Việt Nam còn rất nhiều “Running Man”
“Running man” Vũ Xuân Tiến đang tạo nên một “cơn sốt” trên khắp các mặt báo, nhưng Việt Nam đâu chỉ có một “Running Man”.
Các học trò của HLV Arsene Wenger đánh bại ĐT Việt Nam với tỉ số 7-1 nhưng ấn tượng lớn nhất mà họ để lại trong 3 ngày du đấu ở Việt Nam không phải là những gì thể hiện trên sân Mỹ Đình tối 17/7 mà là sự gần gũi, thân thiện và đặc biệt tôn trọng người hâm mộ. Sự kiện mà đội bóng thành London ghi điểm nhiều nhất với người hâm mộ Việt Nam chính là “câu chuyện cổ tích” về chàng trai Vũ Xuân Tiến.
Không phủ nhận những nỗ lực theo đuổi giấc mơ của Xuân Tiến, nhưng suy cho cùng thì “Running Man” cũng chỉ là một CĐV “Pháo thủ” bình thường và hàng vạn CĐV Việt Nam khác có thể làm được như chàng sinh viên này. Nhưng dù sao Xuân Tiến đã may mắn như chính “người hùng” này không ít lần thừa nhận khi anh được HLV Arsene Wenger cùng đội ngũ marketing của Arsenal khéo léo nâng tầm lên thành “hiện tượng” với một câu chuyện có cái kết không thể viên mãn hơn. Và đây cũng có thể là một bài học lớn với những người làm bóng đá Việt Nam khi họ vì những lý do khác nhau mà đã “bỏ quên” hay “hờ hững” với người hâm mộ của mình từ lâu.
CĐV đặc biệt của SLNA
Những "Running Man" đích thực
CĐV chính là tài sản vô giá, là nguồn năng lượng vô tận của các đội bóng, nhưng ở góc độ marketing thì các CLB ở Việt Nam đã vô tình không biết khai thác hay cố tình thờ ơ, không quan tâm đúng mực đến những người vẫn ngày ngày dõi theo từng chuyển động của đội bóng. “Sếp” các đội bóng “vô tình” đã đành, phần lớn các cầu thủ thời nay ra sân thi đấu thì nhiều người cũng chỉ nghĩ đến chuyện miếng cơm của mình chứ mấy ai vì người hâm mộ mà đá. Chậm lương, thưởng, hay lót tay là uể oải ra mặt…
Có không ít những câu chuyện về CĐV Việt Nam có lẽ còn lay động lòng người hơn cả “Running Man” Vũ Xuân Tiến như chuyện hai chàng sinh viên Đặng Văn Xuân và Hoàng Phi Hùng đã đạp xe đạp hơn 600 km chỉ để được xem đội bóng quê hương SLNA thi đấu trong trận làm khách trước K.Kiên Giang hồi tháng 7 năm ngoái. Hay câu chuyện về anh Nguyễn Cường - một CĐV đặc biệt xứ Nghệ, dù chẳng dư giả về tài chính và bị tàn tật (mất một chân), nhưng vì tình yêu không thể nói thành lời với SLNA mà anh Cường luôn cùng Hội CĐV SLNA rong ruổi trên khắp các sân cỏ cả nước để cổ vũ thầy trò HLV Hữu Thắng.
Sự cuồng nhiệt của các CĐV bất chấp nguy hiểm
Rồi mới nhất là chuyện hàng nghìn CĐV xứ Nghệ đã bất chấp cả nguy hiểm đến tính mạng của mình đã leo thang qua tường cao hàng chục mét cùng với hàng rào thép vào sân Vinh chỉ để được xem những Công Vinh, Trọng Hoàng, Văn Quyến…thi đấu. Vào mỗi dịp cuối tuần, vẫn có hàng nghìn CĐV V.Hải Phòng, Thanh Hóa, SLNA, ĐT Long An, K.Kiên Giang… vượt hàng trăm, hàng nghìn km để “tiếp lửa đường xa” cho các CLB thi đấu ở V-League, hay hạng Nhất. Họ bỏ không biết bao nhiêu tiền bạc và công sức, thậm chí đánh đổi rất nhiều thứ khác chỉ vì tình yêu với bóng đá nói chung và với các CLB của mình nói riêng. Nhưng sau nhiều lần, những gì họ nhận lại được từ các đội bóng mà mình trót đem lòng yêu mến là sự thờ ơ, là những tiếng còi méo, là nghi án scandal bán độ, là những “vở kịch” lộ liễu trên sân…
Nhiều người nói thầy trò HLV Arsene Wenger thật không biết “giữ mối” như M.U hay Chelsea khi liên tiếp “hủy diệt” đội tuyển các ngôi sao Indonesia và ĐT Việt Nam với tỉ số 7-0 và 7-1, nhưng ở khía cạnh khác thì ít ra họ đã không “diễn kịch” để phản bội lại tình yêu của người hâm mộ…