Sức mua ô tô tăng vọt, DN sản xuất lốp xe "hốt bạc" hàng chục tỷ đồng
Thị trường xuất khẩu được mở rộng, thị trường tiêu thụ ô tô tăng mạnh là những bước đệm tạo đà tăng trưởng của các doanh nghiệp săm lốp trong quý I/2021.
Tại Việt Nam, ngành săm lốp bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhờ thị trường xuất khẩu được mở rộng và thị trường tiêu thụ ô tô trong nước tăng vọt. Bên cạnh đó, việc lốp từ Trung Quốc gặp khó khăn trong xuất khẩu vào Mỹ vì xung đột thương mại đã tạo cơ hội cho các quốc gia khác mở rộng kênh phân phối, trong đó có Việt Nam.
Song một trong những “bàn đạp” không thể thiếu tạo đà tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong ngành săm lốp là nhu cầu tiêu thụ, sử dụng ô tô tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2021.
Theo thống kê của Hiệp hội ôtô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán của toàn thị trường Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đạt hơn 92.800 xe, tăng hơn 32.000 xe so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 46%, xe nhập khẩu tăng 78%.
Ngành sản xuất săm lốp ô tô, xe máy là ngành phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy. Vì vậy, thị trường tiêu thụ ô tô phục hồi cũng là một bước đệm quan trọng thúc đẩy sự phát triển của những ngành phụ trợ công nghiệp cao su, săm lốp trong quý đầu năm 2021.
Báo cáo tình hình kinh doanh quý I/2021 của 3 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất săm lốp trong nước bao gồm CTCP Cao Su Sao Vàng (Mã: SRC), CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina - Mã: CSM) và CTCP Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) đều cho thấy những tín hiệu khả quan trong những tháng đầu năm.
Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất săm lốp
Mở đầu cho sự khởi sắc của các doanh nghiệp ngành săm lốp phải kể đến CTCP Cao su Đà Nẵng (mã DRC) khi khoản lãi ròng tăng vọt gần gấp đôi so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu của DRC ghi nhận hơn 912 tỷ đồng, tăng 14%.
Tuy chi phí bán hàng tăng thêm 30 tỷ đồng, nhưng bù lại DRC tiết kiệm được khoản chi phí tài chính nhờ giảm được phần lớn lãi tiền vay và chi phí quản lý nên vẫn thu lại 166 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng hơn 40% so với cùng kỳ.
Kết quả, DRC báo lãi ròng gần 64 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ. Như vậy, DRC đã vượt 9% và 21% so với kế hoạch 835 tỷ đồng doanh thu thuần và 66 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đặt ra trong quý I.
Theo DRC, nhu cầu sử dụng ô tô, xe máy tăng mạnh góp phần thúc đẩy thị trường cao su và săm lốp ngày càng phát triển. Đồng thời, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến lốp Trung Quốc không được xuất khẩu vào Mỹ, điều này cũng phần nào giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Hiện, sản phẩm DRC xuất khẩu đi thị trường Mỹ là 13.000-15.000 lốp radial/ tháng. Doanh nghiệp này đang tiếp tục nghiên cứu cho ra những sản phẩm mới để gia tăng sản lượng xuất khẩu lên hơn 20.000 lốp radial mỗi tháng.
Cả năm 2021, tổng doanh thu tiêu thụ ước tính 4.055 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 300 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2020.
CTCP Cao su Sao Vàng (Mã: SRC) cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực khi doanh thu và lợi nhuận đều tăng đáng kể trong quý I/2021. Trong kỳ, doanh thu của SRC đạt gần 257 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, do biên lợi nhuận giảm từ 22% xuống còn 19%, dẫn đến lãi gộp chỉ tăng 13%, ghi nhận gần 48 tỷ đồng. Kết quả, SRC lãi ròng hơn 10 tỷ đồng trong quý đầu năm 2021, tăng 38% so với cùng kỳ.
Ban lãnh đạo Cao su Sao Vàng nhận định, ngoài tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thì giá nguyên vật liệu đầu vào (gồm cao su thiên nhiên và các loại nguyên vật liệu khác) tiếp tục xu hướng tăng cao là một vấn đề lớn của doanh nghiệp. Điều này khiến chi phí sản xuất tăng trong khi giá bán chưa thể tăng lên tương ứng.
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm của đơn vị chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài. Đặc biệt, việc chưa sản xuất được sản phẩm lốp radial như Casumina hay Cao su Đà Nẵng cũng là một yếu điểm làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Năm 2021, Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng đặt mục tiêu doanh thu 2.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt 100 tỷ đồng. Đồng thời, công ty cũng lên kế hoạch sản lượng sản phẩm tăng khoảng 32 – 49% so với tiêu thụ trong năm ngoái.
Kết thúc quý I/2021, CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Mã: CSM) cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1,079 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp của công ty cũng tăng tương ứng 13%, lên hơn 165 tỷ đồng.
Về chi phí, nhờ tiết giảm lãi vay và đánh giá chênh lệch tỷ giá nên chi phí tài chính của CSM đã giảm 32%, còn xấp xỉ 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý lại tăng 73%, lên hơn 73 tỷ đồng do doanh nghiệp đã trích lập quỹ lương cao hơn cùng kỳ. Kết quả, CSM lãi ròng hơn 13 tỷ đồng trong quý 1/2021, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Về hoạt động xuất khẩu, hiện doanh nghiệp đang tập trung cho thị trường tại Brazil, Ấn Độ và Mỹ, sắp tới sẽ đẩy mạnh sang một số thị trường mới như Nam Mỹ và Đông Âu.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước nhu cầu mua bán vàng của người dân giảm mạnh trong tháng 4/2021, đại gia vàng PNJ đã có tháng kinh doanh thu lãi thấp...