Những bạn trẻ “tái sinh” cho vỏ trứng

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Để giải tỏa căng thẳng trong mùa dịch, nhiều bạn trẻ đã nghĩ ra ý tưởng “tái sinh” vỏ trứng để tạo ra những câu chuyện thú vị cho riêng mình.

“Đám cưới trứng”

Đám cưới mùa dịch COVID-19 của Châu Nguyệt Minh cùng chồng.

Đám cưới mùa dịch COVID-19 của Châu Nguyệt Minh cùng chồng.

Sau lễ Phục sinh, Châu Nguyệt Minh (sinh năm 1984, sống tại Thụy Sỹ) ấp ủ ý tưởng làm “đám cưới trứng” như một cách lưu giữ kỷ niệm đám cưới thực tế của vợ chồng chị trong thời gian dịch bệnh. Sau hai tháng ăn trứng, cô có 60 “khách mời quả trứng” đến chung vui với “cô dâu”, “chú rể”.

Minh chọn hai quả trứng “cô dâu”, “chú rể” theo màu da của cô và chồng: Chồng da trắng nên chọn trứng trắng, vợ da vàng nên chọn trứng nâu. Các bước làm được cô thực hiện tuần tự, từ đâm lỗ ở hai đầu, thổi trứng ra, cho vỏ trứng vào hỗn hợp muối và nước rửa chén để rửa chữ trên vỏ, rồi làm sạch bên trong và làm vỏ cứng hơn. Minh không quên tận dụng những loài hoa có sẵn trong nhà như cẩm tú cầu, mao lương, lan hồ điệp để “trang điểm” cho “cô dâu trứng”.

"Đám cưới trứng" do Châu Nguyệt Minh tổ chức.

"Đám cưới trứng" do Châu Nguyệt Minh tổ chức.

Nhớ lại thời gian quen nhau trước kia của hai vợ chồng, Minh cho hay cả hai đã biết nhau được hơn bốn năm nhưng lúc đó chưa có dự định tiến xa hơn. Một người làm việc tại Áo, một người sinh sống ở Thụy Sỹ giữ liên lạc bằng cách gửi ảnh nơi mình đến cho người kia hoặc hỏi thăm sức khoẻ lẫn nhau.

Trong thời gian “mắc kẹt” ở Áo, không thể trở về Việt Nam vì lý do dịch bệnh, Minh và chồng có cơ hội trao đổi nhiều hơn, tìm ra nhiều điểm chung và quyết định tiến đến hôn nhân. Trải qua biết bao chuyện không như ý khi tổ chức đám cưới mùa dịch, vợ chồng cô vẫn có những giây phút hạnh phúc và ấm cúng bên nhau.

“Họa mặt” cho trứng

Vốn dĩ sống ở Đà Lạt nhưng hiện tại, Nguyễn Ngọc Tiểu Ni (sinh năm 1991) phải ở lại TP. HCM vì lý do dịch bệnh và cô bạn đang trải nghiệm những ngày thú vị ở đây. Đợt vừa rồi, Tiểu Ni được tặng một vỉ trứng nên cô nảy ra ý tưởng “họa mặt” cho chúng.

Ni chia sẻ: “Đối với mình, việc ngồi tập trung vẽ nên những điều đáng yêu như vậy cũng là một cách thiền, một hình thức thư giãn. Thêm nữa, việc ngắm nghía và thỏ thẻ với các “bạn trứng” mỗi ngày cũng khiến mình cảm thấy vui hơn”.

Ngoài việc vẽ những hình ngộ nghĩnh để trang trí thì Tiểu Ni tận dụng vỏ trứng để trồng hành lá và bón phân cho cây.

Ngoài việc vẽ những hình ngộ nghĩnh để trang trí thì Tiểu Ni tận dụng vỏ trứng để trồng hành lá và bón phân cho cây.

"Lũ đầu trọc đáng yêu" của Nguyễn Ngọc Tiểu Ni.

"Lũ đầu trọc đáng yêu" của Nguyễn Ngọc Tiểu Ni.

Cô sử dụng bút mực đen thay cho màu nước để trang trí những quả trứng. Tiểu Ni đã “gọi yêu” những quả trứng của mình là “lũ đầu trọc đáng yêu” và “tô điểm” cho chúng với đa dạng họa tiết như biểu tượng cảm xúc hay các loại thảo mộc mà mình thích. Mực sau khi khô bám rất bền trên bề mặt quả trứng, dù đem đi luộc cũng không phai màu.

Tình hình dịch bệnh đã khiến công việc của Ni “đóng băng” mấy tháng nay. Cô cho rằng thời gian này là cơ hội để làm những điều khiến mình thấy hạnh phúc, cũng như tìm hiểu nội tâm mình một cách sâu sắc hơn.

Thời gian này, Nguyễn Thị Giang sẽ làm thêm nhiều món đồ chơi từ vỏ trứng để tặng cho trẻ em vùng cao.

Thời gian này, Nguyễn Thị Giang sẽ làm thêm nhiều món đồ chơi từ vỏ trứng để tặng cho trẻ em vùng cao.

Nguyễn Thị Giang (sinh năm 1989, sống tại tỉnh Khánh Hòa) rất thích mày mò, sáng tạo những món đồ lưu niệm dễ thương từ vỏ trứng để dành tặng người thân, bạn bè. Cô chuyên làm đồ thủ công tái chế, chủ yếu kết hợp vỏ trứng và các nguyên liệu tái chế khác để tạo ra đồ chơi mới.

Những sản phẩm từ vỏ trứng của Nguyễn Thị Giang.

Những sản phẩm từ vỏ trứng của Nguyễn Thị Giang.

Công đoạn cầu kỳ nhất đối với Giang là quấn dây giấy tạo hình, vì phải quấn nhiều lớp đều tay để các đường dây giấy tròn trịa, không bị dính keo. Sau khi quấn dây xong, Giang sẽ phủ một lớp keo sữa, sơn màu acrylic và phủ hai lớp keo xịt bóng trước khi hoàn thiện sản phẩm. Vỏ trứng được làm bằng nhựa nên nhẹ và dễ dàng tạo hình, đồng thời bảo quản được lâu.

Bằng việc sử dụng vỏ trứng, cô thỏa sức “hô biến” chúng thành các nhân vật hoạt hình nổi tiếng, loài vật ngộ nghĩnh… cho đến hình tượng con người. Sản phẩm nào làm ra cũng dễ thương, thú vị bởi hình tượng quả trứng vốn tròn vo, gần gũi với mọi người. Không chỉ vậy, Giang còn gửi gắm ước mơ ngày bé trong mỗi tác phẩm, hy vọng mọi người đều thích thú khi nhìn những quả trứng đáng yêu này.

Giang cho hay, mình sẽ tranh thủ thời gian nghỉ dịch để làm nhiều món đồ chơi từ trứng với mong muốn gửi tặng trẻ em vùng cao ngay khi hết dịch, giúp tuổi thơ các em đong đầy niềm vui với món đồ chơi tái chế độc lạ.

Nguồn: [Link nguồn]

Nghỉ dịch, nhiều bạn trẻ về quê làm nông chăm vườn phụ giúp bố mẹ

Những ngày giãn cách xã hội, trực tiếp tham gia làm những công việc "chân lấm, tay bùn", nhiều bạn trẻ nhận ra giá...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Như Mai - Hương Nhu ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN