Những chuyện kinh dị trong ngôi nhà của Frank Labadie

Tọa lạc tại ngoại ô thị trấn Bartlesville, bang Oklahoma, Mỹ, trên một diện tích rộng 10 hecta, ngôi nhà của Frank Labadie được Tạp chí du lịch Best Travel gọi là “ngôi nhà ma nổi tiếng nhất thế giới”, mỗi năm thu hút hàng chục nghìn du khách nhưng chưa có ai dám ngủ qua đêm ở nơi này…

Lịch sử nhà Frank Labadie

Năm 1865, Tu chính án thứ 13 được Quốc hội Mỹ thông qua, nội dung khẳng định tất cả mọi nô lệ da đen đều được tự do, kể cả những người sống tại các bang ly khai nhưng mãi đến năm 1886, Frank Labadie, chủ buôn nô lệ ở thành phố Pittsburg, bang Oklahoma vẫn chẳng hề hé môi về chuyện này.

Và thay vì giải phóng cho hơn 200 người da đen đang làm việc trong nông trại của mình theo đúng tinh thần của Tu chính án, Labadie vẫn cầm giữ họ. Chỉ đến khi tin tức từ miền Bắc lan xuống rồi tiếp theo, nhiều vụ nổi dậy của nô lệ da đen ở miền Nam nổ ra, đòi quyền làm người thì Labadie mới vội vã bán tống bán tháo tất cả cho một chủ nông trại khác, chỉ giữ lại người đầu bếp Enos Parson.

Tiếp theo, Labadie và vợ là Samantha dẫn Enos về ngoại ô thị trấn Bartlesville, cũng nằm trong bang Oklahoma, nơi ông ta mua một khoảnh đất rừng rộng hơn 10 mẫu.

Ngôi nhà ma Labadie hiện nay.

Ngôi nhà ma Labadie hiện nay.

Tại nơi ở mới, Labadie thuê người xây dựng cơ ngơi. Đến năm 1889, một căn nhà khang trang mọc lên. Cũng như hầu hết những kiến trúc của giới trung lưu da trắng hồi ấy, nhà Labadie gồm 2 tầng bằng gạch nung đỏ. Bên trong, ngoài phòng khách, phòng ăn, nhà bếp thì còn có 6 phòng ngủ.  Hàng xóm láng giềng cho biết vợ chồng Labadie hầu như chẳng hề giao tiếp với ai.

Mỗi tháng đôi lần, họ chỉ nhìn thấy Labadie cùng vợ đánh xe ngựa ra thị trấn mua sắm những loại lương thực cần thiết. Khi Labadie bán bớt những cây tùng cổ thụ nằm trong phần đất của mình cho một nhà buôn gỗ, nhà buôn này cũng chỉ gặp ông ta lúc trao đổi về tiền nong.

Ngay cả mùa mưa năm 1891, nước sông dâng lên, dẫn đến nguy cơ ngập lụt cả vùng Bartlesville, một người hàng xóm tốt bụng phi ngựa đến thông báo cho Baladie biết thì ông ta chỉ đứng trên lầu nói chõ xuống: “Mặc xác vợ chồng tao”.

 Khuya ngày 24-6-1893, sau khi cãi nhau với vợ - lúc này đang mang thai đứa con đầu lòng - Labadie cầm súng xông vào phòng ngủ của người đầu bếp da đen Enos rồi bắn chết ông này vì nghi ngờ vợ mình ngoại tình, bào thai trong bụng Samantha là con của Enos.

Hại Enos xong, Labadie đào hố chôn xác nạn nhân ngay trong nhà bếp. Hơn 1 tuần sau, trong một lần đánh xe ra thị trấn mua lương thực, Labadie phao tin với những người hàng xóm rằng gã nô lệ da đen đã bỏ trốn. Thời điểm ấy, những người Mỹ da trắng sống ở miền Nam - trong đó có bang Oklahoma - vẫn chủ trương phân biệt chủng tộc. Họ liên tục tổ chức những vụ hành hình người da đen mà không cần phải xét xử nên cái tin Enos bỏ trốn chẳng làm họ bận tâm.

Chưa hết, khi Samantha sinh con, mặc dù đứa bé là da trắng nhưng Labadie vẫn dìm chết nó ở lạch nước gần nhà rồi lấy bùn lấp kín thi thể đứa bé. Hàng xóm thắc mắc vì sao bà Samantha mãi không khai hoa nở nhụy thì Labadie giải thích vợ mình hư thai.

Vất vưởng những oan hồn

Ngược dòng thời gian, năm 1812, khi phong trào tìm vàng bắt đấu diễn ra ở nước Mỹ thì một nhóm di dân đến Bartlesville với ước mơ đổi đời.

Cầm đầu nhóm này là Anderson, một cựu lính kỵ binh trong nội chiến Mỹ. Tại Bartlesville, họ đào thấy một mạch vàng và khi đang khai thác, người da đỏ bộ tộc Cherokee xuất hiện.

Theo các cử chỉ ra dấu bằng tay của tộc trưởng Cherokee, biệt danh “Mắt đại bàng”, vùng đất này thuộc quyền cai quản của bộ tộc, người da trắng không được xâm phạm.

Người đào vàng ở nước Mỹ hồi đầu thế kỷ 19.

Người đào vàng ở nước Mỹ hồi đầu thế kỷ 19.

Trước món lợi quá lớn bởi lẽ trung bình cứ 5m3 đất đào lên rồi sàng đãi, nhóm của Anderson thu được khoảng 1 once vàng nên ông ta phớt lờ những cảnh báo của vị tộc trưởng.

Chẳng những thế, họ còn tổ chức săn loài bò rừng Bison để lấy thịt trong khi với người Cherokee, bò Bison là con vật linh thiêng, tượng trưng cho sự tự do. Đỉnh điểm của vụ xung đột là một lần đi săn, nhóm của Anderson bắn chết 3 người da đỏ, trong đó có Atosee, con trai tộc trưởng, khi những thổ dân này cưỡi ngựa, la hét nhằm xua đuổi đàn bò Bison bỏ chạy. 

Để trả đũa, sau nhiều ngày bí mật phục kích, “Mắt đại bàng” bắt được một thành viên trong nhóm đào vàng là Awe Stone lúc ông ta đi thăm bẫy.

Tiếp theo, người Cherokee tổ chức nghi lễ lột da đầu Awe Stone rồi đến nửa đêm, họ vứt cái sọ bầy nhầy máu ngay trước cửa lều Anderson như một dấu hiệu cho biết nếu không ra đi, số phận của tất cả rồi cũng sẽ như vậy.

Quyết không chịu thua, mờ sáng ngày 27-12-1813, Anderson cùng 24 thợ đào vàng vũ trang súng trường bất ngờ tập kích vào làng Cherokee. Trước đó, họ đã lặng lẽ cắt dây buộc những con ngựa để người Cherokee không còn phương tiện chạy trốn.

Do vẫn đang trong giấc ngủ, vũ khí chỉ có cung tên, dao, búa, gần 140 người Cherokee - phần lớn là đàn bà, trẻ con, bị giết (lịch sử gọi đây là vụ thảm sát Atosee). Nhóm tìm vàng bắt được “Mắt đại bàng”, đưa ông này về nơi dựng trại rồi tổ chức “tế sống”. Chính tay Anderson cầm dao lột da đầu tộc trưởng bộ tộc Cherokee như người Cherokee đã làm với thợ đào vàng Awe Stone.

Và ngay tại nơi “Mắt đại bàng” bị lột da đầu lại là nơi mà 74 năm sau, Frank Labadie xây dựng ngôi nhà của mình!

Biệt thự đen

Sau khi giết chết nô lệ da đen Enos và đứa con sơ sinh, Labadie cùng vợ vẫn sống bình thường như không hề có chuyện gì xảy ra. Hàng xóm láng giềng lại càng ít gặp họ hơn ngoại trừ những lần Labadie đánh xe đi mua lương thực. Lễ Giáng sinh hay tết dương lịch, thị trấn Bartlesville tổ chức hội hè cũng chẳng bao giờ có mặt vợ chồng Labadie.

Đêm nào cũng vậy, ngoài ánh đèn leo lét hắt ra từ một căn phòng trên lầu, cả ngôi nhà của Labadie chìm trong bóng tối, đến nỗi hàng xóm đặt cho nó cái tên “biệt thự đen”.

Tranh vẽ mô tả nhóm đào vàng tấn công làng Cherokee.

Tranh vẽ mô tả nhóm đào vàng tấn công làng Cherokee.

Tháng 6-1935, sau nhiều ngày không thấy Labadie xuất hiện, lại thêm mùi hôi thối bốc ra theo chiều gió, một số người tò mò đến nhà ông ta thì thấy Labadie nằm chết dưới sàn, đầu vỡ toác, tay còn cầm khẩu súng ngắn. Cạnh đó, trên giường là xác bà Samantha, cũng bị một phát đạn vào đầu.

Cả hai tử thi đang trong giai đoạn phân hủy. Kết luận điều tra của cảnh sát cho thấy Labadie bắn vợ rồi tự sát.

Tim Cranker, người hàng xóm và cũng là nhân chứng có mặt trong cuộc khám nghiệm hiện trường kể lại với phóng viên Alex Sander của tờ Tin tức Oklahoma: “Hầu như toàn bộ các phòng trong ngôi nhà đều ẩm mốc vì Labadie không bao giờ mở cửa sổ cho ánh nắng tràn vào. Ở căn bếp, thực phẩm của vợ chồng ông ta chỉ có bột mì, đậu răng ngựa, thịt bò sấy cùng vài quả bí đỏ.  Phía sau nhà, Labadie trồng vài luống cà chua, cải bắp. Ngoài ra không hề thấy gà hay ngỗng, là những loại gia cầm mà các nhà hàng xóm ai nấy đều nuôi…”.

Khoảng nửa năm kể từ lúc vợ chồng Labadie chết, em ruột ông ta là Tom Labadie từ bang Wyoming đến nhận thừa kế. Ngay đêm đầu tiên, Tom nghe có tiếng chân bước đi, tiếng kêu khóc, tiếng la hét và cả tiếng súng. Nghĩ rằng mình bị hoang tưởng bởi cái chết của vợ chồng người anh, đồng thời mệt mỏi sau chuyến đi dài nên Tom không để ý.

Tuy nhiên những đêm tiếp theo, hiện tượng này vẫn lặp lại khiến Tom phải xách hành lý ra thị trấn Bartlesville thuê khách sạn. Giải thích với những người hàng xóm, Tom chỉ nói nhà của anh mình không đủ tiện nghi, hơn nữa anh ta lại không quen nấu nướng thức ăn nên ra ngoài ở cho tiện!

Vài tuần sau, Tom rao bán căn nhà cùng thửa đất. Có vài người đến xem nhưng tất cả đều cho rằng nó quá u ám vì xung quanh nhà có khá nhiều cây to.

Để có thể bán được, Tom quyết định thuê người chặt bỏ nhưng khi tiến hành cưa những cây tùng cổ thụ, một thợ cưa bị cây đổ đè chết. Chưa hết, lúc người thợ cả của nhóm trang trí nội thất tìm Tom để hỏi ý kiến về màu sắc của các bức tường trong phòng khách thì thấy anh ta nằm sấp mặt xuống con lạch sau nhà. Kéo Tom lên thì anh ta đã chết nhưng điều kinh dị nhất là ngay dưới con lạch chỗ Tom ngã xuống, có một bộ xương bé tí đã phân hủy. Theo các chuyên gia pháp y, đó là xương của trẻ sơ sinh.

Chiếc áo khoác của Labadie treo trên tường (phóng viên Sander chụp năm 1951).

Chiếc áo khoác của Labadie treo trên tường (phóng viên Sander chụp năm 1951).

Việc phát hiện bộ xương đã làm dấy lên nhiều thắc mắc về chuyện bà Samantha có bầu mà không đẻ cùng sự biến mất của Enos, nô lệ da đen. Tiến hành đào bới những nơi nghi ngờ, cảnh sát tìm thấy một bộ xương nữa, chôn ngay dưới nền nhà bếp. Cái vòng bằng đồng có khắc tên đeo trên cổ tay của bộ xương cho biết đó là Enos nhưng vì vợ chồng Baladie đều đã chết nên hồ sơ vụ việc được khép lại.

Từ đó, ngôi nhà bị bỏ hoang rồi xuống cấp theo thời gian. Những người hàng xóm cho biết nhiều đêm, họ nhìn thấy ánh đèn trong ngôi nhà này cùng những tiếng kêu khóc. Có người còn khẳng định đã gặp Baladie đi lang thang quanh nhà trong một tối sáng trăng. Tin đồn dai dẳng kéo dài suốt nhiều năm đã kích thích trí tò mò của Alex Sander, phóng viên tờ Tin tức Oklahoma.

Ngày 3-9-1951, Sander khoác ba lô tìm đến ngôi nhà. Đêm ấy anh ta ngủ lại mà không gặp chuyện gì nhưng tới sáng, lúc xuống căn phòng xưa kia Baladie dùng làm phòng ăn, Sander thấy trên mặt chiếc bàn cũ nát là một tách cà phê uống dở, vẫn còn nóng bốc khói.

Cạnh đó là một cái lọ bằng thủy tinh đựng cà phê bột, có in nhãn của cửa hàng Dixie&Sons, sản xuất từ năm 1935 và một lọ đường! Hết sức kinh ngạc, Sander vội vã chạy lên lầu nơi anh ta đã ngủ, định lấy máy chụp ảnh nhưng khi vừa bước vào phòng, Sander thấy trên tường có một cái móc, treo chiếc áo khoác sờn rách mặc dù cả đêm hôm qua chẳng hề có những thứ ấy.

Tất cả hàng xóm đều xác nhận đó chính là áo của Baladie vì từ khi xây xong căn nhà cho đến khi chết, mỗi lần đi mua lương thực Baladie chỉ mặc duy nhất chiếc áo này. Tim Cranker, người hàng xóm và là nhân chứng có mặt tại cuộc khám nghiệm hiện trường khẳng định hôm phát hiện vợ chồng Labadie chết, trong số những y phục của ông ta, không có chiếc áo khoác. Kết quả kiểm nghiệm cũng cho thấy cà phê được làm từ hơn 15 năm trước, đã bay hết mùi còn đường thì bị vón cục.

Sau chuyện ấy, phóng viên Sander phải đến gặp bác sĩ và phải điều trị chứng rối loạn tâm lý, còn “ngôi nhà ma” thì tận ngày nay, nó là điểm thu hút rất đông khách du lịch nhưng chưa hề có ai dám ngủ lại.

Trong bài báo đăng trên tờ Tin tức Oklahoma nói về lịch sử của ngôi nhà, Sander viết: “Lâu nay các nhà khoa học đều cho rằng “không có ma” nhưng lại không lý giải được những hiện tượng huyền bí, dị thường, xảy ra trong cuộc sống. Một trong những dị thường ấy là ngôi nhà của Frank Labadie …”

Điều kinh dị bên trong “ngôi nhà ma ám”

Câu chuyện con búp bê kỳ lạ tự di chuyển trong “ngôi nhà ma ám” ở số 30 East Drive, thị trấn Pontefract nước Anh khiến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Cao ([Tên nguồn])
Những địa điểm du lịch ma quái Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN