Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh: 8 năm bù lỗ, liên tục hủy diễn vì ế khách

Đạo diễn Ái Như cho biết, từ ngày thành lập sân khấu kịch, chị đã nghĩ đến chuyện thất bại. Song vì đam mê và muốn sống với nghề, suốt 8 năm, chị và đồng nghiệp bù lỗ để sân khấu sáng đèn.

Video: Kịch Nửa đời hương phấn.

"Sân khấu kịch đang chết dần" - câu nói gây nhiều suy nghĩ và là nỗi trăn trở của các nghệ sĩ đang gồng mình mỗi ngày để giúp sân khấu kịch tại Sài Gòn sáng đèn, dù có hôm vở diễn không được công chiếu vì số lượng khán giả đến chỉ "đếm trên đầu ngón tay".

Năm nay, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh chuẩn bị vở diễn "Sài Gòn có một ngã tư" để phục vụ khán giả vào dịp Tết nguyên đán 2018. Ngày ra mắt giới thiệu, phóng viên bất ngờ trước hình ảnh người xem đến kín rạp, khác hẳn với lời truyền tai "giờ ai còn đến sân khấu xem kịch?". Tuy nhiên, sau trao đổi với Ái Như - đạo diễn sân khấu thì được biết do là ngày ra mắt nên ngoài khán giả mua vé còn có khách mời.

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh: 8 năm bù lỗ, liên tục hủy diễn vì ế khách - 1

Đạo diễn, diễn viên Ái Như âm thầm giữ ánh đèn sân khấu Hoàng Thái Thanh sáng suốt 8 năm qua.

"Suốt 8 năm qua, chúng tôi chưa lấy lại được số vốn bỏ ra"

- Trong bối cảnh các gameshow giải trí lên ngôi và xuất hiện dày đặc trên sóng truyền hình, chị và ê-kíp có gặp nhiều áp lực để cho ra một vở kịch hấp dẫn, hút khán giả đến rạp khi tình hình chung các sân khấu đang gặp nhiều khó khăn?

- Chúng tôi gặp áp lực thường xuyên. Với tình hình hiện tại, để có thể giữ cho sân khấu sáng đèn chúng tôi phải cố gắng mỗi năm cho ra mắt ít nhất là 3 vở vào ngày thường, cuối năm và dịp Tết. Mỗi vở diễn, gần như chúng tôi lên sàn tập hơn 1 tháng. Trước đó, để có kịch bản hay, chúng tôi phải viết nhiều tháng liền và sửa đi sửa lại cho đến khi ưng ý.

Bên cạnh đó, khi phát sinh ý tưởng của tác giả đưa ra thì chúng tôi cũng phải làm việc để cho ra tác phẩm tốt nhất có thể. Dù chỉ từ 3-4 vở nhưng với thời gian như vậy, chúng tôi phải làm việc quanh năm. Để vở có thể sống được thì phải có khán giả. Trong khi đó, hiện tại khán giả đến sân khấu đã không còn như trước. Càng lúc càng nhiều phim truyền hình, các gameshow cho nên khán giả chỉ việc ngồi ở nhà bật tivi lên xem, không phải đi đâu gặp mưa gió, xe xộ và không mất tiền. Vì vậy, càng lúc chúng tôi càng cô đơn hơn.

- Một vợ kịch được chuẩn bị nhiều tháng liên như vậy thì kinh phí đầu tư có tiêu tốn khá nhiều không thưa chị?

- Sân khấu do NSƯT Thành Hội và tôi cùng nhau góp vốn thành lập và tồn tại được 8 năm. Suốt 8 năm qua, chúng tôi chưa lấy lại được số vốn bỏ ra. Khi xem một vở diễn thì bạn có thể thấy phí tổn là con số không hề nhỏ. Quan trọng không chỉ là đầu tư vở diễn, chi phí hàng đêm cho mặt bằng, cát-xê của nghệ sĩ, nhân viên sân khấu là những con số cố định. Trong buổi giới thiệu lần này, những ghế trống có thể do khách mời bận không đến được. Còn nếu bạn đến xem một suất diễn vào ngày thường, số ghế trống nhiều hơn so với ghế có người ngồi. Trước tình hình như vậy, chúng tôi phải chấp nhận một con số cố định cho chi phí hàng đêm, còn lớn hơn kinh phí chúng tôi đầu tư cho một vở kịch. 

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh: 8 năm bù lỗ, liên tục hủy diễn vì ế khách - 2

Nghệ sĩ Ái Như trong vở kịch gây tiếng vang Bao giờ sông cạn.

- Vậy trung bình mỗi vở kịch có khoảng bao nhiêu khán giả mua vé đến rạp?

- Nếu may mắn, chúng tôi có 140 khán giả mua vé đến xem thì sẽ không phải bù lỗ, chưa kể đến việc hoàn vốn. Tuy nhiên, một đêm diễn dưới 100 vé là thường xuyên. Còn dưới 50 vé chúng tôi không thể cho sân khấu sáng đèn nổi.

- Suốt 8 năm luôn bù lỗ và chưa thu hồi được vốn, vậy tại sao chị vẫn cố gắng giữ cho sân khấu sáng đèn?

- Tối nay, chúng tôi phải điện thoại cho từng khán giả mua vé để xin lỗi vì số lượng người xem chưa đạt đến mức tối thiểu 50 vé. Khán giả chấp nhận lời xin lỗi, họ không lấy lại tiền vé vé và nhờ sân khấu giữ tiền đó lại để một ngày khác sẽ đến xem bù. Chuyện sân khấu không thể sáng điều là điều bất khả kháng. Chính những tình cảm đó, là một trong những lý do khiến chúng tôi luôn cố gắng sáng đèn sân khâu trong suốt 8 năm qua.

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh: 8 năm bù lỗ, liên tục hủy diễn vì ế khách - 3

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vẫn sáng đèn suốt 8 năm qua.

"Chúng tôi đã nghĩ đến sự thất bại khi mới bắt đầu"

- Chị có tạo cho mình một nguồn thu nhập khác để có thể nuôi dưỡng sân khấu?

- Tôi luôn có gắng như vậy nhưng không gây ảnh hưởng đến các kế hoạch của sân khấu. Gia đình anh Thành Hội và ông xã tôi rất hiểu và chia sẻ với những khó khăn của sân khấu. Tôi cố gắng làm sao gìn giữ cho sân khấu sáng đèn. Cho đến lúc nào không thể nữa thì tôi sẽ thông báo với khán giả rằng chúng tôi đã làm hết sức.

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh: 8 năm bù lỗ, liên tục hủy diễn vì ế khách - 4

Nghệ sĩ Ái Như và Quý Bình trong ngày giỗ tổ sân khấu.

- Tại Sài Gòn, không ít sân khấu đã đóng cửa vì tình trạng vắng khách, huỷ suất kéo dài. Chị có sợ điều này đến với sân khấu của mình?

- Tôi không lo sợ vì bản thân biết và chấp nhận điều đó từ khi thành lập sân khấu. Chúng tôi đã nghĩ đến sự thất bại khi  mới bắt đầu. Chúng tôi làm tất cả mọi thứ vì yêu thích dòng kịch này, thích ánh đèn sân khấu và muốn được làm nghề. Bên cạnh đó, dù chỉ được sự đón nhận và đồng cảm của một số ít khán giả nhưng chúng tôi luôn trân quý điều đó. 

- Trong khi các nghệ sĩ đều thay đổi theo sự đổi mới của nghệ thuật. Riêng bản thân chị vẫn cố gắng nuôi dưỡng đam mê. Có khi nào chị cảm thấy chạnh lòng?

- Không, tôi chọn con đường mình đi mà. Tôi gần 60 tuổi rồi, cần phải thay đổi để làm gì nữa. Mỗi người có một con đường riêng, điều tôi muốn là có được những câu chuyện mới trong từng tác phẩm kể với khán giả. Tất nhiên cũng có lúc tôi vấp ngã rất là đau nhưng nếu tôi còn gượng được thì phải làm sao đứng dậy cho tử tế. Chuyện để sân khấu sống lại không phải của mình tôi. Rất nhiều nghệ sĩ cũng mong ước điều đó nhưng không đủ sức. 

Đạo diễn Ái Như cho biết, trong 10 ngày Tết, sân khấu Hoàng Thái Thanh công diễn mỗi ngày 2 suất. Lượng khán giả đến rạp khá hơn ngày thường, tuy nhiên, tình trạng sân khấu bù lỗ trong năm vẫn không tránh khỏi.

Nghệ sĩ Ái Như (SN1961 tại Huế). Khởi nghiệp với vai trò diễn viên tãi nhiều sân khấu kịch, đến nay, chị đã có hàng trăm vai diễn, viết hàng chục kịch bản, đạo diễn gần 40 vở kịch.

Ái Như kết hợp với NSƯT Thành Hội dựng nhiều vở kịch tâm lý xã hội gây tiếng vang như Nửa đời ngơ ngác, Sông dài, Người điên trong ngôi nhà cổ, Màu của tình yêu, Đêm thiên nga... Năm 2006, Ái Như được trao giải Mai Vàng năm 2006 và giải Cù nèo vàng năm 2011 cho hạng mục đạo diễn. Chị cũng từng là giảng viên tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM.

Mỹ Tâm thoa son của Hồng Duy U23 Việt Nam trên sân khấu

Sau màn song ca cùng U23 Việt Nam trên sân khấu vinh danh, Mỹ Tâm bất ngờ được Công Phượng lấy son của Hồng Duy tặng ngay...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Trai Úc ([Tên nguồn])
Chuyện của sao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN