Lễ 30/4, ghé thăm các bảo tàng đậm dấu ấn lịch sử ở TP.HCM

Dịp lễ 30/4, các bảo tàng in đậm dấu ấn lịch sử tại TP.HCM cũng là những điểm thu hút du khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu.

Bảo tàng TP.HCM

Bảo tàng TP.HCM tại số 5 Lý Tự Trọng, Quận 1 là nơi tái hiện Sài Gòn xưa trong lòng TP.HCM hiện đại, nghĩa tình. Nơi này, bạn đọc sẽ có cái nhìn tổng quan nhất về lịch sử hình thành, phát triển cũng như các cuộc đấu tranh anh dũng dành độc lập, thống nhất đất nước.

Lễ 30/4, ghé thăm các bảo tàng đậm dấu ấn lịch sử ở TP.HCM - 1

Tòa nhà có tuổi đời hơn thế kỷ (khởi công 1885), là chứng nhân lịch sử với bao thăng trầm thời cuộc. Công trình kiến trúc 2 tầng, diện tích 1.700m2 mang đậm dấu ấn thời phục hưng cùng các thức cột ionic điểm nhấn mặt tiền công trình. Bảo tàng gồm 9 không gian trưng bày chuyên đề cố định, mỗi không gian là một câu chuyện xuyên suốt tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn - TP.HCM.

Lễ 30/4, ghé thăm các bảo tàng đậm dấu ấn lịch sử ở TP.HCM - 2

Tại đây còn có các bản đồ cổ về lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển thành phố. Đặc biệt, không gian “Văn hóa Sài Gòn - TP.HCM” cho thấy sự phong phú, đa dạng về văn hóa - nét đặc thù của mảnh đất phương Nam. Nơi đây trưng bày những nét văn hóa tiêu biểu của các dân tộc: Việt, Chăm, Hoa, Khmer và sự hợp lưu văn hóa làm nên vùng đất Sài Gòn.

Lễ 30/4, ghé thăm các bảo tàng đậm dấu ấn lịch sử ở TP.HCM - 3

Trong cuốn sổ lưu niệm tại bảo tàng, du khách Micheal, quốc tịch Mỹ, lưu bút: “Cảm ơn nhân dân Việt Nam về chuyến du lịch văn hóa - lịch sử đầy ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Đặc biệt hơn khi dạo bước tham quan tìm hiểu về cuộc sống nơi này qua di sản kiến trúc cổ mà còn là một phần lịch sử đầy tự hào của đô thị Sài Gòn - TP.HCM. Tôi sẽ không bao giờ quên lòng tốt và sự hiếu khách của các bạn khi chọn Sài Gòn là điểm đến đầu tiên trong hành trình du lịch Việt Nam”.

Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh

Để hiểu rõ hơn về TP.HCM, mời bạn đọc tiếp tục ghé thăm Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh tọa lạc số 2 đường Lê Duẩn, Q. 1.

Lễ 30/4, ghé thăm các bảo tàng đậm dấu ấn lịch sử ở TP.HCM - 4

Nơi này trước 1975 là trường Cao đẳng Quốc phòng; đến năm 1986 chính thức thành lập Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, kể từ đó, nơi đây trở thành phòng trưng bày chuyên đề về Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Hiện nay, bảo tàng gồm 2 phân khu trưng bày: Khu ngoài trời trưng bày bộ sưu tập pháo phòng không của các đơn vị tham gia trong Chiến dịch và bộ sưu tập xe quân sự, tượng đài chiến thắng 30/4. Khu trong nhà trưng bày hàng trăm hiện vật gốc, ảnh tài liệu và tài liệu khoa học.

Lễ 30/4, ghé thăm các bảo tàng đậm dấu ấn lịch sử ở TP.HCM - 5

Không gian trưng bày đầu tiên khi bước vào là hệ thống sa bàn điện tử, kết hợp với tivi màn hình lớn đặt ngay ở phòng trưng bày chính, tái hiện lại toàn bộ chiến dịch bằng tiếng Việt, Anh, Pháp…

Đặc biệt, tại Bảo tàng còn trưng bày hai bảo vật quốc gia, đó là sổ trực ban tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh do các sĩ quan làm nhiệm vụ trực ban tác chiến của Bộ Chỉ huy Tiền phương Chiến dịch tại Căm Xe, tỉnh Bình Dương và Tấm bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh” (phục chế) do Phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam sử dụng từ ngày 15/4 đến ngày 21/4/1975 tại Sở Chỉ huy Chiến dịch HCM ở Tà Thiết, Lộc Ninh, Bình Phước.

Lễ 30/4, ghé thăm các bảo tàng đậm dấu ấn lịch sử ở TP.HCM - 6

Sổ lưu niệm phản hồi thông tin du khách ghé thăm đôi khi chỉ là những dòng chữ mộc mạc ngắn gọn của các em học sinh, sinh viên: Em rất thích vào xem những hiện vật trưng bày trong bảo tàng, vì đây đa phần là những hiện vật cá nhân của các chiến sĩ; các di vật đã gợi lên nhiều mạch cảm xúc cùng với nhiều câu chuyện kể khác nhau. Ngoài ra, bảo tàng không thu tiền vé, chắc chắn bọn em sẽ quay lại đây tham quan, tìm hiểu nhiều lần nữa.

Dinh Độc Lập (Dinh Norodom, Hội trường Thống Nhất)

Điểm tiếp theo của hành trình là di tích Quốc gia đặc biệt Dinh Độc Lập, Tọa lạc tại trung tâm thành phố và cùng nằm trên trục đường Lê Duẩn. Trước kia là nơi ở và làm việc của các vị Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, nơi đã chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử, đặc biệt là sự kiện thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Lễ 30/4, ghé thăm các bảo tàng đậm dấu ấn lịch sử ở TP.HCM - 7

Du khách đến thăm rất ấn tượng khi tham quan khu trưng bày các chuyên đề, cũng như dạo bước dưới những tán cây cổ thụ, thỏa thích ngắm nhìn kiến trúc tòa nhà và cảnh quan bao quanh. Anh Edgar, quốc tịch Anh cho biết, tôi chỉ biết “wow” một cách thích thú trước vẻ đẹp sang trọng và hiện đại thấp thoáng dưới “rừng cây” cổ thụ lâu năm xanh mát nơi này.

Lễ 30/4, ghé thăm các bảo tàng đậm dấu ấn lịch sử ở TP.HCM - 8

“Là người thích đi bộ vãn cảnh thì nơi này rất phù hợp với tôi, tôi đã dạo bước cả buổi chiều chỉ để nhìn ngắm nhìn những dấu tích năm xưa qua các phòng ốc, khu trưng bày, các hiện vật còn được lưu giữ và bảo tồn rất tốt tại đây. Tôi thích nơi này, tôi yêu các bạn Việt Nam cũng như tinh thần quả cảm của các bạn”, Edgar chia sẻ.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Cách Dinh Độc lập chỉ vài khúc quanh, tọa lạc tại số 28 Võ Văn Tần, P.Võ Thị Sáu Q. 3, bảo tàng Chứng tích chiến tranh - Công trình hiện đại trong khuôn viên 5.400m2 gồm: Nhà trưng bày 3 tầng cùng các công trình phụ trợ với diện tích trưng bày ngoài trời 3.026m2.

Lễ 30/4, ghé thăm các bảo tàng đậm dấu ấn lịch sử ở TP.HCM - 9

Bảo tàng hiện lưu giữ 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trưng bày qua 8 chuyên đề thường xuyên. Tại sân bảo tàng còn trưng bày bộ sưu tập khí tài hạng nặng như chiến xa, xe tăng, máy bay, các khẩu đại pháo...

Được mệnh danh là "bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á", bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một trong những điểm đến hấp dẫn ở TP.HCM, thu hút lượng khách tham quan đông đảo, đặc biệt là với du khách quốc tế.

Khi hỏi về cảm xúc khi đến với bảo tàng đa phần du khách điều có ấn tượng mạnh mẽ qua không gian trưng bày yên tĩnh, sâu sắc.

Lễ 30/4, ghé thăm các bảo tàng đậm dấu ấn lịch sử ở TP.HCM - 10

“Tôi đã có những chuyến tham quan tuy ngắn nhưng thật sự xúc cảm khi đến thăm nơi này. Chiến tranh thật khủng khiếp, tôi đã vô cùng xúc động trước những gì còn lưu lại nơi này, những hiện vật, hình ảnh của cuộc chiến để lại ấn tượng với dòng cảm xúc chân thật, khó quên. Qua đó, người xem càng thêm yêu quí và biết ơn cuộc sống nhiều hơn, trân quý hòa bình nhiều hơn”, chị Natasa du khách Nga xúc động chia sẻ.

Bên cạnh các bảo tang ở trung tâm thành phố, tại vùng ngoại ô còn có các tuyến điểm di tích khác như Khu căn cứ Rừng Sác – Cần Giờ, Địa đạo Củ Chi, Di tích 18 thôn Vườn Trầu – Ngã ba Giồng và Khu di tích Láng Le – Bàu Cò, mục sở thị Cuộc tổng tiến công Mậu Thân được tái hiện lại sinh động và trực quan để hiểu rõ và thêm yêu mảnh đất thân thương, anh dũng ông cha ta thuở trước đã dày công gầy dựng và gìn giữ.

Nguồn: [Link nguồn]

Đến di tích kháng chiến nghe tiếng vọng của lịch sử

Đến tham quan những di tích lịch sử kháng chiến tại TP.HCM, du khách sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, những sự tích có thật ở đây đã vượt quá sức tưởng tượng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhạn Dung - Hữu Long ([Tên nguồn])
Địa điểm du lịch hot 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN