U23 VN chấn động châu Á: Đừng vội mơ vươn tầm Nhật Bản, Hàn Quốc

U23 Việt Nam vào tận chung kết châu Á trong khi U23 Nhật Bản & U23 Hàn Quốc mỗi đội nhận một rổ bàn thua mang về.

Nhìn lại tất cả các bàn thắng của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á 2018

U23 Việt Nam vượt qua được U23 Qatar lẫn U23 Iraq, trong khi U23 Nhật Bản và U23 Hàn Quốc đều không tới được chung kết và thậm chí khi bị loại cũng nhận tới 4 bàn thua mỗi đội. Vậy có lẽ bóng đá của Việt Nam đã sắp bắt kịp được Nhật Bản và Hàn Quốc?

U23 VN chấn động châu Á: Đừng vội mơ vươn tầm Nhật Bản, Hàn Quốc - 1

U23 Việt Nam thành công đồng nghĩa bóng đá Việt Nam đã tiến bộ?

Tất nhiên những ai sống thực tế và có hiểu biết sẽ đều nói không. Không chỉ vì Nhật và Hàn đều đã dự World Cup (và hai nước đều đã có đời HLV trưởng làm việc cho ĐTVN), mà còn vì văn hóa bóng đá của họ còn sâu rộng và rõ rệt hơn nhiều so với Việt Nam.

Cửa dưới vẫn là cửa dưới

Đã có nhiều người so sánh hành trình của U23 Việt Nam với ĐT Hy Lạp vô địch Euro 2004, và sự so sánh ấy cũng không quá sai. Hy Lạp đã chấp nhận chơi một thứ bóng đá thực dụng, dựa vào sự kỷ luật trong phòng ngự và chớp thời cơ tốt khi cơ hội đến để chiến thắng.

HLV Park Hang Seo không có giải pháp nào tốt hơn trước những đối thủ mạnh. Cầu thủ của U23 Việt Nam không cao to hơn so với tất cả các đối thủ họ tiếp xúc, cũng chẳng nhanh hơn so với những cầu thủ Uzbekistan hay Qatar. Điểm yếu thể hình/thể lực đã luôn buộc các đội tuyển đại diện cho Việt Nam chấp nhận chơi thực dụng ở các giải đấu lớn.

U23 VN chấn động châu Á: Đừng vội mơ vươn tầm Nhật Bản, Hàn Quốc - 2

Cầu thủ Việt Nam luôn bất lợi về thể hình/tốc độ khi bước ra sân chơi lớn

Ở giải đấu này chúng ta đã có rất nhiều yếu tố thuận lợi, từ một lứa cầu thủ rất tài năng ở mọi tuyến cho tới một HLV không những quản được quân nhà mà còn nắm bắt tốt quân tình của đối thủ để đối phó. Và tất nhiên cũng không thể nói đến may mắn, yếu tố này luôn hiện diện trong một giải đấu kéo dài 6-7 trận.

Đây xét cho cùng cũng chỉ là một giải trẻ. Xin được đưa ra một ví dụ: U21 Thụy Điển vô địch giải châu Âu năm 2015 đánh bại Bồ Đào Nha ở chung kết. Liệu có thể nói ĐT Thụy Điển sẽ có cơ hội vô địch World Cup hay Euro trong tương lai gần? Rất khó. Trong khi đó một vài thành viên của U21 Bồ Đào Nha, như Raphael Guerreiro, William Carvalho hay Bernardo Silva, 1 năm sau đã cùng ĐT Bồ Đào Nha đăng quang Euro 2016.

Sức mạnh của một nền bóng đá chủ yếu vẫn được thể hiện qua khuôn mặt của đội tuyển quốc gia chứ không phải đội trẻ, những tài năng giỏi nhất được lựa chọn cho ĐTQG.

Căn bản vẫn chưa xong

Không chỉ về khâu chiến thuật & thể chất của cầu thủ, bóng đá Việt Nam vẫn còn “cửa dưới” rất nhiều so với Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác ở nhiều khía cạnh khác nhau. Giải chuyên nghiệp V-League vẫn nhiều lúc rất “nghiệp dư” trong cách tổ chức, và ngay cả khâu đào tạo trẻ cũng không quá ấn tượng như dư luận Trung Quốc đang trầm trồ về bóng đá Việt mấy ngày gần đây.

U23 VN chấn động châu Á: Đừng vội mơ vươn tầm Nhật Bản, Hàn Quốc - 3

ĐT Nhật Bản dự 6 kỳ World Cup liên tiếp, tất cả đều từ sau khi J-League ra đời năm 1993

Hiện nay bóng đá Việt Nam vẫn đang tuyển mộ tài năng trẻ qua bàn tay của các CLB chuyên nghiệp, và ngoài lò đào tạo của Hoàng Anh Gia Lai với học viện PVF (hoặc có thể tính thêm đội trẻ của CLB Hà Nội), những trung tâm bóng đá trẻ ở Việt Nam vẫn chưa nhiều. Nhật Bản thì đã nổi tiếng về bóng đá học đường từ lâu: các giải đấu trung học ở Nhật thực tế tồn tại từ tận thập niên 1920.

Bóng đá Nhật Bản thực tế phát triển chậm, họ mãi tới năm 1993 mới cho ra mắt J-League sau nhiều năm các CLB chỉ ở trạng thái nghiệp dư. Nhưng do đã có nền tảng bóng đá học đường mà các tài năng Nhật Bản đã ra thi đấu ở nước ngoài từ sớm. Kỹ sư điện Yasuhiko Okudera trở thành cầu thủ Nhật đầu tiên đến châu Âu thi đấu vào năm 1977 khi khoác áo Koln của Đức, đá bóng ở Bundesliga trong 9 năm sau đó.

Trong khi đó, cầu thủ Việt Nam vẫn chưa vươn ra tới trời Âu ngay cả khi được trao cơ hội. Cuối năm 2016 Nghiêm Xuân Tú 2 lần được các CLB Đức mời thử việc nhưng rồi chọn ở lại V-League với Than Quảng Ninh, từ chối Fortuna Dussendorf vì sợ thử việc không thành thì sẽ thất nghiệp. Okudera năm 1977 cũng sợ mất việc như thế, nhưng ông đã chấp nhận rủi ro tới Đức và cánh cửa đã mở rộng cho cầu thủ Nhật Bản từ đó tới nay.

U23 VN chấn động châu Á: Đừng vội mơ vươn tầm Nhật Bản, Hàn Quốc - 4

Okudera trong màu áo xanh của Werder Bremen, ông đi tiên phong cho bóng đá Nhật khi thi đấu tại Đức từ 1977 đến 1986

ĐTVN đang được huấn luyện bởi một nhà cầm quân người Hàn Quốc và chỉ từng đó cũng nói cho chúng ta biết vị thế của nền bóng đá hai nước đang là thế nào. Điều gì sẽ xảy ra một khi HLV Park Hang Seo không còn làm việc ở Việt Nam? Khi đó liệu các HLV nội có cáng đáng được việc hay chúng ta lại cầu viện vào một nhà thông thái nước ngoài?

U23 Việt Nam là một kỷ niệm vui cho toàn dân Việt Nam. Nhưng đừng vui quá, bóng đá Việt Nam chưa “hóa rồng” như chúng ta tưởng.

U23 Việt Nam chinh phục châu Á: ”Cá chép hóa rồng” nhờ 6 quy định ”vàng”

Thành công của U23 Việt Nam ở giải châu Á vừa qua có dấu ấn lớn của HLV Park Hang Seo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Q.D ([Tên nguồn])
U23 Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN