Lai lịch đặc biệt của đội quân tinh nhuệ ví như lính đánh thuê của Khổng Minh

Sự kiện: Tam Quốc

Nếu Tào Tháo tự hào với lực lượng Hổ Báo Kỵ dũng mãnh, thì Gia Cát Lượng cũng hoàn toàn tự tin với lực lượng thiện chiến Vô Đương phi quân mà ông gây dựng cho Thục Hán.

Gia Cát Lượng (181 - 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự, và cũng là một nhà phát minh của Thục Hán thời Tam quốc.

Đóng góp lớn nhất của Gia Cát Lượng cho nhà Thục là việc giúp hình thành thế chân vạc tam quốc, liên minh Thục-Ngô chống Ngụy. Ông được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông, và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử.

Lai lịch đặc biệt của đội quân tinh nhuệ ví như lính đánh thuê của Khổng Minh - 1

Gia Cát Lượng là nhà chính trị, nhà quân sự nổi tiếng của Trung Quốc.

Hình tượng của ông được dân gian ca tụng qua những câu chuyện, về sau được La Quán Trung tiểu thuyết hóa và càng trở nên nổi tiếng qua tác phẩm tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, một trong Tứ đại kỳ thư của văn minh Trung Hoa.

Năm 225, sau chiến dịch chiến dịch tấn công vào vùng Nam Trung, Gia Cát Lượng đã tận dụng sức chiến đấu của các tộc người thiểu số miền Nam để xây dựng đội quân tinh nhuệ đặc biệt, mang tên Vô Đương phi quân.

Vô Đương phi quân cùng với đội cấm vệ quân Bạch Nhĩ binh của Lưu Bị và quân đoàn Tây Lương của Mã gia trở thành 3 lực lượng tinh nhuệ của nhà Thục Hán.

Đội quân tinh nhuệ này mang những tố chất đặc biệt, được xem như biệt đội lính đánh thuê.

Trên thực tế, chính quyền Thục Hán từng sử dụng "lính đánh thuê" thuộc tộc Vũ Lăng - hậu duệ Miêu tộc cổ Trung Quốc - trong cuộc chiến tranh với Đông Ngô.

Lực lượng này đã thể hiện được sức mạnh vượt trội, đem lại lợi thế không nhỏ cho Thục Hán. Ngay cả danh tướng Cam Ninh của Ngô cũng thiệt mạng trong tay đội quân này.

Chiến lược “một mũi tên trúng hai đích” của Gia Cát Lượng

Sau khi trừ bỏ được những lo lắng trong nước thì những tộc người thiểu số ở tây nam nước Thục Hán nổi loạn, Gia Cát Lượng đã đem quân xuống phía nam để thu phục. Quân Thục với số đông áp đảo và quân đội chính quy nhanh chóng áp đảo, và không lâu sau đã bắt sống được Mạnh Hoạch, một thủ lĩnh có tiếng.

Nhận thấy uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Mạnh Hoạch ở vùng Nam Trung và vì muốn giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa các dân tộc thiểu số vùng này với triều đình Thục Hán nên Gia Cát Lượng quyết định đánh vào lòng người, coi đó là chiến thuật chủ đạo. Gia Cát Lượng không thực hiện sự nghiêm khắc như trước, trái lại vận dụng một chính sách khoan dung "vô tiền khoáng hậu" trong lịch sử Trung Quốc.

Lai lịch đặc biệt của đội quân tinh nhuệ ví như lính đánh thuê của Khổng Minh - 2

Nam Man Vương Mạnh Hoạch.

Theo lời Mã Tốc, ông hạ lệnh khi đánh nhau với Mạnh Hoạch, quân Thục chỉ được phép bắt sống, không được giết chết hoặc làm họ bị thương. Mạnh Hoạch bị bắt rồi Gia Cát Lượng lại thả ra, cứ như vậy lặp đi lặp lại đến 7 lần. Nghệ thuật tác chiến chính trị, tâm lý của Gia Cát Lượng thể hiện rõ rệt trong chiến dịch này. Cuối cùng Mạnh Hoạch tâm phục khẩu phục, hoàn toàn chịu thần phục triều Thục Hán. Đến lần thứ 7, khi Gia Cát Lượng định thả Mạnh Hoạch thì Mạnh Hoạch không chịu về vì ông ta nhận thấy Gia Cát Lượng quả thật là con người phi thường và trong thâm tâm không có ý thù địch với mình. Mạnh Hoạch thành tâm nói với Gia Cát Lượng rằng: "Thiên uy của Thừa tướng như vậy thì người miền Nam không bao giờ làm phản nữa".

Sau khi Mạnh Hoạch chịu thần phục thì các thế lực phản loạn ở miền Nam cũng nhanh chóng lần lượt quy hàng. Mùa thu năm 225, ba cánh quân Đông, Tây và Trung hội quân ở Điền Trì (Vân Nam) ăn mừng thắng lợi của cuộc Nam tiến và giai thoại bảy lần bắt bảy lần thả được truyền tụng.

Gia Cát Lượng từ đó nhận thức rõ về năng lực chiến đấu của các tộc người thiểu số ở Nam Trung. Trong lịch sử Trung Quốc, các tộc người ở đồng bằng, sống bằng nghề nông thường thua kém các tộc người du mục cả về khả năng và tinh thần chiến đấu.

Do đó, Gia Cát Lượng đề ra chiến lược “một mũi tên trúng hai đích”. Một mặt chiêu mộ các chiến binh tộc người thiểu số phục vụ cho nhà Thục Hán, mặt khác, ngân sách để nuôi đội quân này do những người giàu có ở địa phương trang trải.

Hoa Dương quốc chí của Thường Cừ thời Đông Tấn ghi lại các chiến binh tộc người thiểu số (người Di) tham nhận của cải của người Hán, nên thần phục nhà Thục Hán, từ đó hình thành nên mối quan hệ Di-Hán.

Tầng lớp nhà giàu của người Di được Thục Hán bảo trợ, duy trì địa vị nên sẵn sàng chi tiền giúp Gia Cát Lượng chiêu binh. Điều này cũng giúp làm giảm mâu thuẫn dân tộc.

Lai lịch đặc biệt của đội quân tinh nhuệ ví như lính đánh thuê của Khổng Minh - 3

Gia Cát Lượng (giữa) trong bộ phim Tân Tam quốc diễn nghĩa. 

Đề phòng lực lượng đối lập miền Nam trỗi dậy, Gia Cát Lượng khuyến khích người dân Nam Trung di cư về Thục Hán sinh sống, chia làm 5 “bộ”, hiệu là phi quân. Lực lượng đặc nhiệm Vô Đương phi quân hình thành từ đó.

Những người thiểu số gia nhập Vô Đương phi quân trở thành người của nhà Thục Hán. Cha mất, con tiếp tục gia nhập quân đội, chiến đấu vì sự nghiệp nhà Thục, trở thành người lính chuyên nghiệp.

Trang mạng hquanqiu.com (Trung Quốc) so sánh Vô Đương phi quân với lực lượng tinh nhuệ Gurkha, có nguồn gốc từ tộc người thiểu số ở Nepal, đánh thuê cho quân đội Anh từ thế kỷ 19.

Năng lực chiến đấu của Vô Đương phi quân

Lai lịch đặc biệt của đội quân tinh nhuệ ví như lính đánh thuê của Khổng Minh - 4

Vô Đương phi quân giỏi dùng cung nỏ, tên độc, đặc biệt tinh nhuệ trong tác chiến phòng ngự.

Đội quân tinh nhuệ Vô Đương phi quân được sử sách Trung Quốc ghi nhận và thể hiện được năng lực chiến đấu vượt trội, thông qua các cuộc chiến của nhà Thục Hán.

Sử sách Trung Quốc ghi lại, chiến binh Vô Đương phi quân “thân mặc thiết giáp, có thể dời non vượt núi, giỏi dùng cung nỏ, tên độc, đặc biệt tinh nhuệ trong tác chiến phòng ngự".

Trong cuộc Bắc phạt ra Kỳ Sơn lần đầu tiên của Khổng Minh, quân Thục do Mã Tắc làm chủ soái giao chiến với tướng Ngụy Trương Cáp ở Nhai Đình. Mã Tốc sai lầm khiến quân Thục thảm bại.

Gia Cát Lượng ra lệnh cho Vô Đương phi quân do Vương Bình thống soái, đánh đoạn hậu, yểm trợ cho quân Thục rút lui khỏi chiến trường. Đây được xem là chiến công nổi bật, giúp Thục Hán tránh được kết cục toàn quân bị tiêu diệt.

Năm 231, Gia Cát Lượng khởi binh Bắc phạt lần thứ 4, lệnh cho Vương Bình làm phó soái đồn trú ở Nam Vi. Đích thân Khổng Minh chỉ huy đội quân chủ lực vây Tư Mã Ý ở Kỳ Sơn.

Trước sức ép của Khổng Minh, và bị các tướng lĩnh dưới quyền thúc giục, Tư Mã Ý buộc phải điều Trương Cáp thống lĩnh đại quân tấn công Vương Bình.

Vô Đương phi quân do Vương Bình chỉ huy chỉ có 3.000 người, trong khi quân Ngụy đông gấp 20 lần. Nhưng các chiến binh tinh nhuệ đã “liều chết chiến đấu”, khiến đối phương rơi vào bế tắc.

Không để cho quân Ngụy kịp rút lui, Vô Đương phi quân chuyển sang phản kích, tiền hậu giáp công, khiến đại binh do Trương Cáp chỉ huy thất bại nặng nề.

Lai lịch đặc biệt của đội quân tinh nhuệ ví như lính đánh thuê của Khổng Minh - 5

Ảnh minh họa.

Dù chiến dịch Bắc phạt lần 4 không đem lại thành công, nhưng các họcgiả Trung Quốc đánh giá, đây là lần đầu tiên quân Thục “giành được ưu thế” trước quân Ngụy, nhờ vào Vô Đương phi quân.

Kết cục của Vô Đương phi quân

Lai lịch đặc biệt của đội quân tinh nhuệ ví như lính đánh thuê của Khổng Minh - 6

Ảnh minh họa.

Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Vô Đương phi quân chủ yếu được huy động để đập tan của cuộc tạo phản của dân tộc miền núi. Năm 240, quân Thục đồn trú ở Hán Gia (Tứ Xuyên) thiệt hại nặng nề bởi phản loạn, tướng trấn thủ chết trận.

Thục Hán phải huy động Vô Đương phi quân đến kiểm soát tình hình. Vô Đương phi quân khi đó đã bước sang thế hệ thứ hai hoặc thứ ba.

Tuy thiện chiến nhưng với quân số ít ỏi, Vô Đương phi quân hầu như không thể làm thay đổi cục diện Tam quốc, vốn ngày càng nghiêng về nhà Ngụy.

Sử sách Trung Quốc chép lại, cái kết của Vô Đương phi quân vô cùng bi thảm. Đó là thời điểm diễn ra cuộc Bắc phạt thứ 8 trong 9 lần đánh Ngụy của Khương Duy, người kế tục Gia Cát Lượng.

Cũng đảm nhiệm trọng trách yểm trợ quân chủ lực rút lui, tướng Trương Nghi, tư lệnh cuối cùng chỉ huy Vô Đương phi quân thống lĩnh 5.000 binh sĩ quyết tử chiến.

Vô Đương phi quân chịu thiệt hại nặng nề. Mặc dù sau đó, Thục Hán xây dựng lại lực lượng Vô Đương phi quân mới nhưng thực tế lực lượng này gần như không còn tồn tại.

Video: Khổng Minh thu phục Mạnh Hoạch.

Tam quốc diễn nghĩa: Không phải Quan Vũ hay Lữ Bố đây mới là người mạnh nhất thời Tam quốc

Nhắc tới thời kỳ Tam quốc, một trong những vấn đề được hậu thế tranh luận nhiều nhất chính là câu hỏi: Ai mới thực...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Tiệp ([Tên nguồn])
Tam Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN