Nữ sinh luật mồ côi vượt lên nghịch cảnh

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Bằng nghị lực và ước mơ, sau những ngày tháng cơ cực, vừa học vừa theo mẹ đi làm, em cũng bước chân vào giảng đường đại học với điểm số khá cao.

Tuổi thơ "dữ dội”

Gặp nữ sinh Lê Thị Hòa tại khu ký túc xá trường đại học Luật Hà Nội vào một buổi tối mùa đông trời se lạnh. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về cô bé là sự tự tin, mạnh mẽ và đầy nghị lực sống. Có lẽ, chính tuổi thơ bất hạnh và những ngày tháng cơ cực đã trang bị cho em những phẩm chất quý giá và đầy chất "thép" như thế.

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, bố thường xuyên đau yếu nên mọi việc chủ yếu do một bàn tay mẹ làm.  Là con gái cả nên từ nhỏ, Lê Thị Hòa đã sớm quen dần với những việc làm thêm thường nhật ở nhà để giúp đỡ bố mẹ.

Cuộc sống gia đình nhà Hòa vốn cũng không khấm khá cho lắm bởi vùng quê em chủ yếu vẫn trông vào mấy sào ruộng, nuôi con gà, con lợn và ít rau quả trồng trong vườn. Nhưng kể từ ngày người cha qua đời vì bạo bệnh, cuộc sống của bốn mẹ con Hòa càng khó khăn hơn vì những khoản nợ nần chồng chất mà gia đình phải chạy vạy khắp nơi từ cô dì chú bác đến hàng xóm láng giềng để chạy chữa, thuốc thang cho bố trước đó.

"Năm em học lớp 8, bố em đột ngột qua đời, mẹ suy sụp, buồn chán và gần như muốn buông xuôi tất cả. Sự ra đi của bố như một cú sốc nặng, đặc biệt đối với mẹ và bản thân em. Em cũng buồn và suy nghĩ nhiều lắm, nếu như mình tiếp tục đi học ai sẽ phụ giúp mẹ làm việc để nuôi hai em nhỏ ăn học. Hơn nữa nếu em tiếp tục đi học thì mẹ cũng không đủ khả năng cho em ăn học lên cao hơn nữa, chi bằng nghỉ sớm để phụ mẹ kiếm tiền lo cho các em được học hành tử tế", Lê Thị Hòa chia sẻ.

Sau ngày bố mất, cô bé đang ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" đã suy nghĩ rất nhiều về việc có nên tiếp tục học nữa hay thôi, nếu có học thì tương lai của em sẽ ra sao? Hoàn cảnh gia đình ngày càng khốn khó, nghĩ đến cái ăn, cái mặc còn khó, nói chi đến đi học, rồi lại còn chuyện học hành của ba chị em nữa nên Hòa đã chủ động nghỉ học.

Ngày tháng buồn thương đã vơi dần đi, mẹ Hòa lấy lại được thăng bằng và quyết tâm không để em phải nghỉ học vì nhà nghèo, dù có phải làm đêm làm ngày. Gia đình em có hơn 3 sào ruộng Bắc bộ, không đủ ăn cho cả nhà nên mẹ em đã xin cấy nhờ những nhà có nhiều ruộng. Ngoài thời gian đi học nửa buổi, thời gian còn lại, Hòa luôn đi làm cùng mẹ, đến tối về khoảng 9h mới học bài đến 1-2h sáng mới đi ngủ. Sáng ra, em lại dậy sớm ôn lại bài và chuẩn bị đến trường.

Nữ sinh luật mồ côi vượt lên nghịch cảnh - 1

Nữ luật sư tương lai Lê Thị Hòa luôn tự tin và "dám" mơ ước

Dù hai mẹ con làm việc quần quật suốt ngày, nhưng cũng chỉ đủ ăn, trong khi đó, các em ngày một khôn lớn và tốn kém. Học hết cấp 2 chuẩn bị ôn thi lên cấp 3, em lại muốn bỏ học để đi làm kiếm tiền phụ mẹ trả nợ và để dành tiền nuôi các em ăn học sau này. Hòa chia sẻ: "Khi chuẩn bị thi lên lớp 10, em cũng định nghỉ ở nhà, nhưng em được mẹ và các thầy cô, bạn bè khuyên em nên học tiếp rồi thi đại học, sức học của em lúc đó khá tốt. Mẹ em bảo chỉ có con đường học mới có tương lai nên phải cố gắng học.

Nhiều người cũng khuyên em nên nghỉ học để giúp mẹ, bởi em có học tiếp cấp 3 và thi đỗ đại học thì mẹ em cũng không nuôi được. Học cấp 3 sẽ rất tốn kém và tạo thêm gánh nặng cho gia đình. Và chuyện ra trường, liệu có xin được việc hay không. Nhưng nghĩ đến câu nói của mẹ, em lại được tiếp thêm nghị lực để học tiếp, em đã thi đỗ vào trường chuyên của huyện".

Ba năm học cấp 3, cô nữ sinh bé nhỏ Lê Thị Hòa vẫn nửa buổi đạp xe đến trường, nửa buổi còn lại theo mẹ đi làm. Ngay từ đầu cấp 3, em đã hướng theo học ban A để thi vào các trường khối kinh tế, bởi ngành này ra trường dễ có việc làm hơn và thu nhập cũng được. Nhưng theo ban A sẽ phải đi học thêm nhiều mà em không muốn đôi vai gầy của mẹ phải còng thêm nữa nên em chuyển sang ban C. Học ban C, em sẽ không phải đi học thêm mà vẫn đảm bảo được kiến thức nếu tự học ở nhà.

Khác với các bạn cùng trang lứa có điều kiện vật chất khá giả hơn, có thể năm đầu thi trượt đại học, năm sau và năm sau nữa vẫn có thể thi hoặc học cao đẳng, trung cấp. Nhưng với Hòa, chỉ có ranh giới giữa đỗ một trường đại học danh tiếng và trượt, cơ hội chỉ có một lần không có lần thứ hai, bởi vậy mà em phải quyết tâm thi đỗ.

Ngày thi đại học cũng đến gần, các bạn luyện thi lớp này lớp nọ, chỉ có việc ăn và học, nhưng với Hòa thì công việc vẫn bình thường như bao ngày, vẫn vừa học và vừa phụ giúp mẹ. Chủ yếu buổi đêm, em mới có thời gian tập trung vào học tập.

Trong căn nhà nhỏ hẹp của gia đình Hòa không có một vật dụng gì đáng giá, chỉ có chiếc xe đạp cũ là vật duy nhất có giá trị. Thương mẹ lam lũ, vất vả, chị em Hòa luôn học hành chăm ngoan và đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Biết gia đình khó khăn nhưng ước mơ được học đại học vẫn luôn khát khao trong lòng cô học trò sớm phải lo toan này, Hòa đã quyết định đăng ký thi vào trường đại học Luật Hà Nội.

Nữ sinh nghèo mê làm luật sư

Vừa phải giúp đỡ mẹ việc đồng áng vừa ôn thi đại học nhưng kỳ thi đại học vừa qua, Hòa đã đạt số điểm khá cao, 24 điểm, mức điểm đáng nể đối với những thí sinh thi ban C. Hòa bùi ngùi nhớ lại: "Ngày em đi thi, các cô dì, chú bác, xóm giềng, ai cũng thương nên mỗi người một ít tiền để em đi thi. Hôm xem kết quả trên mạng, biết ước mơ vào đại học của mình đã thành hiện thực, nhưng em đã ôm mẹ và khóc bởi em biết rằng rồi đây cái ước mơ ấy sẽ khó trọn vẹn khi gia cảnh quá khó khăn. Em không muốn một lần nữa lại là gánh nặng trên đôi vai tảo tần của mẹ, mẹ đã quá nhiều vất vả, nên em đã quyết định gác lại giấc mơ".

Ngày cầm tờ giấy báo nhập học trên tay, cô nữ sinh rưng rưng nước mắt, biết rằng đó là ước mơ của biết bao người khao khát có được. Nhưng mẹ sẽ chu cấp cho em thế nào khi ra Thủ đô học tập những 4 năm sẽ rất tốn kém, ngoài khả năng của gia đình. Vẫn biết rằng chỉ có học mới thoát khỏi cảnh nghèo, nhưng không ích kỷ cho riêng mình mà trút thêm gánh nặng lên đôi vai mẹ, sau Hòa còn có 2 em nữa.

Anh em, bà con hàng xóm biết Hòa đỗ đại học vui lắm, con nhà nghèo mà học giỏi. Nhưng thấy em có ý định không đi học đại học thì mọi người đã khuyên và động viên Hòa tiếp tục đi học, bởi vùng quê nghèo này không đi học thì mãi mãi không "ngóc đầu lên được". Ngoài động viên tinh thần, mỗi người còn hỗ trợ em, người thì vài chục, người thì vài trăm nghìn đồng. Trước những tình cảm của xóm làng, cùng với nghị lực của con người em một lần nữa lại động viên và nhờ chính sách cho sinh viên nghèo vay của Nhà nước nên Hòa đã phần nào yên tâm đi học.

Sở dĩ Hòa chọn theo ngành luật, một phần vì ước muốn của người cha quá cố và cũng vì ước mơ cháy bỏng của em. Em mong muốn sau này trở thành một luật sư giỏi, bởi vì luật sư có thể giúp được rất nhiều người đặc biệt là những người nghèo. Bằng kiến thức pháp luật của mình đã học, em mong muốn sẽ lấy lại công bằng cho mọi người. Hơn nữa, em cũng có điều kiện để giúp đỡ những người chưa nắm được pháp luật để họ sống đúng pháp luật.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhà trường cũng tạo điều kiện cho Hòa được ở trong ký túc xá. Chúng tôi khá bất ngờ và thậm chí đến mức khó tin, bởi mức chi tiêu ít ỏi của cô nữ sinh trường luật này. Hòa kể: "Em được ở ký túc xá nên cũng không tốn kém lắm, chứ ở ngoài thì em không biết lấy tiền đâu để trang trải. Mỗi tháng tiền phòng và tiền điện mất gần 200 nghìn đồng, tiền ăn hơn 400 nghìn đồng và cộng với các khoản chi khác khoảng 200 nghìn đồng nữa ngoài tiền học phí đóng ngay từ đầu năm học. May mắn, biết hoàn cảnh của em, công ty luật Hoàng Gia đã trao học bổng 500 nghìn đồng/tháng cho em trong suốt 4 năm học đại học nên mẹ em cũng bớt vất vả".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thiên Vũ (Người đưa tin)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN