Đây đã phải mùa Hè điên rồ cuối cùng?
Chưa bao giờ có mùa Hè nào kỳ lạ như năm nay: Số tiền chi ra là lớn hơn bao giờ hết, và mọi quan niệm của chúng ta về sự điên rồ cũng đã bị phá vỡ.
Trong quá khứ, các cầu thủ luôn rất lo lắng khi phải thay đổi CLB một năm trước khi World Cup diễn ra. Nhưng bây giờ, để kịp đăng ký danh sách dự Champions League và không bỏ lỡ cơ hội dự World Cup, các cầu thủ vẫn sẵn sàng rời bỏ đội bóng mà họ đã xác lập vị thế khá ổn định để tìm kiếm những cơ hội mới. Dưới đây là một vài nhận xét đúc rút ra từ kỳ chuyển nhượng Hè điên rồ này:
Giá trị cầu thủ leo thang đến điên rồ
Năm 1893, kỷ lục chuyển nhượng thế giới đầu tiên là Willie Groves, trị giá có… 100 bảng chuyển từ West Brom sang Aston Villa đã bị báo chí Anh cho là một vụ mua bán “không tưởng” và “điên rồ”.
Đa số những ký giả đã vội vã kết luận như thế không còn sống đến ngày hôm nay để chứng kiến một cầu thủ có giá trị hơn… 85 triệu bảng, và đó lại là một cầu thủ người xứ Wales. Khi Cristiano Ronaldo chuyển từ Man United sang Real Madrid với giá 80 triệu bảng vào năm 2009, anh đã vô địch Champions League, Premier League và Quả bóng Vàng châu Âu. Bây giờ, Bale thậm chí chưa vô địch Premier League.
Gareth Bale đã đẩy giá trị chuyển nhượng lên đến con số không tưởng. Sau hơn 120 năm, giá trị chuyển nhượng đã tăng gấp 850 nghìn lần. Kỷ lục thế giới đầu tiên đã đứng vững đến 11 năm, trước khi bị thay thế bởi vụ Andy McCombie (chuyển từ Sunderland sang Newcastle giá 700 bảng), nhưng chỉ thêm một năm sau, thế giới đã chứng kiến vụ chuyển nhượng 1000 bảng đầu tiên, Alf Common từ Sunderland sang Middlesbrough năm 1905.
Bây giờ, trong vòng một thập kỷ, kỷ lục chuyển nhượng bị phá vỡ đến 4 lần, và tính từ vụ Zinedine Zidane chuyển từ Juventus sang Real Madrid năm 2000 giá hơn 46 triệu bảng, kỷ lục đã tăng gấp rưỡi ở vụ Bale.
Giá trị của Bale có xứng đáng với số tiền mà Perez bỏ ra?
Mùa Hè này, có 4 vụ nằm trong tốp 10 vụ chuyển nhượng đắt nhất mọi thời, là Bale, Edinson Cavani (từ PSG sang Napoli giá 57 triệu bảng), Falcao (từ Atletico Madrid sang Monaco giá 53 triệu), và Neymar (Santos sang Barcelona giá 50 triệu). Một đội nổi tiếng ‘keo kiệt’ như Arsenal cũng đã bỏ ra 50 triệu bảng chỉ cho một cầu thủ, Mesut Oezil. Nếu vụ này diễn ra vào năm 2008, nó sẽ là kỷ lục thế giới.
Bây giờ, một cầu thủ tấn công dạng tiềm năng như Erik Lamela cũng có giá trị lên đến… 30 triệu bảng, con số xấp xỉ giá của Christian Vieri, kỷ lục chuyển nhượng năm 1999 (từ Lazio sang Inter giá 32 triệu bảng). Đây là một trong những mùa Hè điên rồ nhất trong lịch sử, và giá trị cầu thủ đã leo thang đến không tưởng.
Quyền lực không còn nằm trong tay cầu thủ
Kể từ khi phán quyết Bosman ra đời vào năm 1995, các cầu thủ đã được cung cấp một quyền lực để có thể toàn quyền định đoạt số phận của mình.
Năm 1998, khi Pierre van Hoojidonk quyết định đình công để đòi rời Nottingham Forest, HLV của đội khi ấy là Dave Bassett đã bực mình đến mức đòi ‘gang một cành ô liu vào mông hắn ta’, nhưng không làm gì được. Tương tự là vụ Dwight Yorke đòi chuyển từ Aston Villa sang Man United, CLB rất tức giận, nhưng cũng chẳng biết làm sao. Mùa trước, Robin van Persie cũng đã dằn dỗi như thế, và anh được toại nguyện, từ Arsenal chuyển đến Man United.
Nhưng mùa Hè này, Luis Suarez và Wayne Rooney vẫn phải ở lại, bất chấp mọi nỗ lực phá hoại để được ra đi của họ. Gareth Bale chỉ có thể toại nguyện với một cái giá chuyển nhượng không tưởng, với sự cứng đầu của Chủ tịch Tottenham Daniel Levy.
Đây là một mùa Hè chứng kiến quyền lực cầu thủ trở lại với các CLB, và bạn chỉ có thể mua lòng trung thành với cái giá cực đắt.
Arsenal cũng đã phá két để mua Ozil
Đắt như cầu thủ trẻ
Một nhận xét thú vị của France Football vào tuần trước đã chia các đội bóng ra thành 2 nhóm theo cách tiêu tiền của họ, nhóm ứng viên thực sự cho chức vô địch Champions League, và nhóm thách thức, gồm các đội bóng tiềm năng.
Các ứng cử viên thực sự cho chức vô địch Champions League đã sử dụng tiền của họ cho các tài năng trẻ: Mario Gotze và Thiago Alcantara (Bayern Munich) , Andre Schuerrle (Chelsea ), Marquinhos (PSG ), Henryk Mkhitaryan (Borussia Dortmund), Neymar (Barcelona), Gareth Bale, Isco và Asier Illaramendi (Real Madrid). Tất cả đều từ 24 tuổi trở xuống và có chỉ phí hơn 20 triệu bảng.
Xuống tầng tiếp theo, các đội tiềm năng, rất nhiều tiền của họ đã được đổ vào kinh nghiệm, với những cái tên như Roberto Soldado, 28 tuổi, (Spurs ), Radamel Falcao, 27 tuổi, (Monaco ) và Negredo, 28 (Manchester City).
Các cầu thủ trẻ sẽ là những người thống trị Champions League mùa này, với không ít trong số đó có thể trở thành những ngôi sao hàng đầu.
Đã phải mùa Hè cuối cùng?
Gói bản quyền truyền hình lên đến 5,5 tỷ bảng đã kích cầu chuyển nhượng cho các CLB Premier League, có nghĩa là cả các CLB ở nhóm cuối cùng cũng sẽ nhận khoảng 60 triệu bảng/ năm. Và nó đã mang lại sự hào phóng trong mua sắm: Premier League đã bỏ ra hơn 670 triệu bảng mùa Hè này, gần gấp đôi Serie A (361), Liga (351). Theo France Football, số tiền các CLB chi ra mùa Hè này đã tăng đến 39%.
Mùa Hè điên rồ này liệu có phải là hiện tượng hy hữu trong lịch sử? Giá cầu thủ đã bị đội lên nhờ quá nhiều sự đánh bóng của truyền thông, và tiềm năng kiếm tiền của anh ta trong tương lai, từ bán áo, quảng cáo, bản quyền truyền hình, cho đến rất nhiều chi phí không tên khác. Nếu như thu nhập cao nhất của một cầu thủ cách đây hơn 100 năm chỉ vào khoảng 4 bảng/ tuần, thì bây giờ, nó vào khoảng gần 300 nghìn bảng/ tuần.
Chính vì thế, đừng mong rằng đây sẽ mùa Hè điên rồ cuối cùng, vì thời đại vẫn không ngừng phát triển, kéo theo giá trị cầu thủ.