chuẩn bị đón năm mới. Ảnh minh họa: TL

Trong ngày 30 Tết, các gia đình thường cúng tất niên để tiễn năm cũ, chuẩn bị đón năm mới. Ảnh minh họa: TL

Cúng tất niên

Trong ngày 30 Tết, các gia đình thường làm những mâm cỗ tươm tất để thắp hương mời thần linh, gia tiên về ăn Tết cùng gia đình. Bữa cơm tất niên cũng là để kết thúc một năm cũ và chuẩn bị đón chào năm mới.

Cùng nhau đón giao thừa

Giao thừa là khoảnh khắc mà rất nhiều người chờ mong trong dịp Tết. Đây là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Là khoảnh khắc đất trời giao hoa, thiên nhiên và con người trở nên gần gũi nhất. Trong đêm giao thừa thường có nhiều hoạt động rất hấp dẫn như ca múa nhạc, bắn pháo hoa, đi chùa, hái lộc...

Đi chùa, hái lộc đầu năm mới

Đi chùa, hái lộc là phong tục tập quán của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính đối với đức Phật, tổ tiên. Trong đêm giao thừa, khi đi chùa người ta thường kết hợp hái lộc để cầu may mắn, rước lộc vào nhà.

Phong tục xông đất

Theo quan niệm của người Việt thì xông đất đầu năm là vô cùng quan trọng. Vì vậy, nhiều gia đình đi xem tuổi, nhờ người hợp tuổi xông đất cầu mong gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt.

Thời điểm xông đất là thời điểm sau phút giao thừa và người xông đất thường là người vui tính, hay gặp may mắn.

Chúc Tết và mừng tuổi

Dịp Tết người Việt có phong tục đi chúc Tết họ hàng, bạn bè: "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy". Vào dịp này mọi người đều dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất đồng thời không quên tặng những phong bao lì xì may mắn.

Phong tục xuất hành đầu năm

Hết ngày mùng 1 Tết nhiều gia đình chọn xem ngày tốt, xem hướng để xuất hành nhằm cầu mong năm mới với nhiều thuận lợi đặc biệt là trong công việc, buôn bán, học tập.

Dựng cây nêu ngày Tết

Theo truyền thuyết xưa, hàng năm khi đến năm mới thì ma quỷ sẽ lại đến phá đám vì vậy để xua đuổi tà ma, những điều không may mắn người dân thường sẽ dựng cây nêu để báo rằng nơi này đã có chủ và xua đuổi ma quỷ đến quấy nhiễu.

Dựng cây nêu ngày Tết là một phong tục truyền thống quan trọng tại nhiều địa phương. Với một cây tre cao khoảng từ 5 đến 6m, cùng vàng mã, bùa trừ tà, tấm vải điều, cá chép giấy… treo ở trên ngọn cây. Cây nêu sẽ được dựng để mừng năm mới, đồng thời sẽ xua đuổi đi ma quỷ và những điều không may mắn trong năm.

Cây nêu thường sẽ được dựng vào ngày 23 tháng Chạp và được hạ xuống vào ngày mùng 7 Tết.

Xin chữ dịp đầu xuân

Vào dịp đầu năm mới, mọi người thường sẽ rủ nhau đi xin chữ đầu xuân để treo trong nhà để cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình và người thân. Mỗi người sẽ có những mong muốn xin các dòng chữ khác nhau, nhưng đều chung một mong muốn là mọi sự tốt lành, gia đình thuận hoà, tài lộc, sức khỏe.

Khai bút đầu năm

Phong tục ngày Tết khai bút đầu xuân hay còn được xem là khai nghề là một di sản văn hóa quý giá mà dân tộc Việt Nam còn lưu giữ. Theo ông bà ta từ xa xưa, mọi sự hanh thông trong những ngày đầu tiên của năm mới sẽ là tín hiệu tốt cho một năm trôi qua một cách thuận buồm xuôi gió.

Vì vậy, người làm kinh doanh, học sinh, sinh viên… thường thực hiện nghi thức khai bút hay xin chữ dịp đầu năm. Trong khi học sinh bắt đầu năm học với những nét chữ đầu tiên thì người làm nông lại bắt tay vào việc cày cấy và các doanh nhân thường mở cửa hàng của họ để rước may mắn vào nhà.

Nguồn: [Link nguồn]

Tết Nguyên Đán xưa là dịp để người nông dân bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời,... và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo L.Vũ ([Tên nguồn])
Tết Giáp Thìn 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN