Một năm buồn của di tích

Di tích bị xâm hại, biến dạng qua trùng tu, dân trả lại di tích vì cảm thấy ngạt thở, công trình chờ trùng tu phải gửi “tối hậu thư”… đó là những chuyện buồn của di tích năm 2013.

Làm thế nào để câu chuyện này không còn lặp lại trong các năm tiếp theo là một vấn đề cần được nghiên cứu kỹ.

Coi thường Luật Di sản

Di tích lịch sử văn hóa là tài sản vô giá trong kho tàng di sản lâu đời của dân tộc ta. Nhưng tiếc thay, những năm gần đây, việc trùng tu bảo tồn và phát huy những di tích ấy đã không được chú trọng từ các nhà quản lý cho đến ý thức của một số người dân. Danh sách những di tích bị xâm hại, biến dạng đang kéo dài ra mỗi ngày như thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh); di tích Nghinh Lương đình ven sông Hương, thuộc quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên -Huế); suối Khe Thẻ tại di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam); Làng cổ Đường Lâm, chùa Một Cột bị xuống cấp nghiêm trọng chùa Chân Long, xã Chàng Sơn, Thạch Thất (Hà Nội)… đều đang bị xâm hại hoặc biến dạng bởi sự vô ý thức và những tham lợi từ đồng tiền.

Đầu tháng 4/2013, dư luận cả nước, đặc biệt là người dân Quảng Nam và khách du lịch xôn xao về việc đoạn suối Khe Thẻ chảy qua khi di tích Mỹ Sơn, Quảng Nam bị băm xé, bê tông hóa bằng khu bờ kè cao khoảng 1,2m, tạo nên dòng suối bê tông giống như cống thoát nước giữa đô thị rộng khoảng 5-7m. Gần 120m bờ kè bê tông dọc suối uốn lượn như quái vật bò ngang trước mặt các đền tháp Chăm cổ kính.

Một năm buồn của di tích - 1

Người dân Đường Lâm đòi trả lại danh hiệu di tích quốc gia cho Nhà nước

Điều đáng nói là trong mấy tháng di tích bị cày xới như chiến trường và ngổn ngang bê tông, gạch vữa, lòng suối cổ tan hoang giữa đống đất đá nham nhở đó, nhưng chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng như cơ quan chủ quản là Sở VHTTDL, Bộ VHTTDL, đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam vẫn không hề hay biết. Mặc dù sau đó con suối cổ Khe Thẻ đã được dỡ bỏ những phần bê tông hóa, được đắp cỏ trở lại. Tuy nhiên, có một sự thật buộc phải chấp nhận là cho dù đất có được đắp trả lại, thì tầng văn hóa - mối dây liên kết giữa hiện tại với quá khứ tại Khu di tích Mỹ Sơn đã không còn. Dự án đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Di sản văn hóa cũng như Công ước Bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới của UNESCO.

Hay như sự việc gây náo loạn tại chùa Chân Long, xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội. Vào đầu tháng 11.2013, hàng nghìn người dân trong xã Chàng Sơn đã tập trung phản ánh sự bức xúc với sư thầy Thích Minh Phượng trụ trì tại chùa Chân Long (Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội) vi phạm Luật Di sản văn hóa, bỏ tượng cổ, đưa tượng mới vào chùa.

Khi sự việc bị phát hiện, chính quyền xã đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với nhân dân địa phương và các lực lượng chức năng cũng như nhà chùa buộc ông Phượng phải đưa việc thờ tự trở về với trật tự vốn có trước đó, đồng thời phải di dời những đồ mới ra khỏi chùa. Khi sự việc này chưa kịp lắng xuống thì người dân đã tiếp tục phát hiện trong quá trình đưa đồ mới, chuyển đồ cũ, pho tượng Vua cha Ngọc Hoàng cổ có niên đại hàng trăm năm ở đây đã không cánh mà bay. Trước sức ép của dư luận, sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, sư chùa Thích Minh Phượng thông báo rằng trong quá trình di chuyển pho tượng bằng đất sét đã bị hỏng nên đã đem tượng xuống tắm sông Tây Ninh cho mát mẻ.

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Tháng 9/2013, dư luận bất ngờ với việc gần 80 người dân Làng cổ Đường Lâm đã ký vào một lá đơn thống thiết, gửi lên UBND TP.Hà Nội, Bộ VHTTDL để xin… trả lại danh hiệu di tích quốc gia cho Nhà nước. Năm 2005, Đường Lâm chính thức được công nhận là di tích cấp quốc gia. Làng cổ Đường Lâm là một quần thể di tích có mật độ dày đặc với 50 di tích có giá trị, trong đó nhiều di tích đã được Nhà nước xếp hạng gồm 7 di tích cấp quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, ở đây còn lưu giữ được 37 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt có niên đại từ 200-400 năm, 74 ngôi nhà cổ loại 1.

TS Nguyễn Văn Huy- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa: "Để tránh tình trạng di tích bị xâm hại nhiều, cần phải thay đổi nhận thức từ trên xuống dưới, từ những cấp quản lý cao nhất, chứ không chỉ riêng với người dân. Đồng thời, chúng ta cần giảm bớt thủ tục hành chính phức tạp trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích, nhất là những di tích “sống” để kịp thời cứu chữa trước khi quá muộn”.

Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi các hộ dân ở đây nhận thấy rằng, việc họ có nhu cầu xây dựng lại nhà cửa để cải thiện cuộc sống bởi số người sinh sôi nảy nở của các hộ gia đình được nhân lên thì thủ tục quá rườm rà. Nhiều người có tiền cũng không thể xây nhà nên đành cam chịu cuộc sống chật hẹp trong những ngôi nhà xuống cấp. Ngoài ra do Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm chưa công khai minh bạch số tiền thu được từ việc bán vé cho khách du lịch vào tham quan làng cổ, cũng như chưa rõ ràng số tiền bán vé.

Các hộ dân cũng bức xúc bởi khi có người thân về thăm người ốm, về thăm quê, đi lễ chùa Mía cũng phải mua vé.Có thể nói, việc lấn chiếm, xâm hại các khu di tích trên cả nước đều là do nhận thức về giá trị lịch sử - văn hóa của dân tộc ở không ít người còn thấp. Họ chỉ quan tâm đến cái lợi trước mắt mà sẵn sàng xâm hại các khu di tích. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng chưa thực sự quan tâm, chăm lo đến việc giữ gìn, bảo tồn di tích; lơ là trong giáo dục, tuyên truyền cho người dân hiểu về ý nghĩa, giá trị của các di tích. Việc bảo vệ, quản lý di tích cũng làm qua loa, lỏng lẻo, chưa sát sao, không kịp thời nắm bắt những vụ việc xâm hại di tích, mà thường sự việc vi phạm đã xảy ra rồi, được người dân, báo chí đưa tin gây xôn xao dư luận mới biết. Vì vậy mà câu chuyện "mất bò mới lo làm chuồng" trong quản lý di tích vẫn là câu chuyện muôn thuở không biết bao giờ mới được chấm dứt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hà (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN