Cú lội ngược dòng ngoạn mục của ông lớn bán lẻ Việt Nam

Sự kiện: Kinh Doanh

Thời gian qua, hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn ra đời nhưng cũng có không ít trong số này đã phải dừng cuộc chơi.

Một báo cáo từ Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me công bố mới đây cho thấy trong năm 2019, thị trường bán lẻ Việt Nam có sự thay đổi nhanh chóng với sự tăng trưởng mạnh của các cửa hàng ở kênh hiện đại cùng với các thương vụ mua bán, sáp nhập khủng.

Lật ngược thế cờ

Cách nay không lâu, các nhà bán lẻ nội lép vế trước làn sóng thâu tóm, sáp nhập của đối thủ ngoại. Tình trạng này dấy lên lo ngại hệ thống bán lẻ Việt Nam sẽ hoàn toàn nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài. Nay tình hình đã thay đổi.

Bộ Công Thương dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho hay hiện nay doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 25%-30% thị phần, chủ yếu ở phân khúc bán lẻ hiện đại.

Đáng chú ý, những vụ mua bán, sáp nhập đình đám thời gian gần đây đều do các đại gia trong nước thực hiện. Mới đây nhất Tập đoàn Vingroup đồng ý sáp nhập hệ thống gồm hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart+ tại 50 tỉnh, thành vào Tập đoàn Masan để xây dựng đế chế hàng tiêu dùng - bán lẻ.

Đây được xem là thương vụ sáp nhập đình đám nhất trong năm nay, không chỉ bởi quy mô thương vụ lớn mà còn ở những tác động đến tương lai của thị trường bán lẻ Việt Nam. Trước đó không lâu Vingroup đã mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go, hay chuỗi siêu thị Fivimart. Tương tự đại gia bán lẻ Saigon Co.op cũng mua lại toàn bộ 15 siêu thị Auchan của Pháp.

Một số chuyên gia cho rằng những thương vụ trên là chỉ dấu cho thấy nhà bán lẻ Việt đang lật ngược thế cờ, thậm chí có phần thắng thế so với đối thủ bán lẻ sừng sỏ ngoại. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Worldpanel Division Việt Nam, phân tích trước đây nguồn tài chính khổng lồ là lợi thế lớn nhất của các nhà bán lẻ ngoại nhưng gần đây điều này đã không còn đúng. Các ông lớn bán lẻ nội như Saigon Coop hay Vingroup đều sở hữu nguồn vốn đầu tư khủng, sẵn sàng đổi mới, phát triển nhiều mô hình bán lẻ đa dạng từ cửa hàng truyền thống đến siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử. 

“Nếu chỉ xét riêng trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, hiện tại nhà bán lẻ nội đang có phần trội hơn về mặt thị phần. Dễ thấy các chuỗi bán lẻ nội như Co.op mart, Bách hóa xanh… hiện đang sở hữu một mạng lưới cửa hàng rộng khắp các khu dân cư. Thậm chí họ mở rộng, khai trương cửa hàng mới mỗi ngày” - ông Hoàng dẫn chứng.

Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, doanh thu bán lẻ đạt 142 tỉ đôla trong năm 2018 và dự kiến sẽ đạt 180 tỉ đôla vào năm 2020. Ảnh: TÚ UYÊN.

Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, doanh thu bán lẻ đạt 142 tỉ đôla trong năm 2018 và dự kiến sẽ đạt 180 tỉ đôla vào năm 2020. Ảnh: TÚ UYÊN.

Đồng quan điểm, đại diện một nhà bán lẻ nói lâu nay hàng hóa từ sản xuất để bán lẻ phải qua rất nhiều khâu trung gian, khi vào đến siêu thị ngoại có khi phải chiết khấu 20%-30%, thậm chí hơn. Nay khi các nhà bán lẻ trong nước lớn mạnh sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các nhà sản xuất trong nước, hàng Việt sẽ dễ dàng đi vào hệ thống phân phối hiệu quả và đến tay người tiêu dùng mà không phải phụ thuộc quá lớn và bị “hắt hủi” bởi nhà bán lẻ ngoại.

“Ví dụ khi Vingroup và Masan bắt tay nhau, họ có điều kiện để hạ giá, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Đặc biệt cái bắt tay giữa hai tập đoàn lớn sẽ tạo sức mạnh tổng hợp của người Việt, có cơ hội dẫn dắt thị trường, gắn kết sản xuất với bán lẻ. Qua đó đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng, có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước” - vị đại diện nhà bán lẻ trên phân tích.

Sẽ mở toang cửa cho nhà đầu tư ngoại

Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng và dự báo sẽ thu hút thêm nhiều ông lớn bán lẻ nước ngoài nhảy vào. Bộ Công Thương nhận định về lâu dài sẽ mở cửa thị trường theo các cam kết hội nhập quốc tế, cùng với điều kiện ràng buộc về thuế quan được gỡ bỏ.

Chẳng hạn, năm năm sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, việc xem xét, kiểm tra nhu cầu kinh tế nhằm hỗ trợ cho nhà bán lẻ trong nước sẽ bị bãi bỏ. Dịch vụ phân phối bán lẻ sẽ được mở cửa hoàn toàn cho các nhà đầu tư đến từ các nước thành viên CPTPP.

TS Đào Xuân Khương, chuyên gia bán lẻ và phân phối, cho rằng với người tiêu dùng, họ không quan tâm nhiều ai là chủ của siêu thị đó, cửa hàng đó. Điều họ quan tâm là địa điểm có thuận lợi để mua hàng hay không; hàng hóa có tốt, giá cả có phù hợp; nhân viên bán hàng có thân thiện; dịch vụ có tốt không…

“Như vậy, nhu cầu kiểm tra về kinh tế hay mở cửa cho nhà đầu tư ngoại ảnh hưởng không quá lớn, không có ý nghĩa quyết định với kinh doanh bán lẻ. Vì thế, nhà bán lẻ Việt hãy làm tốt những yếu tố trên thì người tiêu dùng sẽ chọn” - ông Khương nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Huy Hoàng nhận xét người Việt Nam dù có tâm lý sính ngoại nhưng cũng luôn có niềm tự hào dân tộc, sẵn sàng ủng hộ hàng Việt có điều kiện. Điều kiện ở đây không phải ở hàng nội hay hàng ngoại, công ty nội hay ngoại mà ở chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Đặc biệt, người tiêu dùng quan tâm đến việc trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ đó có tương xứng với số tiền họ bỏ ra hay không.

“Do vậy, đơn vị nào cũng có cơ hội tăng trưởng như nhau nếu nắm bắt được các nhu cầu, hiểu rõ hành vi, xu hướng của người tiêu dùng Việt. Trong đó, nhà bán lẻ nào hành động nhanh chóng để đáp ứng các nhu cầu thay đổi liên tục của khách hàng sẽ thành công” - ông Hoàng nói.

Xu hướng mua hàng đa kênh lên ngôi

Báo cáo từ các cơ quan chức năng cho thấy thị trường bán lẻ năm 2019 có nhiều chuyển động, với đà tăng trưởng lạc quan, khoảng 12%. Tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành khác, số lượng siêu thị năm nay tăng thêm 16% so với năm trước. Trong đó, các siêu thị thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài như Aeon, Big C, Sakuko, Mega Market khoảng 100 siêu thị; số lượng siêu thị của các ông chủ Việt như VinMart, Co.opmart là 231, tức là chiếm đến 70%.

Đáng chú ý, với xu hướng mua sắm đa kênh tích hợp, người tiêu dùng không hoàn toàn chuyển từ kênh này qua kênh khác. Ví dụ khi mua đồ nhu yếu phẩm họ sẽ mua ở tạp hóa hoặc mua ở siêu thị, đại siêu thị nếu mua số lượng nhiều. Mua đồ cho mẹ và bé họ sẽ đến các cửa hàng chuyên bán hàng cho mẹ và bé. Nếu mua đồ dưỡng da, trang điểm thì sẽ mua online.

Các nhà bán lẻ cần nắm bắt xu hướng này để có chiến lược đa kênh tích hợp phù hợp, trải đều ở các kênh. Đầu tư vào các kênh đang tăng trưởng tốt, từ đó thúc đẩy tăng trưởng. 

Nguồn: [Link nguồn]

Chưa đến Tết, một “ông lớn” bán lẻ “ưu ái” cả trăm tỷ cho nhân viên

Hồi phục chưa được là bao thì VN-Index đã giảm sâu khiến đầu tư trên thị trường trở nên bất an hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TÚ UYÊN ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN