10 nhóm bảo mật VN và quốc tế sắp tranh tài "nảy lửa", họ là ai?

Sự kiện: Công nghệ

Có những nhóm bảo mật đến từ Nga, Mỹ,... với thứ hạng hiện đang nằm trong top 10 CTF của thế giới.

Đúng một tuần nữa, vào ngày 1/11, 10 đội thi xuất sắc nhất từ vòng sơ loại WhiteHat Grand Prix 2018 sẽ quy tụ tại Hà Nội để tham gia vòng chung kết. Với thành tích trên đấu trường CTF (Capture the Flag - một cuộc thi kiến thức chuyên sâu về bảo mật máy tính, được tổ chức theo mô hình trò chơi chiến tranh mạng) quốc tế và trong vòng sơ loại vào tháng 8 vừa qua của các đội, không dễ để có thể trả lời câu hỏi: Ai sẽ là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch WhiteHat Grand Prix 2018?

10 nhóm bảo mật VN và quốc tế sắp tranh tài "nảy lửa", họ là ai? - 1

Nhiều nhóm bảo mật hàng đầu của thế giới sắp sang Việt Nam thi đấu.

Top 1 vòng sơ loại coconutCoffee đến từ Hàn Quốc là một cái tên vô cùng mới mẻ trên đấu trường CTF. WhiteHat Grand Prix 2018 là cuộc thi đầu tiên mà coconutCoffee tham gia. Tuy nhiên, rất đáng nể là trong vòng sơ loại, coconutCoffee hầu như luôn chiếm vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng và giành ngôi quán quân chung cuộc. Với thành tích lần đầu ra quân như vậy, “lính mới” coconutCoffee là đối thủ nặng ký cho chức vô địch.

Cũng đến từ Hàn Quốc là JustToPlay, một cái tên rất mới trên các bảng xếp hạng CTF quốc tế. Tuy mới tham gia chinh chiến nhưng khả năng của JustToPlay là không thể xem thường.

dcua, đội chơi đến từ Ukraine là cái tên quen thuộc của WhiteHat Grand Prix. Cả 4 lần tổ chức ở quy mô toàn cầu, cuộc thi đều có sự góp mặt của dcua trong top 10: Năm 2015 (top 7), 2016 (top 5), 2017 (top 8) và 2018 (top 2) vòng sơ loại. Tại vòng sơ loại năm nay, dcua thể hiện đẳng cấp đội chơi top 4 CTFtime khi không ít lần soán ngôi đầu bảng và chỉ để thua đội Top 1 với điểm số không quá cách biệt. Trên đấu trường CTF quốc tế, dcua cũng là đội có thâm niên thi đấu lâu nhất khi bắt đầu thi CTF từ năm 2012 với tổng cộng hơn 340 cuộc thi CTF, 39 lần giành chức vô địch. Đã 3 lần để tuột mất chức vô địch, liệu dcua có thay đổi được lịch sử trong vòng Chung kết lần này?

p4team, LC1BC và perfectblue hiện đang nằm trong top 10 trên bảng xếp hạng CTFtime. Cả ba đều đã tham gia hàng trăm cuộc thi CTF lớn nhỏ trên toàn thế giới, giành được khá nhiều giải thưởng và thứ hạng cao. Trong vòng sơ loại, perfectblue nhập cuộc khá sớm và luôn có tên trong top 10, trong khi p4team và LC1BC có những bước đi chậm và chắc đủ giúp họ có mặt trong top 10 chung cuộc.

pwndevils là một đội chơi đến từ Mỹ. Dù mới tham gia WhiteHat Grand Prix từ năm nay, pwndevils đã rất xuất sắc giành vị trí thứ 3 chung cuộc vòng sơ loại. Đa số thời gian diễn ra cuộc thi pwndevils luôn đứng ngay sau top 1 coconutCoffee và rình rập vị trí cao nhất này.

Trong 10 đội lọt vào vòng chung kết WhiteHat Grand Prix 2018 có tới 3 đội Việt Nam: ACEBEAR, Injocker10Kr3s0L. Cả ba đều là những cái tên khá mới của CTFtime khi chỉ tham gia một số ít các cuộc thi CTF. Tuy nhiên, cả ba đội đã xuất sắc vượt qua hơn 700 đội thi để có mặt trong vòng chung kết.

Có thể nói, vòng Chung kết WhiteHat Grand Prix 2018 sẽ là cuộc “so găng” giữa những “ngôi sao mới nổi” và những “gạo cội” trên đấu trường CTF quốc tế. Những ngôi sao mới nổi là coconutCoffe, JustToPlay, ACEBEAR, Injocker10K và r3s0L, những đội chỉ bắt đầu hoặc mới tham gia một số ít các cuộc thi CTF. Trong khi đó, gạo cội là dcua, LC1BC, p4team, pwndevils, perfectblue, những đội có thành tích khá cao trên bảng xếp hạng CTFtime, thậm chí là top 10. Ai sẽ giành ngôi vô địch vẫn là một ẩn số khó đoán và cơ hội được chia đều cho tất cả các đội.

Ở vòng chung kết WhiteHat Grand Prix 2018 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, thử thách vượt qua các lỗ hổng bảo mật trên thiết bị IoT được đưa vào một cuộc thi an toàn thông tin mạng. Việc này đòi hỏi thành viên của các đội phải luôn cập nhật kiến thức mới nhất về các lỗ hổng an ninh, đồng thời phải sở hữu đầy đủ kỹ năng liên quan đến phân tích lỗ hổng hệ thống mạng từ xa, dịch ngược (Reverse Engineering)...

Trong phần thi đầu tiên, mỗi đội sẽ được cấp một hệ thống mạng giống như thực tế tại doanh nghiệp với các thiết bị IoT như: Router, modem Wi-Fi, camera giám sát, hệ thống điều khiển trung tâm, các thiết bị đầu cuối,… Nhiệm vụ của các đội thi là phải vượt qua các lỗ hổng bảo mật tồn tại trên các thiết bị IoT và ghi điểm sau mỗi thử thách.

Sau đó, các đội thi sẽ tiếp tục tham gia phần thi đối kháng trực tiếp Attack/Defense onsite. Thời gian của 2 phần thi kéo dài liên tục trong 8 tiếng (từ 9h30 đến 17h30) ngày 1/11/2018.

3 nhóm bảo mật của Việt Nam sắp chiến ”nảy lửa” với đối thủ Mỹ, Nga

Vượt qua 720 đội thi đến từ 79 quốc gia ở vòng loại, 10 đội xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết đến từ Mỹ, Nga,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN