Quốc Vượng ít cơ hội trở lại thi đấu đỉnh cao
Trong khi những cầu thủ dính chàm ở SEA Games 2005 hầu hết đều đã trở lại với bóng đá đỉnh cao, và trừ Hải Lâm, cả 5 cầu thủ Văn Quyến, Văn Trương, Bật Hiếu, Quốc Anh và Phước Vĩnh đều đã hoặc đang là tuyển thủ QG, thì con đường trở lại bóng đá của Quốc Vượng gần như đã đóng sập, và khát vọng “ngã ở đâu đứng lên ở đó” đang sắp tuột khỏi tầm tay của của tiền vệ tài năng một thời này.
Suốt một tháng nay Quốc Vượng đã chọn cách tắt máy không giao tiếp với bên ngoài, kể cả những cầu thủ đồng đội cũ trong màu áo SLNA thường đi lại cùng anh. Có thể đây là cách Vượng chọn để tĩnh tâm cho cuộc sống không bóng đá sau khi bị CLB Thanh Hóa thanh lý hợp đồng.
Tuy thế, tình yêu với trái bóng vẫn chưa tắt hẳn trong tim Quốc Vượng, và cứ chiều chiều QuốcVượng lại xách giày đi đá phủi tại các sân cỏ nhân tạo ở Vinh như một cách duy trì thể lực, để hy vọng một ngày không xa sẽ quay lại với sân chơi chuyên nghiệp.
Đời không như là mơ
Người viết đã có nhiều lần gặp Quốc Vượng, và gần như mỗi lẫn gặp đó đều gắn với những biến cố cuộc đời của Vượng. Lần đầu tiên là khi Quốc Vượng tái xuất sau 3 năm 8 tháng 18 ngày rời xa sân cỏ, đó là ở trận đấu giữa Thể Công và QK4 trong khuôn khổ V-League 2009.
Chỉ vào sân thi đấu từ phút 59 nhưng với Vượng đó là ngày hành phúc nhất cuộc đời sau thời gian chịu án. Trong 2 dòng nước mắt và mồ hôi đã thấm ướt hết áo, Vượng tâm sự: “Đây là giờ phút tôi chờ đợi đã lâu. Chỉ thi đấu trong thời gian ít ỏi như thế nhưng là niềm hạnh phúc lớn lao, có thể giúp cho cuộc đời tôi tươi sáng hơn. Tôi đã cố gắng thi đấu hết sức mình mặc dù chấn thương cổ chân vẫn còn đau. Nhưng thật hạnh phúc vì được chơi bóng trở lại, và rất xúc động khi được khán giả cổ vũ như thế".
Cơ hội thi đấu đỉnh cao gần như khép lại với Quốc Vượng
Lần thứ 2 gặp Vượng cũng đã khá xa, đấy là khi Vượng vừa có một hợp đồng “khủng” về CLB Xuân Thành Hà Tĩnh với số tiền gia đình được thông báo là 5 tỷ đồng và lương bổng cũng xấp xỉ với mặt bằng chung của V-League. Trong buổi trò chuyện hôm đó, Vượng đã tâm sự nhiều điều và dự tính việc đầu tiên khi nhận được tiền ký kết hợp động là sẽ dùng để sửa lại cho bố mẹ ngôi nhà đã cũ nát, mua sắm một số vật dụng trong gia đình và để trả ơn giúp đỡ cho gia đình họ hàng đã không ngại vất vả chăm nom khi an đang chịu án trong trại giam.
Tuy nhiên, số tiền 5 tỷ ấy mãi mãi chỉ là lời nói gió bay, trừ một khoản đền bù hợp đồng cho CLB cũ của Vượng. Không những thế, Quốc Vượng còn bị trói vào bản hợp đồng này, và phải mất rất nhiều thời gian, đến giai đoạn chuẩn bị của mùa giải năm nay, Quốc Vượng mới được giải thoát để tìm đến bến đỗ mới là đội bóng Thanh Hóa của HLV Triệu Quang Hà.
Lúc đó, khát vọng trở lại bóng đá của Vượng mới thành hiện thực nhờ quyết định đầu quân cho đội bóng xứ Thanh. Một hợp đồng được ký với giá trị lót tay được 2,3 tỷ cho 3 mùa bóng, và Vượng ra đi trong niềm vui chung của gia đình họ hàng và người bạn gái chuẩn bị thành thân với lời hứa làm lại cuộc đời từ 2 bàn tay trắng.
Lần thứ 3, cách chừng khoảng gần nửa tháng đổ lại đây, người viết có dịp trò chuyện cùng Vượng trên sân cỏ nhân tạo trong một buổi chiều tà. Bấy giờ Vượng đã mất hết tất cả khi bị CLB Thanh Hóa thanh lý hợp đồng trước thời hạn.
