Có nên nâng cấp lên Windows 8 không?

Bạn đang sử dụng Windows 7 ổn định và Windows 8 cũng chỉ mới chính thức được phát hành. Theo quy luật thì phiên bản ra sau sẽ có rất nhiều cải tiến về tính năng lẫn hiệu năng so với những phiên bản trước đó.

Tuy nhiên Windows 8 có một số khác biệt mà bạn nên cân nhắc xem mình có nên nâng cấp hay không. Testlab của VnReview đã trải nghiệm Windows 8 và sẽ phân tích giúp bạn.

Microsoft đặt niềm tin rất lớn vào Windows 8 và khi một hãng công nghệ "đầu tàu" có sự kỳ vọng về đứa con cưng của mình như vậy thì chắc chắn Windows 8 phải là "một cái gì đó" mang tính cách mạng. Vì thế chúng ta đã thấy được phần nào sự đột phá của hệ điều hành mới này ngay từ khi những phiên bản thử nghiệm được tung ra.

Hiện tại, Windows 7 đang là một trong những hệ điều hành được nhiều người ưa chuộng và tin dùng nhất. Với sự phát triển phần cứng mạnh mẽ như ngày nay thì máy tính hầu hết đều đáp ứng được cấu hình tối thiểu để chạy Win 7 tương đương với chạy Win 8. Tuy nhiên không phải ai cũng sẵn sàng thay đổi do Win 7 đã quá quen thuộc cùng với việc hiện tại Win 8 chưa thực sự tương thích tốt với nhiều loại máy.

Có nên nâng cấp lên Windows 8 không? - 1

Câu hỏi đặt ra là có nên nâng cấp lên Win 8 không và những ai nên nâng cấp lên Win 8? Chúng tôi sẽ đưa ra một vài khác biệt của hệ điều hành mới này so với Win 7 để từ đó các bạn sẽ nhận định được câu trả lời của chính mình.

- Giao diện sử dụng: giao diện sử dụng của Win 8 có thay đổi khá nhiều so với giao diện truyền thống từ các đời Windows trước. Màn hình Desktop lúc này không còn là màn hình mặc định nữa mà là màn hình có các ô ứng dụng được gọi là Start Screen (hay Modern UI). Với những người quen và thích dùng menu sổ ra từ nút Start, Microsoft vẫn để một thanh tương tự khi kích chọn chuột phải ở vị trí này.

Có nên nâng cấp lên Windows 8 không? - 2

Các ô ứng dụng được hiển thị với ảnh nhỏ đại diện trên giao diện mới, một số ứng dụng như xem thời tiết, tỉ giá có thể cập nhật hiển thị thông tin trực tiếp. Việc sử dụng các chương trình, ứng dụng trên giao diện này khá trực quan, nhanh gọn và đơn giản, đặc biệt hỗ trợ tốt với màn hình cảm ứng. Giao diện mới này trên Win 8 mới đầu có thể gây bỡ ngỡ cho người sử dụng nhưng chỉ cần một thời gian ngắn là có thể thích nghi được. Tuy nhiên không hẳn là nhiều người cảm thấy Win 8 phù hợp trên máy tính cũ không có màn hình cảm ứng. Ví dụ như trên giao diện chương trình đang mở không có nút tắt hay phóng to thu nhỏ ở góc trên bên phải nữa, bạn cần di chuột lên cạnh trên ấn và kéo thả xuống cạnh dưới, hoặc di chuyển chuột đến góc của cạnh bên trái màn hình để hiện thanh chương trình đang chạy ở trạng thái nhỏ sau đó bấm chuột phải chọn Close (bạn cũng có thể kéo thả đối với các chương trình trong thanh này giống như thao tác bên trên). Những thao tác như vậy với máy tính dùng chuột thế hệ trước là có vẻ không thuận tiện bằng máy tính với màn hình ứng để chạm.

- Cách thức điều khiển khá giống nhau: cách thức sử dụng giống nhau trên máy tính bảng, smartphone và máy tính. Nếu bạn đã sử dụng quen một trong những thiết bị này thì khi chuyển sang thiết bị khác sẽ thích nghi rất nhanh.

- Khả năng tương thích phần cứng: Hầu hết các máy đang dùng tốt Win 7 thì cũng sẽ dùng tốt với Win 8 do Win 8 hỗ trợ nhiều hơn về trình điều khiển tương thích với phần cứng của máy. Win 8 đòi hỏi cấu hình cũng tương tự như Win 7, có khả năng tương thích với các máy in và dễ dàng điều khiển.

Có nên nâng cấp lên Windows 8 không? - 3

Cấu hình đề nghị Win 7 và Win 8 là như nhau

- Hiệu suất: thời gian khởi động nhanh hơn, có thể là gấp đôi so với Win 7. Hiệu suất hoạt động cũng được cải thiện hơn. Hệ thống đồ họa mới giúp cho việc dựng, di chuyển hay cuộn các cửa sổ ứng dụng, văn bản có tốc độ phản hồi nhanh hơn.

- Hỗ trợ phím tắt: Windows 8 hỗ trợ rất nhiều phím tắt giúp làm việc hiệu quả hơn. Ví dụ: để gọi Control Panel bạn chỉ cần bấm phím Windows + X, Win + C để mở thanh Charms bar, Win + Tab: Mở danh sách Switch List…

- Khả năng phục hồi hệ thống: có hai tính năng là Refresh và Reset. Refresh cài đặt lại Windows nhưng giữ lại các thiết lập, ứng dụng hiện có, còn Reset là cài đặt lại Windows nhưng xóa tất cả dữ liệu hiện có. Hai tính năng này giúp Windows 8 luôn sẵn sàng, đảm bảo không làm trì trệ công việc của bạn do các sự cố, lỗi hệ điều hành như trước.

- Kho ứng dụng: điểm nổi bật mà các đời Windows trước không có là Windows 8 có kho ứng dụng trực tuyến, hỗ trợ liên kết đến kho ứng dụng một cách trực quan và nhanh chóng. Việc cài đặt, cập nhật hệ điều hành cũng như ứng dụng được hoạt động rất tốt.

Có nên nâng cấp lên Windows 8 không? - 4

- Dịch vụ đám mây: thích hợp với các tài khoản Microsoft, lịch, mail… giúp tải về để chia sẻ nhanh chóng với kho dữ liệu.

- Tính năng Storage Spaces: giúp khả năng lưu trữ của Windows 8 an toàn hơn so với Windows 7. Khi bạn có nhiều ổ vật lý, tính năng này sẽ gộp tất cả lại thành một ổ, nếu có ổ nào lỗi thì nó sẽ bảo vệ và khôi phục dữ liệu. Bạn cũng có thể gắn thêm ổ cứng mới để sử dụng.

Bên cạnh đó Windows 8 còn có những hạn chế như:

- Kho ứng dụng còn hạn chế, nhiều chương trình trên Windows cũ không tương thích chạy trên Windows mới. Bạn cần lên trang chủ của các phần mềm này để tìm xem có bản cập nhật để chạy trên Windows 8 không.

- Các thao tác tắt máy, chuyển đổi ứng dụng, tắt ứng dụng rườm rà hơn Win 7.

Như vậy, tầng lớp người dùng trẻ trung, ưa đổi mới, muốn tìm tòi khám phá trải nghiệm mới mẻ là những người nên nâng cấp lên hệ điều hành Windows 8. Có thể nói đây là hệ điều hành đa nền tảng khi được thiết kế để có thể sử dụng tốt trên cả máy tính lẫn máy tính bảng. Đối với những người sử dụng Win 7 thường xuyên để làm việc là chủ yếu và ngại thay đổi thì không nên thay đổi vội vì sẽ mất thời gian làm quen sử dụng Win 8, đôi khi ảnh hưởng công việc vì các chương trình đang dùng không tương thích. Còn với những người ngại thay đổi và muốn chờ sự ổn định hơn cũng như những cập nhật của Win 8 thì có thể chờ thêm phản hồi từ người dùng và những sự thay đổi trong thời gian tới.

Theo tôi thì Win 8 có nhiều ưu điểm nên nếu cảm thấy phù hợp bạn nên nâng cấp để "tận hưởng" và "thưởng thức" những tính năng mà nó mang lại

Nếu bạn đã có sẵn hệ điều hành Win 7 bản quyền thì bạn chỉ cần bỏ ra 40 USD tương đương 800.000 đồng để nâng cấp lên Win 8. Nếu mua bản quyền bán lẻ thì giá là 70 USD tương đương 1,4 triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Anh (VnR)
Hệ điều hành window 8 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN