Nỗi khổ của nhân viên mới
Ngọc đắng họng khi nghe ma cũ mỉa mai: "vào được công ty này chẳng qua là có ô dù thôi không thì giờ này chắc cũng đi rửa bát ở ngoài chợ rồi".
Tốt nghiệp ra trường, để tìm được một công việc phù hợp với chuyên ngành của mình không hề dễ. Nhưng có được công việc đúng chuyên ngành thì liệu họ có cơ hội để phát triển bản thân hay không?
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi của một trường đại học danh tiếng, chẳng ai bất ngờ khi Lan được vào làm ở một cơ quan nhà nước với đúng chuyên ngành của mình. Trong suy nghĩ của mọi người, được làm trong môi trường nhà nước sẽ nhàn hạ hơn vì công việc không quá nặng nề, lại chỉ gói gọn với 8 tiếng/ngày. Thế nhưng, không ai có thể hiểu được những nỗi khổ tâm mà Lan đang phải chịu đựng.
Vốn là cô gái sống nội tâm nên rất ít khi Lan tâm sự về nghề nghiệp của mình, hơn nữa nếu kêu vất vả thì mọi người trong gia đình lại lo lắng cho cô. “Ai cũng nghĩ rằng mình sướng lắm, bố mẹ mình thấy con gái được làm trong cơ quan nhà nước thì tự hào gặp ai cũng kể, gặp ai cũng khoe, bạn bè đứa này thì bảo "mày sướng nhé, tao ước được như mày", đứa kia thì bảo "biết thế ngày xưa tao chăm học tí nữa có phải không". Nhưng có ai biết rằng, nguyên một tháng đầu tiên mình chỉ có chạy đi chạy lại, pha trà, bê nước rồi đứng trực ở máy photo, một tháng đầu mình không được nhận đồng lương nào. Khi mình thắc mắc thì chị trưởng phòng giải thích là tất cả những nhân viên mới đều trải qua một tháng như vậy để làm quen với môi trường công sở cũng như rèn luyện tác phong đi đứng của mỗi người. Lúc đấy mình mới biết nhân viên mới ai cũng phải mất một tháng để học việc. Mình buồn lắm nhưng cứ nghĩ tới cha mẹ và bạn bè thì lại tự động viên bản thân phải cố thôi".
Ma mới bắt nạt ma cũ vốn là câu chuyện muôn thủa ở công sở, cứ nghĩ hết một tháng là Lan sẽ chính thức trở thành nhân viên công sở, chính thức làm tám tiếng và được nhận lương nhưng… “Các chị trong cơ quan thấy mình là nhân viên mới thì thi nhau nhờ vả. Mình nghe đến thuộc tất cả các câu nói như: "Hôm nay chị phải về đón cháu, em làm giúp chị với"… hay "chồng chị đang đợi chị ở ngoài cổng"; "hôm nay chị phải về sớm để đi thăm mẹ chồng, em xem lại giúp chị cái hợp đồng này nhé!"... Mình cũng chẳng biết những lý do đó có chính xác hay không nhưng thấy tủi thân lắm, trong khi mọi người về hết thì mình phải ở lại làm, vì gì cơ chứ? Vì mình là nhân viên mới đấy! Nhân viên mới khổ thật đấy", Lan bức xúc nói.
Không học giỏi như Lan, Ngọc chỉ tốt nghiệp với tấm bằng loại khá nhưng Ngọc may mắn hơn Lan khi vừa ra trường đã được vào làm đúng chuyên ngành của mình. Chả là nhà Ngọc có ông bác họ quen biết được vị phó giám đốc trong công ty nên xin cho Ngọc vào làm. Ai cũng bảo số Ngọc sướng, ra trường không mất đồng nào xin việc lại được vào làm theo đúng chuyên ngành... nhưng trên đời này đúng là cái gì cũng có cái giá của nó!
Ngọc cảm thấy rất tủi thân khi bị các chị ma cũ mỉa mai, nói xấu (Ảnh minh họa)
Nếu như Lan phải bê nước pha trà, trực máy photo thì Ngọc lại luôn phải nghe những lời nói xấu sau lưng từ các chị đồng nghiệp. Biết thân, biết phận là nhân viên mới nên Ngọc cũng chẳng dám ho he, chẳng dám ý kiến nhưng mấy "ma cũ" thấy vậy lại còn được đà nói xấu Ngọc nhiều hơn. “Khiếp đã xấu hình thức lại còn xấu cả nội dung, mồm ăn thì có, mồm nói thì không, vào được công ty này chẳng qua là có ô dù thôi không thì giờ này chắc cũng đi rửa bát ở ngoài chợ rồi…”. Ngọc tâm sự: “Đã có lúc mình ngồi khóc một mình ở công ty vì tủi thân, cũng đã có lần định bỏ cuộc, nhưng lần nào gọi điện về mẹ mình cũng động viên mình cố gắng chịu đựng, mình không nghĩ là nhân viên mới mà có người thân giúp lại khổ đến thế”.
Còn Huy, sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật bằng khá với biết bao bộ hồ sơ được gửi đi trong suốt hai tháng, cuối cùng, Huy cũng được nhận vào làm việc. Công ty của Huy không to lắm nhưng cậu vẫn cảm thấy may mắn vì có được công ăn việc làm trong khi nhiều đứa bạn vẫn loay hoay chưa biết xin việc ở đâu.
Vào làm nhân viên kỹ thuật nhưng Huy đã được các anh "cử" chạy xe khắp nơi. Hôm nay đến nơi này sửa máy, ngày mai đến nơi kia thu tiền và các anh trong công ty cũng hứa "sẽ trả tiền xăng bồi dưỡng cho Huy". Nhưng chính bản thân Huy cũng không ngờ được rằng:… “Một tháng liền mình đi lại biết bao vất vả, tốn rất nhiều tiền xăng xe, vậy mà đến cuối tháng, trưởng phòng nói rằng tháng đầu tiên là đi học việc nên không có lương, tiền xăng thì bản thân phải chịu chứ công ty không trả, tức quá mình nghỉ làm luôn. Đúng là kiếm được đồng tiền vất vả thật đấy, giờ vào công ty nào nhân viên mới cũng phải học việc ít nhất một tháng, khổ lắm!”, Huy chia sẻ.
Vì là nhân viên mới nên cái gì cũng lạ, vì là nhân viên mới nên họ cần rất nhiều những lời khuyên và những lời động viên từ những người đi trước, vì là nhân viên mới nên họ cần những lời hỏi han quan tâm của tất cả mọi người ở nơi làm việc. Nếu như các anh chị trong cơ quan bớt nhờ Lan đi một chút, các "ma cũ" biết tôn trọng Ngọc hơn hay Huy được công ty trả cho ít tiền lương ít ỏi để an ủi… thì có lẽ họ sẽ có động lực để làm việc tốt và gắn bó với công ty hơn.