Đại hội VFF khóa VII: Đi tìm chủ tịch VFF
Ý kiến của đại diện các thành phần có liên quan đến bóng đá bàn về chiếc ghế chủ tịch VFF khóa VII.
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng:
Phẩm chất đầu tiên là phải có nhiều trải nghiệm Chủ tịch VFF vừa phải hiểu biết bóng đá trong nước và có nhiều mối quan hệ quốc tế và phẩm chất đầu tiên là phải có nhiều trải nghiệm. Ai cũng biết ngân sách Nhà nước không đầu tư nhiều cho bóng đá cho nên ông chủ tịch nên có tư duy về kinh tế. Ông ta phải lăn lộn dày dạn trên thương trường, biết cách vận động, thuyết phục các doanh nghiệp đầu tư giúp cho bóng đá phát triển. Trong quá trình làm bóng đá của mình, tôi còn nghiệm ra nhiều điều về người quản lý bóng đá, ngoài sự đam mê còn phải biết chịu đựng mọi khó khăn vì làm bóng đá ở mình dễ nản lòng khi vấp phải sự đụng chạm ngoài ý muốn.
Lá phiếu của nhiệm kỳ VII liệu có dân chủ và thể hiện tính xã hội hóa thực thụ? Ảnh: QUANG THẮNG
Chủ tịch VFF vừa lo cho các đội tuyển quốc gia, vừa còn phải biết định hướng và vạch ra chiến lược cho bóng đá Việt Nam, phải có đầu óc làm kinh tế. VFF là một tổ chức xã hội thì nhất thiết phải có tiền và tôi tin các đại biểu sẽ chọn lựa đúng theo nguyện vọng của mình.
Giảng viên bóng đá Đoàn Minh Xương:
Phải xã hội hóa triệt để VFF là một tổ chức xã hội thì mình phải xã hội hóa triệt để, nghĩa là ông chủ tịch VFF không nên là người nhà nước. Chủ tịch VFF phải có uy tín và vị trí trong xã hội, có khả năng tập hợp, phát huy mọi nguồn lực xã hội.
Tôi nghĩ ông chủ tịch có tiền thì rất tốt hoặc ông ta phải có điều kiện tìm tiền. Nó ưu tiên cho người có vai trò quan trọng về kinh tế, là chủ của tập đoàn hoặc công ty lớn nào đó.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước phải giúp đỡ, hỗ trợ cho VFF chứ đừng nghĩ phải có người của mình vào lãnh đạo thì mình mới giúp. VFF của xã hội thì hãy để xã hội quyết định.
Phó chủ tịch Hội CĐV Việt Nam Trần Song Hải:
Không nhất thiết chủ tịch VFF phải là người của bộ hay tổng cục Nhìn vào danh sách 44 thành viên Ban Chấp hành VFF, tôi thấy lo ngại bởi ở đấy không có HLV, cầu thủ nổi tiếng, cũng không có những chuyên gia bóng đá… VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp cho nên phải có người hiểu và tâm huyết mới đi đến thành công. Vì thế tôi thấy không ổn khi VFF không tập hợp đầy đủ con người am hiểu bóng đá.
Ông chủ tịch của sáu nhiệm kỳ VFF qua đều là người của ngành thể thao giới thiệu đã nói thay cho thói quen cũ kỹ của cơ quan nhà nước luôn giành quyền kiểm soát, lãnh đạo. Cái thiếu chung lớn nhất của họ chính là khó tập hợp chuyên gia, những người làm giỏi và có cái tâm. Họ thường không có biện pháp, chiến lược nào cụ thể cho người thực thi. Điểm yếu của họ còn là các khóa sau không có tính kế thừa.
Đại hội VFF lần này cần có một cuộc cách mạng, không nhất thiết phải là người của bộ hay tổng cục chuyển qua. VFF nên đổi mới và bầu chọn công khai.
Trong số các ứng cử viên cho chức Chủ tịch VFF, tôi thấy có điều lạ lùng khi Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải hai lần xin rút rồi, nghĩa là người ta không thích thì đừng ép, chắc chắn sẽ miễn cưỡng dẫn đến không làm được.