Thứ trưởng Bộ TT&TT nói về trình duyệt đầu tiên và duy nhất do người Việt phát triển

Sự kiện: Internet

Trình duyệt "made in Vietnam" sẽ góp phần quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia và bảo vệ dữ liệu người dùng Việt.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng cùng đoàn đại biểu Bộ TT&TT vừa tới thăm và làm việc với đội ngũ Cốc Cốc. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ mong muốn Cốc Cốc trở thành trình duyệt và công cụ tìm kiếm quốc gia. Bởi vì, nếu làm được điều này, Cốc Cốc sẽ góp phần quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia và bảo vệ dữ liệu người dùng Việt.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, để làm được điều này, Cốc Cốc sẽ có rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên, Cốc Cốc phải là một sản phẩm thực sự tốt để phục vụ quốc gia và duy trì điều này trong bối cảnh công nghệ, thói quen, nhu cầu người dùng liên tục thay đổi.

Cốc Cốc là trình duyệt có thị phần lớn thứ 2 tại Việt Nam.

Cốc Cốc là trình duyệt có thị phần lớn thứ 2 tại Việt Nam.

“Để tạo ra một sản phẩm xuất sắc đã khó, nhưng duy trì được việc này còn khó khăn hơn nhiều”, Thứ trưởng nói. Tiếp theo, ông cũng nhấn mạnh, khi đã là đại diện hay hình ảnh của quốc gia thì tất nhiên phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, cũng như có sự trường tồn, phát triển lâu dài và bền vững thay vì chỉ 5 - 10 năm.

Theo thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, ngoài việc tạo ra một sản phẩm tốt, nền tảng đó phải được người dùng chấp nhận. Dù Cốc Cốc đã có vài chục triệu người dùng nhưng con số này vẫn còn nhỏ so với 100 triệu người dân Việt Nam.

“Giống như một cây cổ thụ lớn lên nhờ hàng tỷ giọt sương, Cốc Cốc đã đi được một mình và có được những kết quả như hiện tại. Nhưng nếu muốn phát triển hơn nữa thì cần nhiều nỗ lực, nguồn lực hỗ trợ hơn nữa. Và Bộ TT&TT luôn sẵn sàng hỗ trợ các nền tảng số Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng bày tỏ.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm, nếu như trình duyệt là phương tiện để mỗi người dân đi vào môi trường số thì công cụ tìm kiếm giống như một chiếc bản đồ của người dân. Đây sẽ là công cụ cơ bản dành cho người dân, khi có phương tiện và bản đồ tốt thì mọi người có thể tự mình khám phá và khai phá những giá trị mới trên môi trường số.

Vì vậy, việc có được một trình duyệt và công cụ tìm kiếm quốc gia sẽ đem lại hai lợi ích cho người dân. Thứ nhất sẽ giúp bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia. “Khi đó, chúng ta có thể khai thác mọi dữ liệu cá nhân, thói quen tìm kiếm, hành vi đi lại của người dân để tạo ra giá trị và giữ nó ở lại Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.

Thứ hai, trên bình diện quốc gia, việc một sản phẩm có số đông người sử dụng sẽ giúp hiểu được xu hướng, mối quan tâm của xã hội để có hoạch định chính sách tốt hơn. “Giả sử như trong thời gian diễn ra dịch cúm, người Việt dùng trình duyệt Việt Nam để tra cứu về cửa hàng thuốc gần mình, thì cơ quan quản lý có thể biết vùng dịch lớn ở đâu và có chính sách phản ứng phù hợp”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng dẫn chứng.

Ông Nguyễn Vũ Anh - CEO Cốc Cốc khẳng định, tất cả nguồn lực của Cốc Cốc đều ở Việt Nam và mục tiêu của công ty là phát triển sản phẩm tốt nhất cho người Việt. Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều đang quan tâm tới dữ liệu của người dùng được bảo vệ như thế nào. Vì vậy, việc có một trình duyệt và công cụ tìm kiếm của Việt Nam, với dữ liệu đặt ở Việt Nam là bước rất quan trọng để bảo vệ dữ liệu của người dùng.

“Cốc Cốc cam kết đầu tư và nâng cao chất lượng hạ tầng, an toàn thông tin để phục vụ người dùng Việt Nam tốt nhất”, ông Vũ Anh khẳng định.

Ra mắt từ 2013, Cốc Cốc là trình duyệt và công cụ tìm kiếm đầu tiên và duy nhất do người Việt phát triển. Các sản phẩm của Cốc Cốc được phát triển cho cả hai nền tảng di động và máy tính. Hiện, Cốc Cốc đứng thứ hai tại Việt Nam về thị phần trình duyệt và công cụ tìm kiếm. Cụ thể, Cốc Cốc đã có trên 30 triệu người dùng. Riêng công cụ tìm kiếm Cốc Cốc đã thu hút hơn 600 triệu lượt truy vấn hàng tháng.

Nguồn: [Link nguồn]

Theo báo cáo mới nhất của Statcounter, Google Chrome vẫn là trình duyệt được sử dụng nhiều nhất hiện nay, Safari ‘lao dốc’ và Microsoft Edge lần đầu tiên chiếm gần 12% thị phần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo NGỌC PHẠM ([Tên nguồn])
Internet Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN