Lặng nhìn cuộc sống lam lũ tại khu ổ chuột lớn nhất thế giới
Khi tôi nói với hướng dẫn viên rằng mình muốn thâm nhập sâu vào các khu ổ chuột, sắc mặt anh có chút ngỡ ngàng và căng thẳng. Người hướng dẫn luôn miệng bảo ở đó không an toàn, có thể xảy ra cướp giật và những rủi ro khác. Tôi hoàn toàn hiểu sự cẩn trọng đó của anh nhưng khi ấy, tôi lại mong muốn một lần vượt ra khỏi vòng an toàn.
Ngày đầu tiên, khi ngồi bên trong chiếc xe đang trên đường đến điểm tham quan là một ngôi đền nổi tiếng, tôi bất ngờ nhìn thấy một khu ổ chuột lụp xụp với các căn nhà gối lên nhau như bậc thang. Tôi liền nói anh bạn hướng dẫn dừng xe để đi bộ vào đó. Nghe thế, người hướng dẫn thực sự căng thẳng và lo lắng, nhưng trước sự quyết liệt của tôi thì cuối cùng, anh ấy cũng phải đồng ý cho cả nhóm vào "tham quan".
Khu dân cư lụp xụp với các mái nhà gối lên nhau tại một khu ổ chuột ở Ấn Độ.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là những dãy nhà tồi tàn, những hàng quán dựng lên san sát nhau. Khi nhóm chúng tôi đi vào, cả khu xóm liền xôn xao, như thể họ chưa bao giờ nhìn thấy du khách nào đến đây. Mỗi bước chân đi là trăm ánh mắt dò xét dõi theo từng chút một.
Nhiều ngôi nhà tồi tàn, tạm bợ "nương tựa" vào nhau hai bên con hẻm nhỏ.
Những ánh mắt hiếu kỳ không ngừng dõi theo chúng tôi.
Càng vào sâu thì càng hẹp và tối tăm. Những con hẻm chỉ rộng khoảng 1 mét đến nửa mét. Nhà cửa hai bên nứt toác, được chống đỡ bằng hệ thống khung sắt hết sức nguy hiểm. Ánh mặt trời phải chật vật lắm mới len lỏi xuống được đây. Người dân giặt đồ, nấu ăn, tắm rửa hay vui chơi đều diễn ra ngay trước cửa nhà.
Họ thực sự bất ngờ khi thấy người lạ. Chúng tôi cố gắng cười thật tươi, vẫy tay chào tạo sự thân thiện nhất có thể để họ an tâm. Trong khi đàn ông nhìn rất dè chừng thì phụ nữ lại có thân thiện và vui vẻ hơn. Một cụ bà đang giặt đồ nhìn thấy chúng tôi cứ cười mãi không thôi. Mấy bé gái xung quanh thì thập thò bẽn lẽn suốt. Chúng cứ nấp trong nhà, rồi khi không thể kìm nén được sự tò mò nữa lại lén lút nhìn theo chúng tôi từ đằng sau. Những đứa trẻ hồn nhiên khác lại khoái chí mà cười toe toét. Sau chừng 10 phút, không khí bớt ngột ngạt hơn, chúng tôi cũng dần thoải mái mà chụp ảnh.
Cụ bà đang giặt giũ quần áo liền tươi cười khi bắt gặp đoàn chúng tôi trong hẻm.
Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt những đứa trẻ ngây thơ khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng.
Bất thình lình xuất hiện một người đàn ông lớn tuổi, tỏ vẻ cực kỳ bực dọc. Ông ta yêu cầu những người dân khác không cho chụp ảnh, rồi bắt nhóm chúng tôi phải rời khỏi đó ngay và không ngừng giám sát chặt chẽ từng nhất cử nhất động của nhóm. Qua những thông tin trao đổi, tôi biết được người đàn ông này là tổ trưởng dân phố. Bất cứ đâu cũng có phép tắc riêng của nó, chúng tôi hiểu và tôn trọng điều đó nên cả nhóm từ từ rút lui. Trước khi rời đi, chúng tôi vẫn không quên vẫy chào mọi người.
Sau chuyến tham quan đầy ngẫu hứng, chúng tôi "được đà lấn tới", tiếp tục đề nghị anh bạn hướng dẫn đưa đến khu ổ chuột lớn nhất thế giới và cũng nổi tiếng nguy hiểm nhất - Dhavari.
Theo tôi được biết, nơi đó vẫn thu hút nhiều du khách ghé thăm, nhưng phần lớn họ chỉ đi dạo phía bên ngoài. Lần này, tôi muốn xâm nhập thật sâu vào bên trong để tận mắt quan sát nhiều thứ "không thể". "Làm thế nào mà hơn 1 triệu con người có thể sinh sống trong diện tích chỉ 2,1 km2?" - tôi muốn có câu trả lời cho thắc mắc ấy của mình.
Phần lớn du khách đều biết đến Dhavari, nhưng đa phần chỉ là "bề nổi". Rất ít người dám đi sâu vào bên trong để khám phá cuộc sống ở nơi ấy.
Khác với sự nhượng bộ trước đó, lần này, người hướng dẫn của nhóm chúng tôi dứt khoát không đồng ý, bởi theo anh nó quá nguy hiểm, ngay cả dân địa phương cũng chưa bao giờ dám đi sâu vào trong. Có lẽ khi ấy, khao khát dấn thân vào Dhavari trong tôi quá lớn, đến nỗi lấn át cả nỗi sợ về một thứ rủi ro nào đó có thể sẽ xảy đến, tôi cứ nhất quyết phải đi, khiến không khí đôi bên khá căng thẳng.
Sau một hồi không tìm được tiếng nói chung, tôi quyết định tự tìm một người dân sống ở đó và nhờ anh ta dẫn đi, nhưng anh ấy cũng nằng nặc từ chối. Tôi bèn nhờ người hướng dẫn giúp thuyết phục nhưng cũng không được gì. Bẵng một lúc, anh chàng mới nói sẽ giới thiệu cho tôi một người "máu mặt" ở đó để dẫn tôi đi.
Vậy là sau nhiều cuộc điện thoại, lên xe chạy lòng vòng và chờ đợi thì khoảng 30 phút sau, một cuộc gặp gỡ đã diễn ra. Một anh chàng cao to đùng đùng xuất hiện, giới thiệu mình tên là Rohit (tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu của anh). Vốn dĩ, đây là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong gia đình anh. Cha và ông ngoại của anh đều là những nhân vật "khét tiếng" ở chốn này.
Rohit nói thêm với chúng tôi rằng ở đây không thể nào tự đi được, vì nó là một "mê cung" khổng lồ, đầy nguy hiểm. Theo chân Rohit, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá khu ổ chuột lớn nhất thế giới. Anh bạn hướng dẫn không đi theo đoàn khiến cả nhóm có chút lo ngại.
Theo Rohit chia sẻ, bên trong Dhavari như một mê cung đầy rẫy những rủi ro rình rập.
Đầu tiên, Rohit dẫn chúng tôi đi tham quan khu tái chế rác thải nhựa. Đây là nơi thu thập hàng nghìn tấn phế liệu ô tô để tái tạo thành những sản phẩm hoàn chỉnh khác rồi đem bán trở lại thị trường. Vẫn là những con hẻm chật chội và tối tăm, mặt đất bị xới tung, nhà cửa thì chắp vá và đổ nát. Những gương mặt đen đúa nhễ nhại mồ hôi, đôi mắt thất thần mệt mỏi, xen lẫn ngờ vực nhìn vào những kẻ xâm nhập lạ lẫm.
Người phụ nữ lấy tay che mặt khi thấy chúng tôi chụp hình.
Họ liên tục dò xét khi thấy những vị khách xa lạ.
Mọi người thì thầm với Rohit nhưng tôi đoán chắc họ đang dò hỏi xem chúng tôi từ đâu đến. Dường như tất cả họ đều biết Rohit và thể hiện một sự e dè lẫn tôn trọng anh ấy. Rohit "bật đèn xanh", nói chúng tôi cứ thoải mái chụp hình, trừ khi người dân tỏ vẻ không đồng ý.
Khi biết chúng tôi là ai, đến đây với mục đích gì, họ dần trở nên thoải mái hơn.
Nụ cười rạng rỡ trên những gương mặt lam lũ.
Sau đó, Rohit tiếp tục dẫn chúng tôi đi qua nhiều khu vực khác, như khu làm thuê, khuân vác, lò gốm, khu buôn bán cho dân sống tại đây. Điều kiện sống nói chung của tất cả các khu đều rất tệ. Mùi hôi thối bốc lên nhiều nơi, các cửa hàng đồ ăn bán ngay trên bãi rác lớn, đám trẻ vui đùa bên dòng kênh đặc quánh đen ngòm.
Một gian hàng được dựng ngay cạnh bãi rác.
Khi đi qua khu lò gốm, tôi thực sự không thể hiểu làm thế nào mà người dân tại đây có thể sống được bao năm qua. Cơn nóng hầm hập từ những lò nung cuồn cuộn đổ ra các con hẻm, kèm theo khói đen mù mịt. Sao họ có thể thở được trong bầu không khí dày đặc cacbon dioxit như thế?
Con hẻm "khuân vác" nhỏ hẹp.
Người dân căng mình làm việc trong bầu không khí ngột ngạt và ô nhiễm đến đáng sợ.
Có những đoạn hẻm ép chặt đến nỗi tôi phải nghiêng người để lách qua. Một người đàn ông tắm cho đứa con của mình ngay trước cửa nhà làm nước tung tóe cả lên người tôi vì con hẻm quá hẹp. Trong lờ mờ bóng tối, tôi nhìn thấy nhiều người nằm ngủ vạ vật khắp nơi. Bầu không khí ngột ngạt bao trùm cả nơi này.
Tôi không chụp nhiều những gương mặt buồn, mà thay vào đó, tôi cố gắng tìm kiếm những nụ cười hiếm hoi. Bởi thoáng đâu đó ở chốn bần cùng này, ta vẫn có thể cảm thấy chút niềm vui và hy vọng mong manh, đủ để người dân bấu víu và cố gắng sống tốt hơn mỗi ngày.
Thay vì chọn khai thác về cuộc sống cơ hàn, tôi thích lưu lại những nụ cười đầy hy vọng qua ống kính máy ảnh.
Thoáng đâu đó trong chốn tăm tối này lại le lói thứ ánh sáng rực rỡ đến từ sự hồn nhiên, vô ưu trong ánh mắt và nụ cười của bọn trẻ.
Trời đã sắp về chiều, Rohit bắt đầu căng thẳng và liên tục hối thúc nhóm chúng tôi. Bằng mọi giá phải rời khỏi nơi này trước khi trời tối, vì nếu không, một mình anh ấy cũng không thể xử lý được các "sự cố" phát sinh. Thái độ "căng hơn dây đàn" của Rohit cũng làm tôi cảm thấy thực sự lo lắng nếu lỡ mình hoặc ai đó trong nhóm đi lạc.
Cuối cùng chuyến thâm nhập khu ổ chuột Dhavari cũng kết thúc, dù tôi vẫn cảm thấy có đôi chút nuối tiếc. Tất cả những khám phá này cũng chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa", nhưng vì sự an toàn của cả nhóm mà đành phải dừng lại. Khi trở về, trong đầu tôi cứ vang lên những câu hỏi: "Tại sao cũng là một kiếp người mà họ lại khổ đến vậy?", "Tại sao họ có thể sống cả cuộc đời ở nơi này?", "Họ chịu đựng đau khổ hay vẫn tìm thấy hạnh phúc dù mong manh?"...
"We cover your world" - dòng chữ quảng cáo của một hãng bảo hiểm dán trên xe buýt. Tạm dịch là "Chúng tôi bảo vệ thế giới của bạn", nhưng có lẽ, đâu đó họ đã bỏ quên những mảnh đời đáng thương ở Dhavari.
Những câu hỏi này chắc sẽ chẳng thể nào tìm thấy câu trả lời, nhưng có một điều tôi hiểu rất rõ - rằng chúng ta, bạn và tôi, đang sống một cuộc đời đầy may mắn và phải biết trân trọng tất cả những gì mình có.
Nguồn: [Link nguồn]
Chỉ còn 2 tháng nữa là bước sang năm mới, bạn đã lên kế hoạch cho chuyến du lịch đầu năm của mình chưa?