Nhà thông minh tương lai

Xu hướng công nghệ “internet of things” cho phép các vật dụng trong nhà trở nên thông minh hơn bao giờ hết, làm thay đổi lối sống của bạn.

Một trong những xu hướng nổi bật của ngành công nghệ hiện nay là tích hợp máy tính và mạng internet vào tất cả các loại vật dụng trong nhà, tạo nên một mạng lưới đồ vật thông minh với tên gọi “internet of things”.

Viễn cảnh như mơ

Cứ tưởng tượng một viễn cảnh như mơ trong tương lai khi các vật dụng trong nhà bạn sẽ có thể được điều khiển từ xa, cập nhật thông tin ở bất cứ đâu qua mạng internet, smartphone hay tablet, cùng với khả năng phản ứng một cách thông minh sau khi đã qua lập trình sẵn.

Mục tiêu của việc tích hợp công nghệ vào các vật dụng trong nhà bạn là để tối ưu hóa tính năng nguyên thủy của chúng, tăng tính tiện ích cho người dùng. Một vật dụng thông minh hoàn hảo phải có khả năng loại bỏ các khó khăn trong quá trình sử dụng, nghĩa là không cần có nhiều thiết lập, cài đặt rắc rối. Trong khi đó, chúng sẽ phải có khả năng dễ dàng điều khiển, thông qua nhiều phương thức khác nhau. Cùng lúc, các vật dụng này phải làm tốt công việc của mình và thêm nhiều tính năng vượt trội như lập trình được, có khả năng tự động hóa. Đặc biệt, chúng phải có khả năng “nói chuyện” được với nhau để đồng bộ hóa các hoạt động của chúng.

Nhà thông minh tương lai - 1

Philips Hue - bóng đèn thông minh có thể được lập trình và điều khiển từ smartphone Nguồn: Philips.

Nói một cách dễ hiểu, hãy thử tưởng tượng một viễn cảnh như thế này: Khi đồng hồ báo thức buổi sáng nổi lên, nếu bạn tắt đồng hồ báo thức, nó sẽ lập tức ra lệnh cho các đồ vật thông minh khác đã được lập trình để chuẩn bị cho bạn mọi công việc phải làm sau đó. Rèm phòng ngủ sẽ dần mở rộng ra để ánh sáng vừa đủ lọt vào, giúp bạn không bị lóa mắt. Khi bạn đánh răng, các thông tin thời tiết, tin tức và cả về tình hình sức khỏe của bạn sẽ được hiển thị. Vào bếp làm bữa ăn sáng, tủ lạnh sẽ báo cho bạn biết hôm nay trong đó có những nguyên liệu gì và tiện thể giúp bạn lập lịch ghi nhớ mua thêm thực phẩm vừa mới hết... Sau khi bạn ra khỏi nhà, tất cả thiết bị bên trong như đèn, quạt, tivi… sẽ tự động ngắt điện. Cánh cửa cũng tự khóa lại sau lưng bạn mà không cần có chìa khóa. Khi ra ngoài, bạn có thể xem các thông tin thu thập được từ những đồ vật thông minh của mình và điều khiển chúng thông qua smartphone cũng như mạng internet. Nếu có ai đến trước cửa nhà bạn, hệ thống an ninh sẽ lập tức ghi hình và thông báo cho bạn qua smartphone, email và bạn có thể kiểm tra camera an ninh, thậm chí điều khiển mở cửa cho người thân vào nhà. Đến tối, bạn về nhà, đèn thắp sáng hiên trước đã được tự động mở, cây kiểng cũng được tưới nước và cửa tự mở đón chào bạn về nhà…

Sẽ thành hiện thực

Viễn cảnh như mơ ấy đã và đang trở thành hiện thực. Hàng loạt sản phẩm mới thuộc thể loại “smart-object” (vật thể thông minh) đã có mặt. Trong số đó, hệ thống loa thông minh Sono có thể phát âm thanh từ một nguồn duy nhất ra các loa lẻ không dây của nó, tạo thành một hệ thống âm thanh thống nhất trong nhà. Nest Thermostat đến từ nhà thiết kế iPod có khả năng “học hỏi” và tự động điều chỉnh nhiệt độ của hệ thống làm mát, sưởi ấm.

Cũng đến từ hãng Nest, Protect là một máy cảm biến báo cháy thông minh, có thể biết được khi nào thì nên báo động và có thể dễ dàng bật tắt bằng cử chỉ. Trong khi đó, bóng đèn thông minh Hue của Philips đã từng làm ngạc nhiên với hàng loạt khả năng vượt bậc như điều khiển độ sáng, màu sắc thông qua smartphone cùng hàng loạt khả năng lập trình tự động khác. Ở lĩnh vực an ninh, chốt cửa Kwikset và khóa cửa Yale Locks chỉ là 2 trong số rất nhiều sản phẩm cùng loại. Để hỗ trợ các sản phẩm chưa có khả năng “thông minh”, hệ thống ổ cắm điện và cảm ứng chuyển động WeMo của Belkin có thể cho phép bạn ngắt điện từ xa cũng như quản lý lượng điện tiêu thụ. Đó là chưa kể hàng loạt hệ thống và dịch vụ nhắm đến việc tự động hóa toàn bộ căn nhà như Insteon và GE Smart system.

Dù vậy, đến nay vẫn chưa thể đạt đến được mục tiêu cuối cùng của “internet of things” vì điểm mấu chốt nhất của nó là khả năng các vật thể thông minh có thể “liên lạc” với nhau vẫn chưa được hoàn thiện. Vẫn chưa có một thống nhất về chuẩn kết nối giữa các vật dụng thông minh. Nếu như các vật dụng thông minh không thể liên lạc và hoạt động một cách đồng nhất với nhau sẽ gây rối rắm cho người dùng. Thật may, các động thái đầu tiên đã được bắt đầu để có thể giúp tạo nên một mạng lưới “smart-object” hoàn chỉnh. Có thể kể đến các sản phẩm giải pháp như Revolv, một thiết bị đóng vai trò trung tâm điều khiển cho các vật dụng thông minh. Thông qua Revolv, người dùng sẽ chỉ cần một giao diện để điều khiển nhiều đồ dùng thông minh cùng lúc. Ngoài ra, còn nhiều dự án khác hướng đến việc kết nối các vật thể với nhau đang nằm trong các phòng nghiên cứu và chẳng bao lâu nữa, bạn có thể sống trong căn nhà thực sự thông minh…

Khác với xu hướng của robot và drone, “internet of things” không tìm cách thêm vào những tính năng mới mà hứa hẹn sẽ cải thiện và tối ưu hóa những khả năng nguyên bản của vật dụng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Hạo/NLĐ
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN