Nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Nguyên đán là gì không phải ai cũng biết

Sự kiện: Tết Giáp Thìn 2024

Tết Nguyên Đán xưa là dịp để người nông dân bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời,... và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Theo TS.Trần Hữu Sơn, chuyên gia văn hóa, Tết Nguyên đán là khoảng thời gian thiêng liêng, ý nghĩa bởi vừa mang tính truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt, vừa là thời điểm để các thế hệ trong mỗi gia đình được đoàn tụ, gặp gỡ sau một năm làm việc, học tập.

Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết. TS.Trần Hữu Sơn, chuyên gia văn hóa đã gợi ý cha mẹ dạy con về ý nghĩa của ngày Tết Nguyên đán.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Cả, Tết ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm Âm lịch quan trọng và có ý nghĩa nhất ở Việt Nam.

Tết Nguyên Đán của Việt Nam được tính theo Âm lịch, muộn hơn Tết Dương lịch (hay Tết Tây). Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21/1 Dương lịch và sau ngày 19/2 Dương lịch mà thường chỉ rơi vào khoảng giữa những ngày này.

Thời gian diễn ra Tết Nguyên Đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 - 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).

Theo sự tích "Bánh chưng bánh dày" thì người Việt đã ăn Tết từ thời vua Hùng, tức là trước cả khoảng thời gian 1000 năm Bắc thuộc.

Với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa,... Theo quan niệm phương Đông, đây là khoảng thời gian trời đất có sự giao hòa và con người trở nên gần với thần linh.

Tết Nguyên Đán xưa là dịp để người nông dân bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời,... và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Tết Nguyên đán còn được coi là ngày “làm mới”, ngày để mọi người có thể hy vọng vào một năm mới an lành, sung túc, thuận lợi trong cả năm và gác lại mọi điều không may mắn trong năm cũ. Do vậy, vào dịp Tết, nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, sắm sửa, trang hoàng nhà cửa cho thật đẹp.

Đây cũng là dịp mọi người làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần để mối liên hệ với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn. Trong dịp Tết, các gia đình thường tụ họp chúc Tết nhau, cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, tạ ơn ông bà, tổ tiên đã phù hộ trong suốt một năm qua.

Thời xưa, trải nghiệm Tết là mỗi người tự tay làm những công việc để chuẩn bị cho Tết, như tự gói bánh, làm giò, mổ lợn, trang hoàng nhà cửa. Mọi việc đều được phân vai rất rõ.

Chẳng hạn: Việc gói bánh chưng, người phụ nữ thì ngâm gạo, làm nhân đỗ, con cái ngồi lau lá dong, người đàn ông trong nhà sẽ đảm nhận việc gói bánh chưng. Cả gia đình thay nhau trông nồi bánh và trẻ nhỏ rất háo hức chờ đến lúc những đồng bánh ra lò. Đó là một không khí đầm ấm, sum họp của gia đình.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn cũng cho rằng, những năm gần đây, một số người có điều kiện kinh tế khá, sống ở các đô thị lớn của cả nước thường tranh thủ thời gian nghỉ Tết để đưa cả gia đình đi du lịch nước ngoài hoặc tìm đến những khu nghỉ dưỡng ở các vùng ngoại ô để nghỉ ngơi. Điều này cũng mở ra cái mới bởi chủ thể được thưởng thức không khí tĩnh lặng của ngày Tết theo cách riêng của mình nhưng cũng có hạn chế là tính cộng đồng mai một.

“Tôi thấy điều này đáng lo bởi từ xa xưa, người Việt thường quan niệm “Mùng Một tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba tết thầy”. Việc một số gia đình chọn phương án đi du lịch vào dịp Tết mà không quan tâm đến bố mẹ, người thân khiến cho không gian cộng đồng, tình đằm thắm, gắn kết trong mỗi gia đình phai nhạt. Khi nhạt tình thân gia đình, cộng đồng mà đề cao vai trò cá nhân nhiều quá sẽ làm cho Tết cổ truyền bị mai một. Tết của người Việt đề cao tính cộng đồng, làng xóm, ngày Tết là dịp để thăm hỏi người thân, bạn bè, đây là điều khác biệt giữa Tết phương Đông và phương Tây và cũng là nét văn hóa đặc sắc của Tết Việt”, nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Trong ngày Tết, cha mẹ nên dạy con sắp xếp bày mâm cỗ và chỉ rõ cho con biết vì sao lại làm cỗ như vậy để con thấy được ý nghĩa của ngày Tết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tết Giáp Thìn 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN