Sinh viên trải nghiệm công việc làm thêm sau Tết

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Dư âm Tết Nhâm Dần vẫn còn vương vấn, những ngày cuối Tết cũng là những ngày nhiều sinh viên tất bật hành trang để đến trường học trực tiếp. Câu chuyện làm thêm sau Tết luôn là vấn đề "nóng", được nhiều sinh viên quan tâm.

H' Bé Niê có nhiều trải nghiệm thú vị với công việc viết lách.

H' Bé Niê có nhiều trải nghiệm thú vị với công việc viết lách.

Cũng như nhiều sinh viên khác, H' Bé Niê (sinh viên năm thứ nhất, ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y học, trường ĐH Nguyễn Tất Thành) muốn kiếm một công việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải cho việc học, trước khi bắt đầu học trực tiếp.

"Đây không phải là lần đầu tiên mình xa nhà, nhưng là lần đầu tiên mình trải nghiệm công việc làm thêm. Khác với các bạn sinh viên khác là tìm các công việc phục vụ, mình quyết định chọn công việc làm cộng tác viên viết bài quảng cáo. Mình đã tự nghiên cứu công việc này từ năm trước và bây giờ mới chính thức bắt đầu", H' Bé Niê chia sẻ.

H' Bé cho biết mỗi bài viết hoàn thành cô sẽ được trả 50.000 – 100.000 đồng (tùy theo yêu cầu về độ dài). "Đối với một người không chuyên thì đây là mức giá phù hợp, cũng xem như là một trải nghiệm mới. Hơn nữa viết nội dung là công việc online, còn khá tự do về mặt thời gian nên sẽ không ảnh hưởng đến việc học tập cũng như sinh hoạt. Viết nội dung là một công việc trải nghiệm vì thu nhập của nó không quá cao, trừ khi bạn bỏ ra nhiều thời gian và công sức hoặc bạn là dân chuyên nghiệp thì sẽ khác”, H' Bé "bật mí" thêm.

Vậy nên theo H' Bé bên cạnh công việc viết nội dung đang khá hot thì rất nhiều bạn sinh viên chọn công việc bán hàng; làm nhân viên tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị; phục vụ cho các nhà hàng, quán cà phê, quán ăn hay các quán nhậu...

Tô Nhật Định (năm thứ hai, ngành Kỹ thuật Chế biến món ăn, trường Hướng nghiệp Á Âu) cho biết, thu nhập trung bình từ công việc phụ bếp hoặc phục vụ quán nhậu là khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Số tiền này chủ yếu được Định sử dụng để đóng tiền trọ và phụ vào chi phí sinh hoạt, đi chơi với bạn bè, hoặc dùng để phòng ngừa chi phí phát sinh.

"Việc làm thêm không mang lại cho mình thu nhập quá lớn, tuy nhiên đối với sinh viên thì mình thấy mức lương này khá ổn; nó giúp mình thoải mái hơn trong chi tiêu và giảm gánh nặng cho gia đình. Ngoài ra, công việc làm thêm tiệm cận với ngành mình đang theo đuổi mang lại cho mình nhiều trải nghiệm cũng như kinh nghiệm để phát triển công việc sau này".

Tô Nhật Định với công việc làm thêm từ chính ngành học của mình.

Tô Nhật Định với công việc làm thêm từ chính ngành học của mình.

Bên cạnh việc tìm kiếm những công việc làm thêm phù hợp, thì cách quản lý thời gian để cân bằng giữa việc học và việc làm thêm là rất quan trọng. Danh Thị Ngọc Thư (năm thứ hai, ngành Tiếng Anh Du lịch, trường CĐ Kiên Giang) chia sẻ: "Công việc làm thêm của mình là làm bán thời gian tại quán cà phê. Nếu nói về bí quyết thì thật ra mình không có bí quyết gì cả, chỉ là đối với mình, việc học mới là quan trọng nhất nên mình chỉ đi làm thêm vào những ngày cuối tuần để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến việc học".

Thư cũng kiếm công việc làm thêm sớm để có thêm những trải nghiệm.

Thư cũng kiếm công việc làm thêm sớm để có thêm những trải nghiệm.

Lê Huỳnh Quang Duy (năm thứ hai, ngành Truyền thông Đa phương tiện, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) đang làm công việc gia sư cũng chia sẻ: "Theo mình thì mỗi bạn phải biết tính toán ngay từ đầu rằng khi làm thêm thì làm bao nhiêu tiếng, khung giờ nào và yêu cầu công việc ra sao; phải đặt ra những tiêu chí rõ ràng để đánh giá xem công việc nào ít ảnh hưởng đến việc học tập nhất, từ đó đi tìm công việc phù hợp với hoàn cảnh bản thân".

Lê Huỳnh Quang Duy với công việc làm thêm gia sư.

Lê Huỳnh Quang Duy với công việc làm thêm gia sư.

Ngoài ra, theo Duy, sinh viên cũng cần nhận định xem ở từng giai đoạn thì mục tiêu chính của mình là gì, muốn tập trung vào việc học hay muốn tập trung vào những trải nghiệm cuộc sống. Bên cạnh đó cũng luôn phải biết linh động thời gian một cách hợp lý để việc làm thêm không ảnh hưởng đến tiến độ học tập.

"Có thể tuần này là cao điểm của việc học thì mình sẽ chủ động trao đổi để giảm giờ làm, còn nếu rảnh rỗi việc học thì mình có thể tập trung nhiều hơn cho công việc. Theo mình như thế là hợp lý nhất", Quang Duy bộc bạch.

Nguồn: [Link nguồn]

Tiết kiệm tiền làm thêm 6 tháng, nam sinh viên mua căn hộ 8,5 tỷ đồng, lý do cực đáng yêu

Một nam sinh viên ở Úc đã mua được căn hộ đầu tiên của mình - ở khu xa xỉ hẳn hoi - chỉ bằng cách miệt mài làm thêm trong 6 tháng. Và lý do mà anh ấy quyết tâm mua nhà lại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Hòa ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN