Hậu quả khôn lường khi hacker tấn công trả đũa

Việc tấn công trả đũa giữa các nhóm hacker có thể khiến cho các cơ quan, doanh nghiệp trong nước phải lãnh hậu quả.

Sau khi trang web của hãng hàng không Vietnam Airlines bị tấn công mà danh tính để lại là nhóm hacker 1937CN (Trung Quốc), trên mạng xã hội Facebook và YouTube đã xuất hiện những thông tin chia sẻ về việc các hacker Việt Nam có hành động đáp trả.

Hậu quả khôn lường khi hacker tấn công trả đũa - 1

Nhóm hacker Error Team đang tấn công D-DoS trang www.1937.net. (Ảnh chụp màn hình)

Theo những thông tin trên, hacker Việt Nam không chỉ nhắm vào trang web www.1937cn.net của nhóm 1937CN mà còn tập trung vào nhiều trang web tại Trung Quốc và các quốc gia khác. Một số nhóm hacker Việt Nam đã để lại danh tính là HP2k1, TR2K, Huy Max, Error Team,...

Trước sự việc này, ông Ngô Trần Vũ - Giám đốc Công ty bảo mật Nam Trường Sơn đánh giá, nhóm hacker 1937CN đã phủ nhận việc liên quan đến hành động tấn công vào trang web Vietnam Airlines. Như vậy có thể thấy họ không hề thách thức giới bảo mật Việt Nam.

"Trong lúc này, nếu các hacker tại Việt Nam gây ra các cuộc tấn công về phía Trung Quốc, có thể sẽ bị kết tội phá hoại tài sản của các doanh nghiệp nước ngoài và bị quy kết trách nhiệm bồi thường hoặc truy tố hình sự", ông Vũ cảnh báo.

"Việc tấn công trả đũa qua lại hoàn toàn không thể biện minh bằng tinh thần yêu nước. Để thể hiện tinh thần yêu nước, các hacker nên giúp ích cho nền bảo mật mạng tại Việt Nam, thay vì đi gây hấn để rồi nhận lại sự đáp trả gấp nhiều lần từ giới hacker Trung Quốc. Nếu có sự tấn công trả đủa của hacker Trung Quốc, thiệt hại gây ra có thể là thảm hoạ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao dịch của các doanh nghiệp Việt Nam", ông Vũ nhấn mạnh.

Hậu quả khôn lường khi hacker tấn công trả đũa - 2

Hàng loạt trang web của Việt Nam bị tấn công trong thời gian qua, theo Zone-H.org.

Theo chuyên gia bảo mật này, để giúp ích cho công tác bảo mật tại Việt Nam, cộng đồng hacker nên bình tĩnh cùng nhau phân tích sự việc và đưa ra các hướng dẫn, bản vá lỗi bảo mật hỗ trợ các doanh nghiệp.

Ông Vũ cho biết, hiện nay, khả năng bảo mật, phòng thủ của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đang bị thách thức nhưng chưa xảy ra thảm hoạ nghiêm trọng. Do đó, đây là lúc thích hợp để Việt Nam học hỏi, nâng cấp các hệ thống bảo mật tại các cơ quan trọng yếu, tuyển dụng thêm nhiều nhân tài bảo mật.

"Trong một hệ thống bảo mật hoàn chỉnh của doanh nghiệp thì yếu tố con người luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định hiệu quả vận hành các công cụ bảo mật đa lớp", ông Vũ nhấn mạnh.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, Ủy viên Ban chấp hành Chi hội VNISA phía Nam (Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam) cảnh báo, trong thời gian tới, các hệ thống dịch vụ trực tuyến, thanh toán trực tuyến của ngân hàng, ngành điện, viễn thông, hành chính công,... của Việt Nam có thể sẽ tiếp tục bị hacker nước ngoài tấn công.

"Có một điều đáng nói là trước đây vài năm, các chuyên gia an ninh mạng của Việt Nam từng phát hiện lỗ hổng bảo mật ở các cơ quan, doanh nghiệp và gửi cảnh báo. Tuy nhiên, thay vì nhận được lời cảm ơn thì họ lại bị xem như là hacker "mũ đen", còn có khả năng bị đưa ra pháp luật", ông Thắng băn khoăn.

Do đó, theo ông Thắng, trong thời gian trở lại đây, khi phát hiện lỗ hổng, các chuyên gia an ninh mạng thường không báo để khỏi vướng phải những rắc rối. Và các lỗ hổng này vẫn âm thầm tồn tại, tạo cơ sở cho các hacker nước ngoài xâm nhập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN