Máy tính để bàn "nội" giá rẻ có còn hút khách?
Dù gặp nhiều bất lợi nhưng một số doanh nghiệp vẫn âm thầm theo đuổi việc lắp ráp, phát triển máy tính để bàn (PC) có giá bán dưới 5 triệu đồng nhằm thu hút đối tượng khách hàng bình dân.
Điểm mặt PC giá dưới 5 triệu
Theo đánh giá của giới kinh doanh máy tính trong nước, trên thị trường đang có hơn chục loại máy tính để bàn (PC) được bán ra với mức giá dưới 5 triệu đồng (chưa gồm màn hình) với một số thương hiệu như TranAnh PC (của Công ty Trần Anh), EASY PC (Phúc Anh), Real Power (Đăng Khoa), Siroko BA (Bảo An) hay Mambo của CMC P&T…
Máy tính Mambo giá 3,69 triệu đồng nhắm tới đối tượng khách hàng học sinh, sinh viên
Cụ thể, Công ty Trần Anh đang bán một số mẫu như TranAnh PC SV861 giá 4,39 triệu, TranAnh PC SV862 giá 4,49 triệu đồng; công ty Bảo An bán ra thị trường sản phẩm thuộc dòng Siroko BA là Siroko BA - 331G25AT giá 3,99 triệu, Siroko BA - 2401G25AL giá 4,5 triệu đồng do DN này lắp ráp.
Đại diện Công ty máy tính Phúc Anh cho hay, DN này cũng bán một số sản phẩm tự lắp ráp như EASY PC G530 với giá 4,39 triệu hướng tới phục vụ các hộ gia đình, sinh viên, học sinh.
"Tại Đăng Khoa cũng đang bán ra một số sản phẩm thuộc dòng Real PC như Real Power RP901, Real Power RP801 với giá 4,9 triệu đồng, đồng thời cam kết giảm thêm so với giá niêm yết 240.000 đồng nếu khách hàng mua online", đại diện siêu thị Đăng Khoa nói.
Đáng chú ý, giữa lúc thị trường máy tính giá dưới 5 triệu đồng do các DN nhỏ lắp ráp tỏ ra "yên ắng", cả năm nay không có sản phẩm mới, thì hôm 15/6 vừa qua, Công ty CMC P&T (thuộc Tập đoàn CMC) bất ngờ tung ra dòng máy tính để bàn thương hiệu Mambo với mức giá từ 3,69 và 3,99 triệu (chưa có thuế VAT) cho từng cấu hình. Nếu tính thêm 10% thuế VAT, thì Mambo có giá từ 4,05 triệu và gần 4,4 triệu - như vậy, 2 sản phẩm này đang nằm trong phân khúc thấp nhất thị trường hiện nay.
PC giá rẻ vẫn còn "cửa" sống?
Thực tế, tại thời điểm hiện nay, việc kinh doanh máy tính thương hiệu Việt gặp nhiều "trắc trở" khi bị cạnh tranh quyết liệt bởi các thương hiệu nhập khẩu nước ngoài, người tiêu dùng nặng tâm lý “sính ngoại”… Thế nhưng, riêng PC giá dưới 5 triệu đồng có thể còn "cửa" phát triển do ở phân khúc này thương hiệu ngoại hầu như vắng bóng (chỉ có số ít sản phẩm như Acer Aspire AX1920 giá bán 4,49 triệu đồng).
Theo ông Trần Xuân Kiên - Tổng giám đốc công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh, DN đang kinh doanh thương hiệu máy tính TranAnh PC, các dòng sản phẩm giá rẻ thương hiệu Việt dù thuộc phân khúc hẹp nhưng vẫn bán được do có lượng khách hàng nhất định là các cơ quan, người tiêu dùng bình dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Sỹ Tĩnh - Phụ trách Marketing của CMC P&T, DN phân phối máy tính giá rẻ Mambo, hiện Việt Nam vẫn có trên 80% dân số ở nông thôn và tỷ lệ người dân sở hữu máy tính còn rất thấp. Vì thế, đây vẫn là thị trường tiềm năng và Mambo là bước đệm để CMC tiếp tục cho ra thị trường những dòng máy tính để bàn có giá thành ngày càng rẻ hơn.
Tuy nhiên, ông Tĩnh cho rằng, phân khúc PC giá rẻ có ít DN theo đuổi, thậm chí ngay cả những DN bán máy tính nhỏ lẻ tự lắp ráp (sản phẩm thường được thị trường gọi là “No name”) cũng không còn "mặn mà" với phân khúc này do giá linh kiện ngày càng tăng, dẫn đến lợi nhuận của PC giá rẻ rất thấp.
"Hiện các sản phẩm PC giá dưới 5 triệu đồng khó bán do giá máy tính xách tay ngày càng rẻ, chỉ 6 - 7 triệu đồng, trong khi với một chiếc máy để bàn giá dưới 5 triệu đồng còn phải trang bị thêm màn hình thì chi phí cũng lên tới trên 5 triệu tới gần 6 triệu đồng", ông Trần Xuân Kiên nhấn mạnh.
Theo đánh giá của các DN lắp ráp máy tính nhỏ lẻ khác như Bảo An, Đăng Khoa, để PC giá rẻ phát triển thì nhà nước cần hỗ trợ như giảm thuế linh kiện lắp ráp nhằm cắt giảm chi phí đầu vào, từ đó các DN mới có thể cho ra những dòng máy tính chất lượng tốt có giá thành thấp.