Những điều cần dạy trẻ ngày Tết, cha mẹ nhất định phải nhớ
Ngày Tết sum họp nhưng hiện nay quá nhiều người bị chi phối bởi smartphone, facebook, mọi người dành thời gian vào mạng nhiều hơn là quây quần, nói chuyện với nhau.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn – Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, xưa hay nay thì ý nghĩa của Tết vẫn vậy. Tuy nhiên, bây giờ, nhiều trẻ bị chi phối bởi smartphone, facebook, mọi người dành thời gian vào mạng nhiều hơn là quây quần, nói chuyện với nhau.
Ngày xưa, cả năm chỉ mong đến Tết để được ăn no, còn trẻ con mong đến Tết để được mặc quần áo mới. Bây giờ ngày nào cũng ăn ngon như Tết nên nhiều người không còn thấy hào hứng, mong chờ Tết nữa. Có điều không phải vì thế mà người lớn “ăn tết” qua loa và quên đi việc giáo dục con cái về ý nghĩa của ngày Tết, không cho trẻ có cơ hội được trải nghiệm Tết.
(Ảnh minh họa).
Hiện nay, trước kỳ nghỉ Tết, nhiều trường học tổ chức hoạt động ý nghĩa để trẻ được trải nghiệm Tết. Trẻ được tham gia hội chợ Tết, học gói bánh chưng, chơi các trò chơi dân gian.
Cho trẻ trải nghiệm gói bánh chưng, nấu ăn
Tại gia đình, cha mẹ có thể cho trẻ được trải nghiệm Tết thông qua các hoạt động hằng ngày. Chẳng hạn, vào những ngày cuối năm, gia đình thường dọn dẹp nhà cửa một cách gọn gàng, sạch sẽ và trang trí để đón Tết. Cha mẹ hãy hướng dẫn con cùng phụ giúp mình. Bắt đầu từ những việc nhỏ như dọn dẹp đồ chơi, gấp quần áo, quét nhà,…
Dịp này, cha mẹ hãy giới thiệu và hướng dẫn con làm các món ăn trong mâm cơm cúng trong các ngày Tết. Mỗi gia đình và địa phương lại có những món ăn đặc trưng, ví dụ như những gia đình phía bắc thì không thể thiếu món bánh chưng, nem rán hay gà luộc, nhưng ở phía nam thì lại chẳng thể quên thịt kho hột vịt, hoặc miền tây thì là bánh tét. Vừa hướng dẫn con chuẩn bị mâm cỗ, phụ huynh vừa có thể kể cho con nghe về ý nghĩa hay nguồn gốc của những món ăn đặc trưng này.
Dọn dẹp nhà cửa
Cha mẹ có thể vừa làm vừa dạy bé nguyên nhân tại sao các gia đình thường dọn nhà để đón Tết.
Dọn dẹp nhà cửa trước ngày Tết còn mang thông điệp là sắp xếp lại những “bừa bộn” của năm cũ để chào đón năm mới “An khang, Thịnh vượng”.
Dạy trẻ về bữa cơm tất niên, tân niên
Cũng theo TS Sơn, trong những ngày Tết, có nhiều phong tục rất đẹp cha mẹ cần giáo dục cho con cháu. Trong đó, bữa cơm tất niên, tân niên là một trong những nghi lễ văn hóa độc đáo của người Việt.
Ngày 30 Tết, gia đình thường chuẩn bị mâm cơm để mời ông bà, tổ tiên, những người đã khuất về ăn tết, sum họp cùng con cháu. Ngày mùng 1 Tết, gia đình lại chuẩn bị mâm cơm cúng tân niên. Việc này thể hiện sự kết nối giữa các thế hệ trong gia đình người Việt.
Bên cạnh ý nghĩa tín ngưỡng, bữa cơm tất niên, tân niên có giá trị văn hóa gần với gia đình, thể hiện ý nghĩa sum họp. Đây sẽ là mâm cơm có đủ đầy các thành viên trong gia đình sau một năm đi làm ăn xa.
Dạy trẻ về cách ứng xử với người lớn
Khi đưa bé đi chúc Tết ông bà, cha mẹ hãy tâm sự với con về những đóng góp của tổ tiên với con cháu cùng sự vất vả của ông – bà đã nuôi dạy cha mẹ nên người. Cha mẹ hãy là tấm gương cho bé về những hành động ứng xử với người lớn tuổi trong những ngày Tết.
Giải thích cho con về hoạt động “khai bút đầu năm”
Khoảnh khắc giao thừa là khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng và hầu như mọi người đều bên cạnh gia đình của mình, hãy giải thích cho con trẻ ý nghĩa về khoảnh khắc này, sau đó có thể hướng dẫn con về hoạt động “khai bút đầu năm”. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa, giúp con trẻ sẽ có ý thức hơn trong việc học tập những điều mới trong năm.
Dạy con văn hóa chúc tết
Hãy dạy con biết gửi tới mọi người những lời chúc tốt đẹp vào dịp đầu năm, hướng dẫn cho trẻ một vài câu chúc tết cơ bản như: “Con chúc bác mạnh khỏe, làm ăn phát đạt”, “Con chúc cô năm mới gặp nhiều điều tốt đẹp, may mắn”…
Những lời chúc ý nghĩa chắc chắn sẽ đem lại niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người. Để con có lời chúc hay, cha mẹ có thể tập cùng con trước Tết.
Bên cạnh đó, bố mẹ đừng quên dạy trẻ nói lời cảm ơn khi được chúc tết hay nhận lì xì từ người lớn.
Nguồn: [Link nguồn]
Tết là lúc trẻ được nghỉ học và tận hưởng khoảng thời gian hạnh phúc đoàn viên bên gia đình, ông bà, họ hàng. Chuyên gia giáo dục Nguyễn Đức Hiển cho...