Vận xui nối tiếp vận xui
Trong cả giai đoạn lượt đi V-League 2012, Vượng chỉ ra sân thi đấu vài trận nhưng không bao giờ thi đấu hết trận vì không đủ thể lực. Chính HLV Triệu Quang Hà đã giang tay cưu mang Vượng cũng không dám mạo hiểm xây dựng lối chơi sử dụng anh ở đội hình chính.
Điều đáng buồn hơn cho Vượng là khi bị thanh lý hợp đồng với CLB Thanh Hóa của bầu Đệ, anh còn phải nhận những thông tin trên nhiều phương tiện truyền thông là bầu Đệ không ngừng lên án Vượng khi cho rằng Vượng vẫn sa vào những thói xấu về sinh hoạt mà không chịu chuyên tâm vào thi đấu.
Lần này Vượng chọn cách im lặng, không giải thích và âm thầm tập luyện Có lẽ trong thâm tâm, Vượng hiểu rằng cuộc đời bóng đá của mình thật sự đã chấm dứt ở đây, và Vượng cũng chẳng giấu điều đó khi than thở: “Cuộc đời em đen nhỉ, gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác mà thôi”.
Việc đầu tiên khi nhận khoản tiền lót tay trong hợp đồng về thi đấu cho CLB Thanh Hóa, Quốc Vượng đã đưa cho bố mẹ mua một ngôi nhà ở khu vực phường Cửa Nam, hiện để cho cô em gái sinh sống, số tiền còn lại sửa lại ngôi nhà của bố mẹ như từng ao ước.
Đã rất nhiều lần Vượng muốn chung tay cùng gia đình xây dựng lại ngôi nhà nhỏ bé đó và năm nay anh thực hiện được ước mơ.
Gia đình là điểm tựa
Nhiều lần vấp ngã nhưng chính gia đình là điểm tựa để Vượng đứng dậy. Điều đó chúng tôi được biết qua những đợt tiếp xúc gia đình nhà ông Quang, bà Hạnh (bố mẹ Quốc Vượng), nói không quá lời thì chính họ là cái phao để Vượng bấu víu ở những lúc sa cơ lỡ vận.
Nhớ lại trong lần gặp trước đây khi Quốc Vượng về thi đấu ở Xuân Thành Hà Tĩnh, bố mẹ Vượng đã rất tự hào khi con mình được trở lại với bóng đá. Bà Hạnh tâm sự cùng người viết: “Mừng cho em nó lắm, bây giờ có thể trở lại sân cỏ được chơi bóng là vui lắm, hơn nữa chơi trong Hà Tĩnh cũng gần gia đình rồi. Rồi em nó sẽ có điều kiện gần gia đình hơn”.
Nhưng dự tính tu sửa về mặt vật chất cho gia đình lần đó cũng bị gác lại do chính Vượng cũng không có được số tiền như được hứa hẹn. Song bố mẹ không trách Vượng mà ngược lại còn trở thành niềm tin để Vượng phấn đấu.
Đến nay, bố mẹ Vượng lại tiếp tục chờ đợi cho Vượng tìm bến đỗ mới một CLB quý trọng tài năng của anh để mong anh được sống bằng tình yêu bóng đá. Chính Vượng cũng đã nhiều lần thừa nhận với người viết điều đó: “Em luôn nghĩ về bố mẹ em. Khi mình đá bóng, có tiền mình lấy tiền ấy chơi bời hết, mà chẳng giúp đỡ được bố mẹ đồng nào. Khi ở trong tù ra em mới thấy được niềm hạnh phúc được sống ở gia đình. Em sẽ cố gắng dùng đồng tiền mình kiếm được vào những việc có ích đỡ đần cho gia đình”.
Lại một ngã rẽ mở ra với Vượng, nhưng lần này có lẽ sẽ chất chứa nhiều rủi ro, bởi năm nay, Vượng đã ngấp nghé tuổi 30, đó là chưa kể anh từng bị chấn thương nặng ở đầu gối khi đá cho Thể Công. Có lẽ trong thâm tâm, Vượng hiểu rằng cuộc đời bóng đá của mình thật sự đã chấm dứt ở đây. Nếu phải chia tay bóng đá theo cách như vậy thì Vượng vẫn còn ấm ức lắm.
Vượng còn khát khao được chơi bóng được cống hiên nhưng rồi cũng cay đắng nhận ra bóng đá là một nghề khắc nghiệt. Nếu phải chia tay trong hoàn cảnh đó Vượng cũng còn lý do để vui mừng vì anh còn có cả một gia đình để nương tựa.