Tìm lại điện thoại nhờ phần mềm định vị

Sau 2 ngày bị lấy cắp, chiếc điện thoại di động trị giá hơn 15 triệu đồng đã được chủ tìm thấy ở khoảng cách… gần 250km. Đó là nhờ phần mềm định vị cài đặt trong máy.

Cuộc gọi lúc nửa đêm

23 giờ ngày 1-10, đường dây nóng của Báo Vĩnh Long nhận được cuộc gọi nhờ tư vấn trường hợp bị mất điện thoại. Người báo mất là anh Nguyễn Thanh Lâm ở ấp Long Mỹ, xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành (Tây Ninh).

Tìm lại điện thoại nhờ phần mềm định vị - 1

Điện thoại HTC (Ảnh minh họa).

Anh Lâm trình bày, khoảng 19 giờ ngày 30-9, anh cùng vợ con đi xem Hội Yến tại Tòa thánh Tây Ninh thì bị kẻ gian móc túi lấy mất chiếc điện thoại HTC trị giá 15,4 triệu đồng. “Lúc đó, tôi cõng con trên vai, vừa vào Tòa thánh thì có cảm giác va chạm mạnh, quay lại không thấy ai khả nghi nhưng chiếc điện thoại để trong túi thì bị lấy mất. Do điện thoại của tôi có cài đặt phần mềm định vị nên ngoài trình báo cho Ban trật tự nội ô trong Tòa thánh (có công an huyện làm thành viên), tôi còn về nhà lên mạng dò tìm…”.

Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, anh Lâm nhận được một tấm ảnh do kẻ lấy cắp dùng điện thoại của anh chụp trên đường và vị trí được xác định là đang ở Gò Dầu. Sau đó mất tín hiệu…

Trưa hôm sau (1-10), anh Lâm nhận thêm 2 tấm ảnh và biết được vị trí của chiếc điện thoại đang ở TP Vĩnh Long. “Do chưa rõ địa chỉ cụ thể nên tôi tiếp tục theo dõi. Đến khoảng 23 giờ, tôi nhận tiếp 7 tấm ảnh và phần mềm định vị đã xác định được vị trí của điện thoại đang ở số 195/3 đường Phạm Hùng- TP Vĩnh Long”- anh Lâm kể.

Tuy đã tìm được vị trí của chiếc điện thoại bị mất nhưng do ở cách xa gần 250km, anh Lâm không biết làm thế nào nên đã điện thoại đến đường dây nóng của Báo Vĩnh Long nhờ tư vấn. Qua hướng dẫn của Báo Vĩnh Long, sáng 2/10/2012, anh Lâm đến Công an huyện Hòa Thành cung cấp các tình tiết nêu trên. Từ những thông tin và địa chỉ có được, khoảng 18 giờ cùng ngày, Công an huyện Hòa Thành phối hợp Công an Phường 9 (TP Vĩnh Long) đến mời anh T.V.P.- chủ tiệm kinh doanh điện thoại di động V.P. tại số 195/3 đường Phạm Hùng (TP Vĩnh Long) về cơ quan làm việc.

Được của chớ ỷ lại vào phần mềm

Tại trụ sở Công an Phường 9, anh P. trình bày: Trưa 1-10, có một thanh niên đi xe gắn máy ghé vào tiệm V.P. bảo kẹt tiền nên bán chiếc điện thoại HTC. Sau khi xem điện thoại, anh P. đồng ý mua với giá 3 triệu đồng. Người thanh niên gật đầu, nhận tiền xong vội vã ra xe chạy đi. Lúc đó, anh P. nói: “Tôi nghĩ người thanh niên kẹt tiền thật, nhưng tối lại khi cửa tiệm đã đóng, tôi lấy chiếc điện thoại HTC vừa mua ra xem, cảm thấy chút nghi ngờ đồ ăn trộm, nên định tìm cách liên lạc với chủ máy đến chuộc lại. Nhưng chưa kịp liên hệ thì bị công an mời lên làm việc”.

Được biết, ngay chiều tối 2-10, sau khi làm việc với anh P., do chưa có đủ cơ sở xử lý anh P. về hành vi tiêu thụ đồ gian nên Công an huyện Hòa Thành đã lập biên bản thu hồi điện thoại HTC và đang tiến hành các thủ tục cần thiết để trao trả tài sản lại cho anh Lâm. Còn anh P. vì ham hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc mà “tiền mất, tức mang”.

Nhờ điện thoại đã cài đặt phần mềm, anh Lâm may mắn không mất của. Nhưng cũng không phải ai cũng được may mắn như anh Lâm. Theo thông tin từ anh B.V.Q. (xin được giấu tên)- đang làm việc tại TP Vĩnh Long, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ vừa mất chiếc Iphone 3G. Sở dĩ anh không lấy được của là vì chức năng 3G của máy đã bị hỏng, dù cài đặt phần mềm thành công nhưng sau khi mất, máy không thể kết nối 3G nên không định vị được. Không chỉ vậy, anh Q. nói: “Phần mềm đúng là một công cụ hỗ trợ đắc lực nhưng không nên ỷ lại hoàn toàn vì cũng có những tay chuyên bẻ khóa…”

Tuy nhiên, người dùng tránh cài đặt các phần mềm bảo mật miễn phí không rõ nguồn gốc hoặc các ứng dụng bẻ khóa. Vì đây là cơ hội của virus, hacker tấn công mà người dùng tự cài đặt vào. Do vậy, người dùng điện thoại nên kiểm tra kỹ trước khi cài đặt bất kỳ phần mềm nào.

Cẩn trọng với phần mềm chống trộm

Hiện nay có các phần mềm bảo mật cho các dòng máy điện thoại thông minh (SmartPhone), máy tính bảng như iGotYa, iCaughtU Pro, Mobile Me, Lookout Mobile Security (dùng cho iPhone, iPad 3G), HTCSense.com (điện thoại HTC), BlackBerry Protect (BlackBerry), Find my phone, Mobile Defense, Kaspersky Mobile Security, Bkav Mobile Security (iPhone, Android)...

Những tính năng cơ bản của các phần mềm chống trộm này như chụp ảnh người đánh password sai bằng camera phụ (phía trước) và gửi tin nhắn hoặc email, lưu ảnh vào thư viện ảnh; thiết lập tối đa số lần đánh sai trước khi chụp ảnh; gửi định vị, thời gian của người đánh password sai vào email…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trinh Tuyển - Tấn Anh, Vĩnh Long Online
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN