Hành trình đưa kẻ lập trạm BTS giả, gửi mỗi ngày 60.000 tin nhắn lừa đảo ra ánh sáng

Vụ án truy bắt đối tượng Chen Jiong (người Trung Quốc) phát tán 60.000 tin nhắn lừa đảo/ngày là hành trình vô cùng gian nan của trinh sát chống tin tặc, để đưa kẻ vi phạm pháp luật ra ánh sáng khi chỉ còn 48 giờ nữa là tới Giao thừa…

Hệ thống giả mạo trạm BTS thu được trong khách sạn trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội Nhiệm vụ bất ngờ

Hệ thống giả mạo trạm BTS thu được trong khách sạn trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội Nhiệm vụ bất ngờ

Đêm 30-1-2022 (tức ngày 28 Tết Nhâm Dần), Thượng tá Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) bất ngờ gửi cho tôi một dòng tin nhắn, đề nghị đăng gấp thông tin khởi tố một đối tượng người Trung Quốc về tội Xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự.

Chị Thủy chia sẻ, đây thực sự là một nhiệm vụ bất ngờ khi Tết Nguyên đán đang cận kề mà lại nhận được đề nghị tiếp nhận vụ việc của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an). Giờ phút ấy, cán bộ đơn vị của chị cũng đã vơi đi quá nửa vì người thì bị nhiễm Covid-19, người quê xa cũng đã lên đường về nhà đón Tết bên người thân.

“Nhưng thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc thì khó khăn mấy cũng phải làm và phải hoàn thành một cách xuất sắc nhất. Chúng tôi đã lập tức đề nghị Phòng Cảnh sát hình sự cùng vào cuộc, phối hợp để thực hiện các biện pháp tố tụng” - Thượng tá Đinh Thị Thu Thủy chia sẻ.

Trước thời điểm đề nghị CATP Hà Nội phối hợp tiếp nhận vụ việc, Cục An ninh mạng và phòng chống sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để rà soát và phát hiện tại khu vực đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội có một thiết bị giả trạm BTS phát hàng chục nghìn tin nhắn mỗi ngày.

Đây đều là các tin nhắn giả thương hiệu gửi đến các thuê bao di động đang sinh sống trong khu vực hoặc thậm chí là người di chuyển trên đường khi đi vào khu vực máy hoạt động. Khi người nhận bấm vào đường link trong tin nhắn thì sẽ truy cập vào các trang web cá độ bóng đá hoặc web sex tùy theo nội dung tin nhắn nhận được.

Tin nhắn người dân nhận được từ trạm BTS giả phát tán

Tin nhắn người dân nhận được từ trạm BTS giả phát tán

Thiếu tá Trần Thị Thu Ngọc - Đội phó Đội 6 Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho hay, đơn vị nghiệp vụ của Bộ đã tiến hành các biện pháp điều tra và xác định được đối tượng điều hành trạm BTS giả này là Chen Jiong (quốc tịch Trung Quốc). Tuy nhiên, để chứng minh được hành vi của Chen Jiong đã xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác thì lại không hề dễ dàng và Cục nghiệp vụ đề nghị CATP Hà Nội phối hợp giúp đỡ.

Vượt khó bằng mọi giá

Thiếu tá Trần Thị Thu Ngọc nhớ lại, hành trình đưa Chen Jiong ra trước phát luật không phải là cuộc đấu trí với những tên tội phạm gian xảo và lọc lõi, cũng chẳng phải những pha đánh đấm, truy đuổi đến nghẹt thở của lực lượng công an, nhưng nó lại cực kỳ khó khăn, vất vả về quy trình thủ tục.

“Hành vi vi phạm của Chen Jiong là đã rõ, nhưng với pháp luật, chứng cứ chứng minh mới là điều quan trọng nhất. Ở thời điểm ấy, muốn chứng minh được hệ thống giả trạm BTS mà Chen Jiong sử dụng có xâm phạm vào hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của cá nhân hay không thì phải qua giám định của Cục Tần số (Bộ Thông tin và truyền thông). Nhưng rất tiếc, vì thời điểm những ngày cuối năm, việc giám định này trở nên hết sức khó khăn. Cộng với việc Chen Jiong là người nước ngoài, việc bắt giữ càng phải hết sức thận trọng” - Thiếu tá Ngọc nhớ lại.

Mã số báo tin nhắn gửi thành công thu thập được trên máy tính của Chen Jiong

Mã số báo tin nhắn gửi thành công thu thập được trên máy tính của Chen Jiong

Khó khăn đầu tiên của các điều tra viên chính là phiên dịch để có thể ghi lời khai của đối tượng, từ đó mới hé lộ thông tin để có căn cứ khởi tố đối tượng. Thông thường, việc kiếm phiên dịch tiếng Trung với cán bộ công an thì không quá khó. Nhưng ở thời điểm giáp Tết, cộng với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì đây lại là bài toán không đơn giản. Chỉ huy Đội 6 đã điều ngay người nhà là cán bộ công tác ở Bộ Ngoại giao đến giúp đỡ.

Buổi làm việc diễn ra suôn sẻ, nhưng ngày hôm sao, phiên dịch viên thông báo bản thân đã trở thành F0. Điều đó có nghĩa là các cán bộ của đội đã thành F1. Không ai dám báo cáo với cấp chỉ huy việc này, vì nếu vậy tức là sẽ không còn ai để tiếp tục làm việc. Phiên dịch viên thứ 2 là nữ giảng viên Học viện An ninh nhân dân. Nữ giảng viên này đang trên đường về quê ăn Tết cùng gia đình thì nhận được lời đề nghị giúp đỡ. Chị đã không nề hà để chồng con tiếp tục hành trình, còn bản thân đón xe khách quay lại Hà Nội để phục vụ tổ công tác.

Với sự hỗ trợ đó, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã bước đầu nắm được hành vi vi phạm của Chen Jiong. Do nhiều năm làm việc ở Việt Nam, Chen Jiong được một người Trung Quốc khác thuê cùng một nhóm đối tượng vận hành trạm BTS giả. Công việc hàng ngày của Chen Jiong là thuê khách sạn tại các địa điểm trong thành phố theo yêu cầu của “ông chủ” để đặt máy rồi để máy chạy tự động. Sau 1 tuần, nếu điểm đặt máy không hiệu quả, Chen Jiong lại chuyển sang địa điểm khác.

Mỗi ngày máy chạy 8 tiếng, Chen Jiong kích hoạt máy xong là có thể đi chơi và cuối tháng nhận mức lương 40 triệu đồng từ “ông chủ”. Mỗi ngày trạm BTS giả nói trên phát tán khoảng 60.000 - 70.000 tin nhắn thành công tới người dùng. Các thiết bị di động trong phạm vi phủ sóng của trạm BTS giả này ban đầu sẽ có hiện tượng mất tín hiệu, sau đó chuyển về chế độ 2G và có thể tiếp tục sử dụng để nghe, gọi, nhắn tin. Tuy nhiên, tốc độ sẽ chậm hơn bình thường do phải đi qua trạm giả trung gian mới kết nối tới trạm BTS thật của các nhà mạng viễn thông.

Các điều tra viên lấy lời khai của Chen Jiong

Các điều tra viên lấy lời khai của Chen Jiong

Đoạn kết của kẻ vi phạm

Song hành cùng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao là những điều tra viên dày dạn của Phòng Cảnh sát hình sự mà trực tiếp là Đội Phòng chống tội phạm có yếu tố nước ngoài. Thượng tá Phùng Tuấn Cường - Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm có yếu tố nước ngoài nhớ lại, khi tiếp nhận vụ việc từ Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Chen Jiong đã bị giám sát tại khu vực phát hiện trạm BTS giả được 3 ngày, do đó rất cần phải hoàn thành thủ tục tố tụng với đối tượng.

“Một mặt một tổ công tác làm rõ hành vi vi phạm, một mặt chúng tôi thực hiện các quy trình thủ tục để Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phê chuẩn lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam để điều tra. “Bữa ăn vội trên đường chỉ có chiếc bánh mỳ, nhưng chúng tôi sẵn sàng ngồi đợi hàng giờ đồng hồ để trao đổi với Viện kiểm sát, thống nhất quan điểm xử lý đối tượng” - Thượng tá Phùng Tuấn Cường nói.

Sau nhiều lần trao đổi, với chứng cứ tài liệu thu thập được, lệnh khởi tố bị can và tạm giam đối tượng cũng được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố phê chuẩn theo đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội. Sáng 30-1 (tức ngày 28 Tết), Chen Jiong đã được đưa vào Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội. Khi ấy, chính bản thân đối tượng cũng phải thốt lên: “Các cán bộ vất vả vì tôi quá. Chúc các cán bộ ăn Tết vui vẻ”.

Do nhiều năm làm việc ở Việt Nam, Chen Jiong được một người Trung Quốc khác thuê cùng một nhóm đối tượng vận hành trạm BTS giả. Công việc hàng ngày của Chen Jiong là thuê khách sạn tại các địa điểm trong thành phố theo yêu cầu của “ông chủ” để đặt máy rồi để máy chạy tự động. Mỗi ngày máy chạy 8 tiếng, Chen Jiong kích hoạt máy xong là có thể đi chơi và cuối tháng nhận mức lương 40 triệu đồng từ “ông chủ”. Mỗi ngày trạm BTS giả nói trên phát tán khoảng 60.000 - 70.000 tin nhắn thành công tới người dùng.

Nguồn: [Link nguồn]

Kẻ gian đặt trạm phát sóng di động giả ở TP.HCM, gửi 80.000 tin nhắn rác/ngày

Vụ việc đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra - Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Văn ([Tên nguồn])
Internet và những hiểm họa khôn lường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN