Bóng đá Việt Nam: Gian nan “trừ sâu”
Chuyện 4 vị “vua áo đen” dính nghi án nhận hối lộ mới đây cũng như tiêu cực trong làng bóng Việt chẳng có gì mới. Vấn đề là các nhà làm bóng đá nước nhà có quyết làm đến cùng để “diệt sâu” hay không?
Thực chất, chuyện các trọng tài nhận tiền “bồi dưỡng” trái quy định từ các đội bóng chẳng có gì mới với bóng đá Việt Nam. Khi mới bắt đầu bước chân vào làm bóng đá, ông bầu nổi tiếng Đoàn Nguyên Đức đã không ít lần khiến dư luận nổi sóng khi “biếu quà” cho các vị “Vua áo đen” như tặng gạc nai và mật gấu rừng cho giám sát Đ.Q.D.
Tiếp đó, ông bầu của Hoàng Anh Gia Lai đã gây xôn xao khi dính đến vụ bồi dưỡng cho tổ trọng tài làm nhiệm vụ trận đấu giữa “Gỗ” và “Gạch” ở Cúp quốc gia trên sân Pleiku ngày 12/1/2003 (ĐTLA thắng 1-0). Khi ấy, đội bóng phố Núi đã chủ động đưa 4 phong bì trong đó có 200 USD cho tổ trọng tài và 3 trong 4 vị “vua áo đen” đã từ chối nhận. Duy chỉ có trợ lý Dương Mạnh Hùng đã cầm phong bì và báo cáo lại với VFF, sau đó vụ việc vỡ lở.
Đặc biệt, chắc hẳn những người trong cuộc vẫn chưa quên vụ việc ông “vua sân cỏ” Lương Trung Việt môi giới hối lộ bị phanh phui và bị kết án 7 năm tù hồi tháng 7/2007. Hay mới nhất là khẳng định chắc nịch của bầu Kiên ở Lễ tổng kết V-League 2011. Trong lần “cướp diễn đàn” ngoạn mục này, bầu Kiên đã phanh phui những “góc khuất” của bộ máy điều hành bóng đá, BTC V-League cũng như đội ngũ trọng tài. Bầu Kiên đã khẳng định có nhiều trọng tài đã nhận tiền để xử ép đội khác ở giải vô địch quốc gia và chỉ trích cách xử lý tiêu cực nhẹ tay theo kiểu “sống chung với lũ” của những người có trách nhiệm với lực lượng trọng tài.
Trọng tài Võ Minh Trí từng lỡ cơ hội đoạt Còi vàng vì những sai lầm mắc phải khi cầm còi trận SLNA - HAGL
Rồi khi VPF được thành lập, một trong những nhiệm vụ tiên quyết của tổ chức này là làm trong sạch đội ngũ “cầm cân nảy mực”. Việc đầu tiên mà VPF tiến hành làm để ngăn ngừa tiêu cực có thể xảy ra là tăng các chế độ đãi ngộ với các vị “vua áo đen”. Mùa giải này, Ban tư vấn đạo đức được thành lập cũng phần nào là để “soi” những tiêu cực liên quan đến đội ngũ trọng tài có thể xảy ra. Nhưng có điều, căn bệnh thành tích đã ăn quá sâu vào tư duy của nhiều người.
Ở cái thời “gạo châu củi quê” bây giờ, thành tích với một đội bóng lại càng có giá khi nó có tính chất quyết định trực tiếp đến “nồi cơm” của các thành viên của CLB. Bởi chỉ khi có thành tích thì CLB mới kêu gọi được đầu tư, cũng như kiếm tiền từ các hợp đồng tài trợ. Kinh tế khủng hoảng, nhiều ông bầu đã phải tháo chạy, các đội bóng không ngừng kêu than về tình hình tài chính, nhưng có một sự thật rằng dù có nghèo đến mấy thì vẫn còn chuyện một số đội bóng dành ra một khoản “đen” để mong “bôi trơn” các mối quan hệ, đặc biệt là với các trọng tài, như chính người trong cuộc công khai tiết lộ ở lượt đi V-League 2013 vẫn xuất hiện tình trạng CLB cho tiền trọng tài.
Trả lời câu hỏi “Có bao nhiêu phần trăm trọng tài Việt Nam bị đạn bắn thủng?”, cựu “Còi vàng Việt Nam” Dương Mạnh Hùng đã từng thẳng thắn cho biết: “Có bao nhiêu phần trăm thì chủ yếu do việc các trọng tài có vượt qua được sức ép hay không, chứ trình độ chuyên môn không hẳn là kém. Ngoài ra, một số trọng tài bị đạn bắn thủng còn do nhiều yếu tố khác nữa. Có rất nhiều cách để người ta có thể chỉ đạo được các trọng tài…Có những điều khủng khiếp nữa là có trọng tài chưa hay, chưa giỏi nhưng lại mượn trận đấu đó để đạt được mục đích cá nhân. Tôi khẳng định rằng các trọng tài còn bị chi phối bởi một hay nhiều nhân vật ở cấp trên nữa…”
Tiêu cực, vấn đề không hề mới mẻ với bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua. Hay nói cách khác thì vườn rau nào cũng dễ có sâu nhưng liệu những người làm bóng đá Việt Nam có quyết làm đến cùng để “diệt sâu” hay lại sợ nếu làm sạch thì sẽ…sạch bách thì đó vẫn là câu hỏi lớn mà bóng đá Việt Nam bấy lâu nay vẫn chưa tìm ra được lời giải…