Sir Alex trở lại làm cố vấn cho MU - Ten Hag: Sự hoài niệm vô nghĩa?

MU có còn cần đến Sir Alex ở CLB? Có cần phải cố tái hiện lại thành công của ông?

   

Cuối tuần này MU sẽ bước vào một mùa giải mới và các fan đang rất ngóng chờ một sự khởi đầu tích cực. Thực ra năm ngoái “Quỷ Đỏ” cũng đã khởi đầu tốt trong ngày Cristiano Ronaldo trở lại, nhưng đó chỉ là một bình minh giả trước khi cả mùa giải trở thành một tấn bi kịch.

MU mong chờ một khởi đầu mới tốt đẹp với Ten Hag cầm đầu

MU mong chờ một khởi đầu mới tốt đẹp với Ten Hag cầm đầu

Erik Ten Hag lên nắm quyền với sự điều hành của CEO mới Richard Arnold và giám đốc bóng đá John Murtough có nghĩa MU đã có một ban bệ mới và cách làm việc mới, hoặc là về lý thuyết thì như vậy. Mùa giải trước ngay cả khi MU ra quân với tư cách đội đương kim Á quân, người ta vẫn hoài nghi cả về tài cầm quân của Ole Gunnar Solskjaer lẫn cách điều hành của Ed Woodward.

Dù vậy chủ nghĩa hoài nghi đã ngự trị ở Old Trafford từ khá lâu, cụ thể hơn là từ khi Sir Alex Ferguson giải nghệ và nhà Glazer đưa ra một loạt quyết định sai lầm trên khía cạnh chuyên môn. Không ngạc nhiên khi các fan MU đau đáu về thời Fergie vẫn nắm quyền và MU không bao giờ trượt khỏi cuộc đua vô địch trong nước, họ mong CLB sẽ tìm được một “Sir Alex mới” và cũng rất vui mừng mỗi khi Ferguson trở lại giúp CLB trong một công việc nhất định.

Có lẽ vì thế mà mới đây Arnold đã lập ra một nhóm cố vấn cho ông bao gồm chính Sir Alex, cựu CEO David Gill và cựu thủ quân MU Bryan Robson. Sự trở lại làm việc cho MU của Sir Alex ở những vai trò như vậy bình thường sẽ luôn được xem là một tín hiệu tốt, rằng người mới đang học hỏi cách thành công của người cũ, nhưng ngay trong trường hợp này chủ nghĩa hoài nghi vẫn thắng thế.

Fan MU luôn hoài niệm về thời của Sir Alex và mong CLB tìm cách tái hiện thành công của ông

Fan MU luôn hoài niệm về thời của Sir Alex và mong CLB tìm cách tái hiện thành công của ông

Thứ nhất, sau khi Sir Alex rời ghế HLV trưởng MU ông đã không can thiệp vào công việc ở CLB, nhưng những người đứng đầu đội bóng cũng không có cái văn hóa lắng nghe lời tham mưu chỉ vì họ không có động cơ. Thế nên chúng ta mới có 6 tháng không hiểu để làm gì của Ralf Rangnick, và khi có cơ hội Rangnick đã bỏ MU ngay để về dẫn dắt ĐT Áo.

Lúc này Arnold đang tạo ra một hình ảnh mình là người chịu lắng nghe để tỏ ra khác biệt so với người tiền nhiệm Ed Woodward. Nhưng việc mời nhóm cố vấn này chẳng khác gì tự làm giảm uy tín của chính mình: nếu Arnold và Murtough có thực tài thì cần gì đưa về những con người cũ kỹ đó? Gill đã không làm việc cho MU trong 9 năm và Robson từ khi trở về MU chỉ đảm nhiệm chức vụ đại sứ chuyên về các hoạt động từ thiện & giao lưu với fan.

Ngay cả với Sir Alex Ferguson, dù ông vĩ đại xuất chúng nhưng đây là một thời đại khác và không thể nghĩ rằng HLV lão làng người Scotland sẽ hiểu được sự khác biệt của bóng đá ngày nay so với 10 năm trước là thế nào. Man City và Liverpool là hai đội mạnh nhất Ngoại hạng Anh lúc này bởi họ không chỉ cạnh tranh nhau về cầu thủ và HLV, mà còn đua cả trong việc tuyển những chuyên gia phân tích dữ liệu giỏi nhất, thậm chí trước đây còn hack dữ liệu của nhau.

3 nhân vật quan trọng trong thành công của Liverpool: Cựu thầy giáo tin học Michael Edwards (trái), nhà cựu vật lý học Ian Graham (phải), và ở giữa là HLV Jurgen Klopp

3 nhân vật quan trọng trong thành công của Liverpool: Cựu thầy giáo tin học Michael Edwards (trái), nhà cựu vật lý học Ian Graham (phải), và ở giữa là HLV Jurgen Klopp

Nhìn ra các CLB lớn ở châu Âu khác, không có mấy CEO hay giám đốc thể thao nào lại phải nhờ đến cố vấn là các đời HLV trước của CLB. Sự thành công của những Beppe Marotta ở Juventus và Inter Milan, Monchi ở Sevilla, Txiki Begiristain tại Man City và Michael Edwards với Liverpool không cần đến sự can thiệp của người cũ CLB, thay vào đó họ chọn những cộng sự đương thời giỏi nhất làm việc cho mình.

Mùa hè năm ngoái chúng ta có câu chuyện Sir Alex Ferguson “thuyết phục” Cristiano Ronaldo trở lại MU thay vì đầu quân cho Man City sau khi anh này quyết định rời Juventus. Ngày về của Ronaldo đã được coi là một dịp hoan hỉ nhưng giờ chủ đề tương lai của CR7 đang là một sự nhức nhối gây chia rẽ giữa các fan, một khi họ thấy rằng danh thủ người Bồ Đào Nha cũng chỉ là một lính đánh thuê. Phải trách rằng MU nói chung và Sir Alex nói riêng vì sao ở thời buổi này vẫn làm việc theo kiểu tình cảm.

Richard Arnold (trái) có thực tâm muốn MU hồi sinh hay vẫn chỉ là tay sai cho nhà Glazer?

Richard Arnold (trái) có thực tâm muốn MU hồi sinh hay vẫn chỉ là tay sai cho nhà Glazer?

Tất nhiên Sir Alex, Gill và Robson đều có nhiều kinh nghiệm để truyền lại và mọi tổ chức đều nên cởi mở đón nhận những ý kiến góp ý. Nhưng đánh vào tâm lý hoài niệm của các fan MU khiến hành động của Arnold giống một trò PR để xoa dịu dư luận hơn là thực sự tìm hướng đi tốt cho đội bóng.

Thời của Sir Alex đã qua rồi và không thể lặp lại được, Liverpool hồi sinh trong hơn nửa thập kỷ qua cũng không cố tái hiện lại kỷ nguyên "Boot Room" nổi tiếng đã giúp họ thống trị bóng đá Anh. 

Theo bạn MU sẽ có thành tích thế nào ở mùa giải 2023/24?

Nguồn: [Link nguồn]

HLV Ten Hag áp dụng kỷ luật thép, Ronaldo phải dè chừng nếu muốn ở lại MU

MU đang gấp rút chuẩn bị cho trận mở màn Ngoại hạng Anh 2022/23 với Brighton. Ở đó, HLV Erik Ten Hag vừa gửi đến siêu sao Cristiano Ronaldo một thông điệp đanh thép.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Q.D ([Tên nguồn])
Manchester United Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN