Bảo vệ "gái làng"?!
Cuối cùng thì sau khi là quan sát viên, bóng đá Úc đã được chính thức gia nhập liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á – AFF. Úc là thành viên thứ 12 sau Đông Timor được gia nhập hồi năm 2004. Nhưng dù Úc đã là thành viên chính thức, AFF vẫn có những quy định rất riêng dành cho họ.
Ông Dương Vũ Lâm, Phó Chủ tịch AFF, cho hay quy định mà AFF dành cho liên đoàn Bóng đá Úc là không được cử đội tuyển quốc gia cả nữ và nam tham gia Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á. Họ chỉ được tham dự các giải bóng đá trẻ từ U19 trở xuống. Theo AFF, do trình độ bóng đá Úc cao hơn, cách biệt với trình độ các quốc gia còn lại trong khu vực nên nếu cho Úc “chơi cùng” sẽ cản trở việc phát triển bóng đá của khu vực. Cũng mới đây, Đông Timor, thành viên thứ 11 của AFF đã phản ứng và đề nghị AFF Cup nên bỏ đi vòng sơ loại mà thay vào đó, 11 đội bóng trong khu vực sẽ chia thành ba bảng đấu để đấu vòng loại. Đề nghị này sẽ được xem xét vào tháng 6 trong cuộc họp của lãnh đạo AFF.
Vậy là có hai cách đối xử với hai liên đoàn bóng đá mới gia nhập AFF. Với Đông Timor, một đội bóng yếu, họ được khuyến khích tham dự mọi cuộc chơi. Còn với Úc, vì trình độ cao hơn nên buộc phải đứng ngoài giải đấu duy nhất trong khu vực dành cho cấp độ đội tuyển. Thậm chí, nếu thông qua yêu cầu của các nước như Đông Timor, Lào và Campuchia, giải đấu AFF Cup chỉ có 11 đội bóng, nếu chia thành ba bảng thì bắt buộc một bảng chỉ có ba đội, trong khi hai bảng còn lại có đến bốn đội, một sự bất hợp lý.
Nhưng trên hết, lý do mà liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á đưa ra về việc cấm sự tham dự của đội Úc có vẻ như nhận được sự đồng thuận theo kiểu “bảo vệ gái làng” từ các liên đoàn bóng đá “mơ một lần lên đỉnh”. Như với đội tuyển Việt Nam, sau năm 2008 lên ngôi vô địch nhờ ít nhiều vào may mắn, đến nay giấc mơ một lần nữa là nhà vô địch vẫn chỉ là giấc mơ. Người làm về thể thao không thể không biết, cơ hội cọ xát với đối thủ mạnh hơn luôn giúp cho các đối thủ yếu học hỏi được nhiều. Không phải vô cớ các nước trong khu vực luôn phải bỏ ra rất nhiều tiền để mời những câu lạc bộ châu Âu đến thi đấu. Chẳng nói đâu xa, phía Việt Nam sắp bỏ ra số tiền lên đến 1 triệu USD để mời đội Arsenal sang thi đấu và chỉ mong họ đưa đội hình mạnh của mình sang để được học hỏi. Trước đó, không ít lần VFF đã phải buồn lòng khi nhìn sang các liên đoàn khác như Thái Lan, Malaysia… chi tiền mạnh lần lượt mời những đội bóng mạnh sang nước họ giao lưu.
Sân chơi ở khu vực Đông Nam Á vốn đã quá vất vả với “ứng viên vô địch” Việt Nam. Giờ mà thêm Úc thì chắc khổ
Ai cũng biết, Úc gia nhập AFC và giờ là AFF nhằm tìm kiếm một trong năm chiếc vé dự vòng chung kết World Cup. Chính vì vậy, bóng đá Úc đã vươn lên tới một tầm khác hẳn. Trong đội tuyển của họ có những cầu thủ tên tuổi, đang chơi ở những giải đấu lớn trên thế giới. Trước đây, những người yêu bóng đá ít nhiều cũng biết đến bộ đôi Mark Viduka hay Harry Kewell đình đám. Và trong danh sách đăng ký tham dự vòng loại World Cup 2014, Úc tiếp tục khẳng định mình khi chỉ có một cầu thủ đang chơi ở giải trong nước, còn lại những Tim Cahill hay thủ thành Mark Schawarzer… đều đang thành danh ở giải ngoại hạng Anh.
Vậy hà cớ gì nếu vì người hâm mộ, vì sự phát triển của các cầu thủ và đội tuyển quốc gia lại không đồng ý cho Úc tham dự các giải đấu ở cấp độ đội tuyển? Hà cớ gì lại cản những người hâm mộ không được xem những pha xử lý đẳng cấp tận mắt khi đội tuyển của mình thi đấu với đội bóng được coi là mạnh nhất liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á hiện nay? Và vì lý do gì lại bỏ qua cơ hội được chơi cùng với một đội bóng mà nếu bình thường, phải mời họ sang thi đấu giao hữu và còn phải nơm nớp lo không biết họ có đưa cầu thủ loại tốt nhất sang cho mình được học hỏi không, sẽ phải tốn bao nhiêu tiền mới mời được họ; thậm chí có tiền rồi cũng lo lắng không biết họ có nhận lời chơi cùng hay không?
Có vẻ như những “yêu sách” của quan chức tại AFF trước việc gia nhập của Úc chẳng khác gì so với việc VFF đang đối xử với các cầu thủ đã nhập tịch tại Việt Nam. Công nhận hết, nhưng chơi thì không cho chơi chung vì sợ... thiệt thòi.