Hà Nội có bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nước sinh hoạt

Sự kiện: Kinh Doanh

Ngoài hai “ông lớn” là CTCP Nước mặt Sông Đuống (Nhà máy nước mặt Sông Đuống) và CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Nhà máy nước Sông Đà), hiện thành phố Hà Nội còn có các công ty khai thác, sản xuất, và kinh doanh nước sạch.

Các doanh nghiệp này gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawaco), doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND TP Hà Nội quản lý; CTCP Nước sạch số 2 Hà Nội do Hawaco sở hữu 96,64% vốn điều lệ; và CTCP Nước sạch số 3 Hà Nội (do Hawaco bán 100% cổ phần tại công ty này cho CTCP Đầu tư ngành nước DNP - DNP Water vào năm 2018).

Ngoài ra, dự án nước mặt Sông Hồng do CTCP Nước mặt Sông Hồng đang được triển khai tại huyện Đan Phượng. Dự án có quy mô vốn đầu tư 3.692 tỷ đồng, công suất thiết kế giai đoạn I lên đến 300.000 m3/ngày đêm. Đây là dự án do Hawaco góp vốn 20%, CTCP Đầu tư xây dựng và Hạ tầng nước sạch Hà Nội (1%) và Tập đoàn Thành Long (79%).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo tìm hiểu của PV Infonet, công suất thiết kế và năng lực vận hành của các doanh nghiệp này như sau:

Hawaco có trụ sở tại số 44 Yên Phụ, Ba Đình, Hà Nội. Doanh nghiệp này có tới 12 nhà máy nước, gồm: Nhà máy nước Yên Phụ, Ngọc Hà, Ngô Sĩ Liên, Lương Yên, Tương Mai, Hạ Đình, Mai Dịch, Pháp Vân, Gia Lâm, Cáo Đỉnh, Nam Dư, và Bắc Thăng Long.

Các nhà máy này cung cấp nước sạch cho 9 quận nội thành (trừ quận Thanh Xuân, quận Nam Từ Liêm) và 5 huyện ngoại thành: Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn và một phần huyện Mê Linh.

Hawaco có các xí nghiệp kinh doanh nước sạch gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy.

Một công ty con của Hawaco là CTCP Nước sạch số 2 Hà Nội (mã chứng khoán NS2), địa chỉ tại km01, đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên, Hà Nội. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 568 tỷ đồng này do Hawaco sở hữu 96,64% vốn điều lệ.

NS2 có nhiệm vụ khai thác, xử lý và cung cấp nước trên địa bàn các quận, huyện phía Bắc Hà Nội gồm: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, và Mê Linh.

NS2 được thành lập từ năm 1996 trên cơ sở tách Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Gia Lâm thuộc Hawaco và tiếp nhận Dự án cấp nước Gia Lâm thuộc nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Đến tháng 6/2015, NS2 chính thức chuyển đổi hoạt động sang mô hình công ty cổ phần.

Hiện nay, để quản lý công tác cấp nước đến khách hàng, Công ty giao cho 3 đơn vị trực tiếp quản lý theo địa bàn bao gồm: Xí nghiệp Nước sạch Gia Lâm, Xí nghiệp Nước sạch Long Biên, và Xí nghiệp Nước sạch Đông Anh.

Một “ông lớn” khác là CTCP Sản xuất Kinh doanh Nước sạch số 3 Hà Nội (mã chứng khoán NS3), có địa chỉ tại số 8 Đinh Công Tráng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Doanh nghiệp này trước đây quản lý Tháp nước Đồn Thủy do người Pháp xây dựng từ năm 1894. Tháng 4/1994, Xí nghiệp kinh doanh Nước sạch Hoàn Kiếm được thành lập - thuộc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội. Tháng 9/2015 tiến hành cổ phần hóa lần đầu với tỷ lệ 65,61% vốn nhà nước.

Năm 2018, cổ đông nhà nước (Hawaco) bán toàn bộ 65,61% cổ phần tại NS3 cho CTCP Đầu tư ngành nước DNP - DNP Water, một doanh nghiệp tư nhân thuộc CTCP Nhựa Đồng Nai.

NS3 là đơn vị đầu tiên của Nước sạch Hà Nội chuyển dịch 100% lại cấp nước tại khu vực “đặc biệt nhạy cảm” là quận Hoàn Kiếm, một quận trung tâm của Hà Nội.

Ngoài các doanh nghiệp chuyên khai thác, sản xuất và kinh doanh nước nói trên, thị phần Hà Nội còn có một doanh nghiệp cấp nước cho nhân dân Thủ đô khu vực Tây Nam Hà Nội là CTCP Viwaco, thuộc Tổng Công ty Vinaconex. Viwaco là đối tác mua lại nước từ CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà.

Bên cạnh việc sản xuất và kinh doanh nước sạch, một thị trường béo bở khác đang được các doanh nghiệp chia nhau là tư vấn, đầu tư xây dựng các công trình chuyên ngành cấp nước; thi công các công trình cấp thoát nước, kinh doanh máy móc, thiết bị, vật tư ngành nước,…

”Tiền nhiều như nước Sông Đà” là có thật!

Báo cáo tài chính quý III/2019 vừa công bố của CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cho thấy cả doanh thu và lợi nhuận...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hiền Anh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN