Trận đấu nổi bật

Xem thêm

Partizan vs Dynamo Kyiv
Logo Partizan - PAR Partizan
-
Logo Dynamo Kyiv - DYN Dynamo Kyiv
-
Fenerbahçe vs Lugano
Logo Fenerbahçe - FB Fenerbahçe
-
Logo Lugano - LUG Lugano
-

Cần hiểu đúng vai trò chủ tịch VFF

Chiếc ghế chủ tịch VFF bây giờ nóng hơn bao giờ hết bởi nó là cuộc đấu thực sự kể từ khi Bộ VH-TT&DL chính thức cử Thứ trưởng Lê Khánh Hải tham gia tranh cử vị trí chủ tịch VFF.

Hôm qua, trao đổi với tôi, nguyên Chủ tịch LĐBĐ VN Mai Liêm Trực tâm sự: “Bóng đá là cuộc chơi, là game nhưng bây giờ nhìn vào cách người ta làm bóng đá và tranh giành thì rõ ràng là bóng đá đã mất đi nhiều ý nghĩa tốt của nó rồi. Từ khi tôi nghỉ làm chủ tịch VFF, tôi vẫn theo dõi đều và mỗi một nhiệm kỳ trôi qua tôi lại rút ra được kiểu làm bóng đá. Hình như họ lệch hướng rất nhiều và ngay cả chuyện tìm người làm chủ tịch cũng lệch nốt…”.

Ông Mai Liêm Trực là người rất có uy tín ở khóa IV, là người duy nhất trong đời chủ tịch VFF thực hiện được bản đề cương cải tổ bộ máy VFF và là người đau đáu việc xây dựng lộ trình để làm mới lề lối, hoạt động trong ngôi nhà bóng đá. Tuy nhiên, chưa đi trọn nhiệm kỳ thì ông bất lực vì người làm ít, người phá nhiều. Ông rời ghế chủ tịch VFF với câu nói bất hủ: “Mặt bằng bóng đá Việt Nam thấp hơn mặt bằng xã hội”.

Lần này thì những nhà làm bóng đá lại đang nhìn vai trò của người lãnh đạo bóng đá dưới những góc độ khác nhau. Rõ nhất là đương kim Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ từng đưa ra tiêu chí chủ tịch phải là người giỏi kiếm tiền. Mới đây, Bộ VH-TT&DL lại lên tiếng rằng chủ tịch cần phải là người của Bộ để tăng cường công tác quản lý (!?).

Hóa ra là vai trò của người đầu ngành VFF đang bị chính những người làm bóng đá và cơ quan quản lý về mặt nhà nước hiểu sai rất nhiều.

Cần hiểu đúng vai trò chủ tịch VFF - 1

Sau khi đưa Phó Tổng Cục trưởng Phạm Văn Tuấn (phải) vào và thấy không ổn, Bộ lại cử nhân vật nặng ký hơn là Thứ trưởng Lê Khánh Hải (trái). Ảnh: QUANG THẮNG

Cá nhân tôi cho rằng bóng đá là tổ chức xã hội thì hãy để xã hội quyết phần con người cho bộ máy đấy. Tuy nhiên, phần tìm đầu tàu cho một bộ máy không nhất thiết phải là người giỏi kiếm tiền như ông chủ tịch VFF đương nhiệm đặt ra. Cũng chẳng cần máy móc như Bộ VH-TT&DL cử cấp thứ trưởng ra ứng cử với suy nghĩ cần tăng cường quản lý cái tổ chức xã hội đấy. Bởi thực chất nếu chỉ tăng cường quản lý theo quan niệm của Bộ thì vị trí chủ tịch VFF rất cần người có tầm và có tâm, đủ khả năng để giám sát và giải quyết các vấn đề nhiều rắc rối và được dư luận quan tâm như ở bộ máy VFF hiện nay. Cần biết rằng dưới tay ông chủ tịch là cả một êkíp bao gồm tài chính, chuyên môn, truyền thông, luật pháp… và người chủ tịch phải là một tổng công trình sư có thể lèo lái và kết hợp các thành phần lại để cùng chạy về một hướng và phục vụ cho một mục đích thiết thực: Phát triển đồng bộ bóng đá Việt Nam.

Một bộ máy đồng bộ và cùng đồng hành với cái tâm lẫn cái tầm không thể cứ mỗi mùa lo tìm nhà tài trợ đưa cho vài chục tỉ đồng để tồn tại một giải đấu. Càng không thể là một bộ máy mà đến lúc thua một đối thủ yếu như Hong Kong rồi mới giật mình phân tích và chống chế trước việc vì sao không có tuyến kế thừa. Và cũng càng không thể là bộ máy mà mong vô địch AFF Cup để thành phần điều hành còn tồn tại cho nhiệm kỳ mới mà không nhìn ra sau lưng thế hệ vô địch AFF Cup chúng ta có gì, còn gì?

Thất bại của những nhiệm kỳ trước không phải là không kiếm ra nhiều tiền mà là việc mỗi bộ phận chạy một hướng hay nói đúng hơn là ông chủ tịch không giám sát, lẫn không giải quyết được các tình huống nơi từng bộ phận để kết hợp họ thành một cỗ máy đồng bộ. Thậm chí là tiền kiếm được nhiều nhưng đến với các đội hay phục vụ cho những lộ trình không đúng hướng, đúng cách cũng không thể phát triển một nền bóng đá được…

Hiểu đúng về vai trò của một chủ tịch sẽ tránh được những sai sót rất lớn trong việc tìm thủ lĩnh và tất cả chạy theo cái đầu tàu đấy!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Nguyên (phapluattp.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN