Cái kết “thảm hại” về tình yêu của 3 người phụ nữ trong “Tro tàn rực rỡ”

Bộ phim đẩy cảm xúc người xem lên cao trào khi tình yêu của 3 người phụ nữ có cái kết khiến ai cũng phải suy ngẫm.

Trailer "Tro tàn rực rỡ"

Thể loại: Tình cảm, Tâm lý

Đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên

Diễn viên: Phương Anh Đào, Juliet Bảo Ngọc Doling, Hạnh Thúy, Lê Công Hoàng, Thạch Kim Long, Mai Thế Hiệp, Quang Tuấn…

24h review đánh giá: 9/10

IMDb đánh giá: 7.8/10

* Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim:

Tại “Festival des 3 Continents” (Liên hoan phim Ba châu lục 2022), “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vinh dự nhận giải thưởng cao nhất "Montgolfière d’or" (Golden Balloon) trước nhiều tựa phim đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Brazil…

Năm 2017, phim nhận giải thưởng “Busan Awards” cho dự án xuất sắc nhất và thuộc nhóm 15 dự án được chọn tham gia Cinéfondation L’atelier tại “Liên hoan phim Cannes 2018”.

Năm 2022, “Tro tàn rực rỡ” trở thành phim Việt đầu tiên tranh giải tại hạng mục Official Competition, “Liên hoan phim Quốc tế Tokyo”, cũng là phim Việt đầu tiên có sự kiện World Premiere tại liên hoan phim danh giá này.

Để thực hiện “Tro tàn rực rỡ”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã dành 2 năm viết kịch bản, cùng 5 năm thực hiện các công tác chuẩn bị cho việc quay phim. Phim được chuyển thể từ hai truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về”. 

Phim khởi chiếu tại các rạp ở Việt Nam từ ngày 02/12, gắn mác C16 (cấm trẻ em dưới 16 tuổi).

Poster phim "Tro tàn rực rỡ"

Poster phim "Tro tàn rực rỡ"

Trên các hội nhóm về phim ảnh, tác phẩm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận về nhiều đánh giá tích cực. “Lâu rồi tôi mới xem một bộ phim điện ảnh Việt chỉn chu, nội dung gần gũi, các góc quay chăm chút đẹp như vậy”, một khán giả bình luận.

Lấy bối cảnh xóm Thơm Rơm - một làng chài nghèo ở miền Tây, “Tro tàn rực rỡ” kể về câu chuyện tình yêu đặc biệt của ba người phụ nữ. Mỗi người có những câu chuyện, uẩn ức riêng, nhưng đều ấp ủ trong mình ngọn lửa khao khát yêu và được yêu mãnh liệt.

Phim bắt đầu với bối cảnh đám cưới của Nhàn (Phương Anh Đào thủ vai) và Tam (Quang Tuấn thủ vai). Phim không kể một cách “sỗ sàng”, chỉ vừa đủ để khán giả tin rằng Nhàn và Tam thực sự đến với nhau bằng tình yêu nguyên sơ, chân thành nhất.

Đám cưới của Nhàn và Tam

Đám cưới của Nhàn và Tam

Song tình yêu của Nhàn và Tam không đủ lớn để vượt qua sóng gió, nhất là khi con gái của họ qua đời vì đuối nước. Nhàn luôn tự trách bản thân là người không quan tâm con nên mới dẫn đến việc đáng tiếc. Tam tâm trí rối loạn, mơ hồ, tìm đến rượu để giải sầu.

Nhàn để ý đến những vết bỏng trên người chồng, nhận ra những lần anh dùng bật lửa tự đốt chính thân thể. Và rồi, khi cơn đau thể xác không thể xoa dịu nỗi đau tinh thần, Tam châm lửa đốt chính tổ ấm của mình.

Tam hạnh phúc khi thấy lửa. Nhàn nuông chiều cảm xúc của chồng

Tam hạnh phúc khi thấy lửa. Nhàn nuông chiều cảm xúc của chồng

Nhàn vẫn cố tỏ ra bình thản, nuốt nước mắt vào trong. Người trong làng hỏi cô sao không bỏ quách người chồng “bệnh hoạn” đi, cô chỉ cười: “Con bỏ đi rồi lấy ai dựng nhà cho ảnh đốt, rủi ảnh qua đốt nhà hàng xóm thì sao”.

Khi Nhàn nhận ra cả cô và Tam đều đã quá mỏi mệt, cô đã lựa chọn kết thúc trong chính ngọn lửa cháy sáng rực rỡ nhất, ngọn lửa mà người đàn ông của cô yêu hơn vợ mình.

Cái kết “thảm hại” về tình yêu của 3 người phụ nữ trong “Tro tàn rực rỡ” - 4

Không ai dám chắc lần đốt lửa cuối cùng là do Tam, hay do chính Nhàn. Nhưng cái kết chính là sự bế tắc, cách Nhàn giải thoát cho chính cuộc đời mình. Cảnh tượng những vật dụng mà Nhàn đã xếp sẵn để thu dọn khi chồng đốt nhà hay bức ảnh chân dung của con gái xấu số nay vẫn ở đó, hòa cùng đám cháy khiến người xem không khỏi “rùng mình”. 

Câu chuyện của Hậu (Juliet Bảo Ngọc Doling thủ vai), một cô gái khác sống cùng xóm Thơm Rơm cũng bi kịch không kém. Trong đám cưới của Nhàn và Tam, Hậu cũng tới dự. Cô tíu tít nói cười bên cạnh Dương (Lê Công Hoàng thủ vai). Nhưng Dương không hề quan tâm đến Hậu vì anh thất tình khi người yêu đơn phương đi lấy chồng.

Sau đám cưới, Hậu đi xuồng về cùng Dương. Trong cơn say khướt, Dương đi quá giới hạn với Hậu, dù miệng vẫn lẩm bẩm tên Nhàn.

Dương làm Hậu có thai và chấp nhận đám cưới diễn ra dù tâm trí anh chỉ hướng đến Nhàn

Dương làm Hậu có thai và chấp nhận đám cưới diễn ra dù tâm trí anh chỉ hướng đến Nhàn

Hậu và Dương bước vào cuộc hôn nhân ép buộc khi Hậu phát hiện mình có thai. Cô gái trẻ đang ở cái tuổi đẹp nhất phải học cách trở thành người vợ, người mẹ đảm đang. Việc của người đàn bà hay người đàn ông trong nhà đều đến tay Hậu. Còn người chồng cô yêu thương theo thuyền đánh cá nhiều ngày, rồi lại ở biền biệt trong chiếc chòi cô đơn giữa sông nước.

Khi không làm việc, Hậu làm bạn với người phụ nữ chồng mình yêu. Từ chỗ ghen tuông, giận dỗi, Hậu dần gần gũi với Nhàn hơn. Cô đem những câu chuyện lặt vặt đến những lần nhà Nhàn cháy kể với Dương. Có lẽ, chỉ những câu chuyện về Nhàn mới có thể khiến Dương chú ý đến Hậu thêm một chút. Dù Dương không hề đối đáp với vợ bất cứ lời nào.

Hậu tiếp cận Nhàn để tìm hiểu về người mà chồng cô yêu đơn phương

Hậu tiếp cận Nhàn để tìm hiểu về người mà chồng cô yêu đơn phương

Cảm xúc của Hậu khi thấy nhà Nhàn bị cháy

Cảm xúc của Hậu khi thấy nhà Nhàn bị cháy

Ngay cả khi Dương khoác ba lô bỏ chạy ở phân cảnh áp chót, Hậu vừa khóc, vừa ép chuối trong uất ức. Nhưng rồi ở cảnh cuối cùng, khán giả thấy Hậu lái xuồng ra biển, tiến gần đến chiếc chòi cô độc của Dương. Dẫu cho chiếc xuồng ấy không phải thứ dùng để lái ra biển, dẫu biết rằng có lẽ kết cục của một lần can đảm này chẳng mấy tươi sáng, thì Hậu thực sự đã quyết tâm vì hạnh phúc của mình, vì người đàn ông mà cô yêu. “Bởi vì khi người phụ nữ còn yêu, không gì làm họ dừng lại”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã chia sẻ như thế tại “Liên hoan phim Tokyo”.

Câu chuyện thứ ba là cô Loan “khùng” (Hạnh Thúy thủ vai) và ông Khang (Thạch Kim Long thủ vai) cũng tạo màu sắc riêng. Sau nhiều năm ở tù, Khang trở về quê nhà, đối mặt với Loan - người phụ nữ ông từng hãm hại lúc còn nhỏ.

Ban đầu, cô hận Khang rất nhiều. Nhưng rồi, một ngày kia, cô thốt ra với Khang một ước mơ sâu kín nhất, điều cô vẫn luôn mong mỏi: “Hay là anh cưới tôi đi…”.

Hạnh Thúy vào vai Loan "khùng"

Hạnh Thúy vào vai Loan "khùng"

Ấy thế mà, giữa lúc cô hạnh phúc nhất, Khang lại đột ngột biến mất. Anh đến rồi đi lặng lẽ và lênh đênh tựa như tấm củi mục.

Phân cảnh Loan ngồi cười nói một mình, phía sau là cảnh chùa đổ nát, khói nghi ngút khiến người xem phải suy ngẫm. Niềm khát khao yêu và được yêu của người đàn bà “khùng” ấy có khi bùng lên dữ dội như lửa cháy, có khi lại âm ỉ trong lòng, nhưng không bao giờ lụi tàn.

Ba người phụ nữ trong “Tro tàn rực rỡ” có cái kết khác nhau về chuyện tình. Có thể với vài người, đó là sự bế tắc, cố chấp; nhưng dưới những góc nhìn khác, đó lại là những cách giải thoát, để lòng họ được nhẹ nhàng hơn, được tự do yêu hết mình.

Với thời lượng 117 phút, nhịp phim khá chậm, nhưng người xem khó rời mắt trong từng phân cảnh. Các cảnh quay được chăm chút, mang đậm chất điện ảnh. Bối cảnh miền Tây xưa được phục dựng tỉ mỉ, hiện lên sống động qua màn ảnh rộng.

Bùi Thạc Chuyên cho biết suốt 7 năm làm phim, mỗi năm anh về Cà Mau vài lần để hiểu đời sống của dân bản địa, tìm cảm hứng làm phim. Anh lang thang qua nhiều làng nghề, sinh hoạt cùng dân chài, cùng họ ăn cơm, đánh cá. Có lúc, anh thức 3 giờ để cùng một tàu cá ra biển, trải qua nhiều ngày lênh đênh.

Trước khi bộ phim khởi quay đầu năm 2021, các diễn viên chính về địa điểm quay ở miền Tây, sinh hoạt cùng bà con bản địa để tìm chất liệu nhập vai. Trong khi Quang Tuấn học làm công nhân lò than; Bảo Ngọc Doling tập lái xuồng, làm bánh chuối, bổ củi; Phương Anh Đào hòa nhập nhịp sống của một người vợ, người mẹ vùng sông nước Nam Bộ.

Phương Anh Đào sống cùng người dân miền Tây 1 tháng trước khi phim bấm máy

Phương Anh Đào sống cùng người dân miền Tây 1 tháng trước khi phim bấm máy

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ, Phương Anh Đào gần như là gương mặt cuối cùng mà ông lựa chọn để trở thành một trong ba mảnh ghép quan trọng nhất của “Tro tàn rực rỡ”. Với đạo diễn, điểm khiến Anh Đào phù hợp với nhân vật Nhàn nhất chính là dáng đi của cô, rất khoan thai và hoàn toàn đối lập với nhân vật nữ chính Hậu.

Song “vì quá đẹp” nên vai diễn của Phương Anh Đào vẫn chưa đậm chất miền Tây. Có vài cảnh cô ngồi xuồng, đi xe đạp vẫn còn lóng ngóng, vụng về. Bù lại, diễn viên sinh năm 1992 thể hiện trọn cảm xúc vai diễn, đưa người xem đến cao trào.

“Tro tàn rực rỡ” là vai chính đầu tay của diễn viên lai mang hai dòng máu Việt - Anh Juliet Bảo Ngọc Doling. Vào năm 13 tuổi, Bảo Ngọc đã lọt mắt xanh của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sau một vài phim ngắn mà cô tham gia diễn xuất. Nhà làm phim nhận xét: “Ngọc là một cô gái trẻ với cái chất thật “gấu”, thật “lì lợm” cho vai nữ chính Hậu”. Song giọng điệu của Bảo Ngọc Doling trong phim bị lơ lớ, ít nhấn nhá, chưa thực sự đúng ngữ âm miền Tây.

Vai diễn đầu tay của Bảo Ngọc Doling

Vai diễn đầu tay của Bảo Ngọc Doling

Bù lại, thoại phim mộc mạc, gần gũi. Thậm chí, đạo diễn còn mạnh dạn thêm thắt cả những tiếng lóng, câu chửi thề.

Giữa thời điểm phim Việt có nhiều sản phẩm kém chất lượng bị khán giả thất vọng, quay lưng, doanh thu phòng vé thảm hại chưa từng có, thì “Tro tàn rực rỡ” như một đóm sáng, sưởi ấm lại thị trường phim Việt.

“Tro tàn rực rỡ” xứng đáng để khán giả mua vé ra rạp thưởng thức, ủng hộ những nhà làm phim chỉn chu và nghiêm túc trong tư duy và sản xuất.

Nguồn: [Link nguồn]

Trấn Thành ở rể, mê nhậu trong “Nhà bà Nữ”

Phim chiếu Tết “Nhà bà Nữ” vừa tung trailer chính thức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trai Úc ([Tên nguồn])
Review phim hot Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN