Thâu tóm Beats Electronics: Thương vụ khó hiểu của Apple

Thông tin Apple mua lại hãng sản xuất thiết bị âm thanh Beats Electronics với giá 3,2 tỉ USD đã làm làng công nghệ xôn xao. Vì sao Apple mua lại Beats với giá cao đến vậy?

Thương vụ này đã biến ngôi sao Dr. Dre - nhà sáng lập Beats - trở thành tỉ phú đầu tiên trong làng hip-hop nhưng cũng làm cho cổ phiếu của Apple giảm nhẹ 1%.

Khi tờ Financial Times tiết lộ Apple chuẩn bị mua lại hãng âm thanh Beats Electronics, nhiều người đã ngờ vực tính xác thực của thông tin này. Tuy được xem là một trong những hãng sản xuất tai nghe thành công nhất hiện nay nhưng Beats không có mấy giá trị với Apple. Đến khi có một video tung lên mạng cho thấy Dr.Dre - ca sĩ hip-hop và là nhà sáng lập Beats Electronics - ăn mừng trở thành tỉ phú thì tin này mới được xác nhận.

Nhãn hiệu xa xỉ

Xét về tính chất, Apple và Beats Electronics có khá nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là những hãng công nghệ kinh doanh trên các sản phẩm có giá bán cao hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, Beats và Apple không hề giống nhau.

Thâu tóm Beats Electronics: Thương vụ khó hiểu của Apple - 1

“Beats by Dr.Dre” chuẩn bị thuộc về Apple. (Ảnh: FORBES)

Apple là một hãng đặt nặng ưu tiên cho chất lượng và thiết kế, khiến người dùng sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm ấy. Trong khi đó, Beats là hãng vận dụng thiết kế hào nhoáng, hợp thời trang, quảng bá mạnh mẽ bằng các thần tượng, ngôi sao để bán loại tai nghe chất lượng trung bình nhưng có giá trên trời của họ.

Đối với giới chuộng các sản phẩm âm thanh, thậm chí Beats còn là cái tên thường bị dè bỉu bởi chất lượng không xứng với những loại tai nghe cao cấp khác. Tuy nhiên, nhờ cách marketing vận dụng sự ủng hộ của các ngôi sao, Beats Electronics đã biến các tai nghe của mình thành các món “đồ chơi xa xỉ” được xem là thời thượng trong giới trẻ.

Thế là Beats cũng có khả năng cung cấp cái gọi là “niềm tự hào sở hữu” hệt như Apple. Họ nhanh chóng trở thành công ty công nghệ âm thanh thành công nhất tại thị trường Mỹ và thế giới. Tai nghe “Beats by Dr.Dre” và logo chữ “b” màu đỏ của Beats đã trở thành một biểu tượng mà tai nghe trắng và iPod của Apple đã từng đạt được.

Rối rắm

Thế nhưng, điều đó vẫn không thể lý giải tại sao Apple lại sẵn sàng chi đến 3,2 tỉ USD, cái giá cao nhất từ trước đến nay mà hãng này phải trả cho một thương vụ sáp nhập. Cuộc sáp nhập này lại càng rối rắm khi nó không theo thói quen của Apple: Thực hiện các cuộc “mua sắm” những công ty nhỏ có công nghệ thú vị nhưng chưa đạt nhiều danh tiếng. Đây sẽ là lần đầu tiên Apple mua lại một hãng có tên tuổi đã “trưởng thành”. Nhiều ý kiến tìm cách lý giải quyết định này đã được đặt ra bởi các chuyên gia.

Đầu tiên có thể kể đến là giá trị của thương hiệu “Beats by Dr.Dre”. Tuy nhiên, Apple đã là một tên tuổi nổi tiếng, không cần phải quảng cáo, tại sao họ phải cần thêm tên tuổi của Beats? Khó có thể tưởng tượng Apple lại sẽ bán một sản phẩm của họ với cái mác Beats đi kèm. Công nghệ âm thanh của Beats cũng chả mấy ấn tượng so với những gì mà Apple có thể trang bị cho sản phẩm của họ.

Có ý kiến cho rằng cũng có thể Apple muốn củng cố dịch vụ cung cấp nhạc trực tuyến của họ thông qua dịch vụ nghe nhạc trả phí hằng tháng - Beats Music. Song, Apple đã sở hữu khả năng cung cấp dịch vụ này từ lâu, với iTunes Store và iTunes Radio.

Có thể Apple chưa đạt được thành công nào với các dịch vụ của mình và còn lưỡng lự, chưa muốn theo đuổi hình thức đăng ký hằng tháng. Tuy nhiên, Beats Music cũng chả mấy thành công khi cạnh tranh với những đối thủ như Spotify. Beats không sở hữu bất kỳ bản quyền công nghệ, danh tiếng hay dịch vụ nào mà Apple không có sẵn. Thế thì lý do nào đã ấn định cái giá 3,2 tỉ USD?

Bước nhảy mới

Dù gì đi nữa, sự kiện này cũng đánh dấu một bước chuyển mới của Apple. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy CEO Apple Tim Cook đang chuẩn bị cho một hướng đi mới hoàn toàn khác với thời Steve Jobs.

Apple từng thành công, trở thành một nhãn hiệu đi cùng nền giải trí âm nhạc với những iPod và iTunes. Ngày nay, khi các dịch vụ giải trí với mô hình kinh doanh theo phí đăng ký hằng tháng đã trở nên quá thành công thì iTunes lại bị lu mờ đằng sau Spotify, Rdio và Netflix. Giới trẻ cũng chẳng có lý do gì để sở hữu một máy nghe nhạc riêng biệt như iPod khi smartphones và tablet trở nên phổ biến. Sự thất bại này đến từ sự chậm chạp, không nhanh chóng thích nghi với thời đại mới của Apple - một “căn bệnh” thường gặp ở các “gã khổng lồ” ngành công nghệ.

Tuy vậy, với việc sáp nhập Beats Electronics, Apple đã cân bằng thế trận với những đối thủ của mình. Dù ít hay nhiều, thương vụ này cũng sẽ tạo áp lực lớn đến Spotify, Rdio và cả Google Play - vốn vẫn còn rất non trẻ. Sức mạnh marketing của Beats nhất định sẽ thổi một luồng gió mới vào các sản phẩm của Apple trong tương lai, một lần nữa biến chúng thành các “biểu tượng” được giới trẻ hâm mộ. Có thể người dùng sẽ sớm thấy những minh tinh nổi tiếng đứng đằng sau các chiến lược quảng bá lớn cho thương hiệu “Beats by Apple”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thep Xuân Hạo (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN