Chụp được 6 "quái vật" gấp 100 tỉ lần Mặt Trời, khoa học không thể lý giải

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Sáu "quái vật" được ghi nhận trong ánh sáng "xuyên không" từ thế giới 13 tỉ năm trước, là những thiên hà lớn đến nỗi các nhà khoa học gọi là "những kẻ phá vỡ vũ trụ".

Theo Science Alert, một nhóm khoa học gia quốc tế đã tìm được 6 "báu vật" trong dữ liệu của James Webb, kính viễn vọng không gian tối tân được phát triển và điều hành chính bởi NASA: Những thiên hà ra đời chỉ 500-700 triệu năm sau vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ (xảy ra vào khoảng 13,8 tỉ năm trước).

Khối lượng gấp 100 tỉ lần Mặt Trời mà các nhà khoa học đo đạc được từ 6 vật thể cổ đại này không phải là quá lớn đối với các thiên hà hiện tại và vẫn thấp hơn thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà), tuy nhiên là điều rất vô lý ở thời điểm vũ trụ còn "sơ sinh".

Sáu "kẻ phá vỡ vũ trụ" trong dữ liệu của James Webb - Ảnh: NASA/ESA/CSA

Sáu "kẻ phá vỡ vũ trụ" trong dữ liệu của James Webb - Ảnh: NASA/ESA/CSA

Bởi lẽ, để đạt được kích thước khổng lồ, những thiên hà lớn như Milky Way đã phải "nuốt" rất nhiều thiên hà khác trong quá trình tiến hóa (từng được ước tính là ít nhất 16). Các thiên hà hiện đại nhỏ hơn Milky Way và có kích thước ngang ngửa các "quái vật cổ đại" vừa được phát hiện cũng đã phải vài lần trải qua quá trình sáp nhập với thiên hà khác.

Theo các nhà khoa học, kích thước, khối lượng của chúng quá lớn để tồn tại trong các mô hình tiến hóa thiên hà đã được biết đến.

"Lần đầu tiên chúng tôi nhìn vào vũ trụ sơ khai và không biết mình sẽ tìm thấy gì. Hóa ra chúng tôi tìm thấy một thứ bất ngờ đến mức nó thực sự gây ra vấn đề cho khoa học. Nó đặt câu hỏi về toàn bộ bức tranh hình thành và tiến hóa thiên hà ban đầu" - nhà thiên văn học Joel Leia từ Đại học bang Pennsylvania, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Các mô hình trước đó chỉ ra các thiên hà đầu tiên bắt đầu hình thành khoảng 150 triệu năm sau các vụ nổ lớn, từ một "nồi súp" vũ trụ gồm các hạt nổi lên sau vụ nổ Big Bang đã đủ nguội để đông lại thành các nguyên tử, lấp đầy không gian chủ yếu bằng hydro và heli.

Người ta cho rằng sự sáp nhập thiên hà phải là quá trình xảy ra rất lâu sau đó, giữa các thiên hà đủ già. Tuy nhiên phát hiện mới chỉ ra sự kết hợp thiên hà có thể diễn ra từ trước mốc 500-700 triệu năm sau Big Bang, vì chỉ có sáp nhập thiên hà - thậm chí nhiều lần - mới giúp các quái vật cổ đại mà James Webb nhìn thấy đạt được kích thước nói trên.

Sáu "quái vật" này còn thể hiện mật độ vật chất vượt xa các ước tính khoa học trước đó. Nhìn chung, chúng dị thường đến nỗi ban đầu các nhà khoa học nghĩ rằng họ đã có sai sót trong nghiên cứu, trước khi thừa nhận các lý thuyết cần được viết lại.

Họ đặt tên cho 6 thiên hà là "những kẻ phá vỡ vũ trụ". Các bước nghiên cứu tiếp theo càng khẳng định điều đó.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature.

Nguồn: [Link nguồn]

Kính viễn vọng Chile chụp được ”bóng ma” khiến cả một ngôi sao ”lạc lối”

Các nhà khoa học đã cố gắng tìm ra thứ bí ẩn đang bóp méo cả quỹ đạo của một ngôi sao trẻ thuộc chòm sao Thiên Thố. Đó là một "bóng ma" nặng gấp 1.272 - 1.908 lần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN